Chống buôn lậu thuốc lá: Vướng do xung đột pháp lý

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, các địa phương, và lực lượng chức năng đã kiềm chế được phần nào nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá.

Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2019, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị...

Để tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn, cũng như tìm ra giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu thuốc lá, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trương Văn Ba - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

Số lượng lớn thuốc lá ngoại nhập lậu bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ sáng 1/1/2020, tại Gia Lai. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Số lượng lớn thuốc lá ngoại nhập lậu bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ sáng 1/1/2020, tại Gia Lai. Ảnh: Dư Toán/TTXVN

Thưa ông, số vụ buôn lậu thuốc lá với số lượng lớn liên tục được các cơ quan chức năng bắt giữ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, kết quả đó chưa tương xứng với tình hình thực tế. Ông lý giải ý kiến này như thế nào?

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 (Chỉ thị 30) của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án buôn lậu thuốc lá, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã có những kết quả tích cực.

Lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 53 triệu bao thuốc lá, khởi tố hình sự gần 2.000 vụ việc với hơn 10.000 đối tượng bị truy tố và xử lý hành chính hơn 70.000 vụ.

Kết quả này đã góp phần ổn định tình hình ở khu vực biên giới và tạo công ăn việc làm cho cư dân vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tình hình buôn lậu thuốc lá hiện nay, một phần do đường biên giới dài, đặc biệt ở khu vực biên giới Tây Nam địa hình bằng phẳng, nhiều kênh rạch nên rất thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu.

Một nguyên nhân nữa là lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu thuốc lá rất lớn do không phải chịu bất kỳ loại thuế, phí nào. Vì vậy, nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá bất chấp các quy định pháp luật để tuồn thuốc lá lậu về thị trường nội địa tiêu thụ.

Trong khi đó, chế tài xử lý các hành vi buôn lậu thuốc lá còn nhẹ khiến các đối tượng “nhờn” luật, đồng thời một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt nên vẫn xảy ra hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Ngoài ra, lực lượng chức năng tại một số địa bàn còn xao nhãng trong công tác chống buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Trong nhiều năm qua, một giải pháp được nhắc đến thường xuyên nhưng chưa giải quyết triệt để, đó là đời sống cư dân biên giới còn nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên đã bị các đối tượng buôn lậu lôi kéo, tham gia tiếp tay vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới.

Xung đột về mặt pháp lý cũng đang là một nguyên nhân khiến hoạt động chống buôn lậu thuốc lá vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu quy định hành vi buôn lậu thuốc lá từ 1.500 bao trở lên sẽ bị xử lý hình sự và quy định thuốc lá là mặt hàng cấm.

Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong Luật Thương mại khi quy định thuốc lá là mặt hàng cấm, trong khi Luật Đầu tư quy định kinh doanh thuốc lá là mặt hàng có điều kiện nên Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn Tòa án các cấp xử lý thuốc lá nhập lậu không phải là hàng cấm và xử lý như những mặt hàng khác. Vì vậy việc xử lý hình sự đang gặp nhiều khó khăn.

Thưa ông, với những diễn biến của hoạt động buôn lậu thuốc lá đang đặt ra những thách thức nào cho lực lượng chức năng, nhất là thời điểm cuối năm đang cận kề?

Theo quy luật, cận kề dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán các đối tượng buôn lậu sẽ tổ chức vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam với số lượng lớn hơn những tháng bình thường.

Công tác chống buôn lậu nói chung và chống buôn lậu nói riêng đặt ra nhiều thách thức cho các lực lượng chức năng. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện tốt Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Đồng thời, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán để đấu tranh chống buôn lậu ở các địa bàn trọng điểm.

Trong vài năm gần đây, buôn lậu thuốc lá không chỉ diễn ra trên đường bộ, đường biển mà gần đây là cả đường hàng không với nhiều chủng loại khác nhau. Theo ông, điều này đang gây ra những khó khăn nào cho cơ quan chức năng?

Hoạt động buôn lậu thuốc lá chủ yếu diễn ra trên đường bộ, thời gian qua Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã phát hiện một số vụ diễn ra trên đường biển và qua đường hàng không.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, dù các đối tượng sử dụng nhiều loại hình vận tải khác nhau, nhưng chủ yếu hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn trên đường bộ, tập trung phần lớn ở địa bàn biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó, một số địa bàn như Quảng Trị, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng diễn ra hoạt động buôn lậu thuốc lá, song số lượng không lớn.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện nghiêm Chỉ thị 30. Kết quả bắt giữ của các lực lượng chức năng về số vụ, số lượng thuốc lá, số đối tượng bị bắt giữ vẫn là trên đường bộ.

Tuy nhiên, với việc đường biển, đường hàng không phát triển nên Ban 389 Quốc gia cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường lực lượng và kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu; trong đó có các cửa khẩu tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Một số địa phương như Long An, Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg (Quyết định 20) của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Vậy theo ông, khó khăn này cần được giải quyết thế nào khi đến hết tháng 10 vẫn còn 9,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu chưa được xử lý?

Vừa qua, số lượng thuốc lá nhập bị các cơ quan chức năng bắt giữ rất lớn nên việc phân loại, xác định chất lượng thuốc lá sẽ kéo dài và mất rất nhiều thời gian.

Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định chất lượng thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, bắt giữ. Ở các địa phương này, chưa có các cơ quan chủ trì, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định chất lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ. Với những nguyên nhân này đang khiến cho số lượng thuốc lá lậu đang tồn kho rất nhiều.

Việc tồn kho thuốc lá nhập lậu cũng đang gây nhiều khó khăn cho các địa phương, bởi địa phương không có kho chuyên dụng để lưu giữ thuốc lá nhập lậu. Mặt hàng nhập lậu này phải lưu giữ cùng với các mặt hàng nhập lậu khác nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ.

Việc chỉ đạo thực hiện Quyết định 20 tại một số địa phương cũng chưa được thực hiện do chưa thành lập Hội đồng, chưa giao cho cơ quan nào chủ trì nên việc phân loại, đánh giá chất lượng thuốc lá nhập lậu kéo dài. Đến nay, chỉ có tỉnh Long An mới phân loại được hơn 2 triệu bao thuốc lá nhập lậu và tiêu hủy được hơn 700.000 bao thuốc lá. Một số địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh do số lượng thuốc lá nhập lậu không lớn nên đã sử dụng ngân sách để tiêu hủy.

Để tiếp tục thực hiện Quyết định 20, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các địa phương cần bảo quản tang vật thật tốt đối với các sản phẩm còn chất lượng và tiêu hủy đối với hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Đối với vướng mắc về đánh giá chất lượng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ làm việc lại với các Bộ: Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ để tháo gỡ, phối hợp tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trước mắt, Ban chỉ đạo 389 các địa phương cần có cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm về đánh giá chất lượng, đề xuất Ban chỉ đạo 389 Quốc gia của Chính phủ để có biện pháp xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Trần Trung/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chong-buon-lau-hang-gia/chong-buon-lau-thuoc-la-vuong-do-xung-dot-phap-ly-20200103074711551.htm