Chống chạy chức, chạy quyền

Chiều 2/12, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Hội nghị quan trọng này được tổ chức trực tuyến tại 71 điểm cầu trên cả nước, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chủ trì. Điều đó một lần nữa cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng chống suy thoái, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch để gánh vác công việc của Đảng, của đất nước.

Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23/9/2019 đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Quy định đã đi trúng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Lần đầu tiên trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và chế tài, hình thức xử lý.

Quy định đã cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm; phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực.

Cuộc đấu tranh loại bỏ những phần tử xấu trong đội ngũ ngày càng diễn ra quyết liệt cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trở lại với nguyên lý của công tác cán bộ là gốc của mọi thành bại. Cán bộ tốt thì phong trào tốt, hiệu quả công việc cao, Dân được nhờ, Nước được nhờ. Ngược lại, cán bộ xấu thì tai họa là không thể lường trước.

Nhìn lại cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thoái hóa biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thời gian qua được Đảng ta mà đứng đầu và trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động cho thấy đó là cuộc chiến đấu rất quyết liệt, rất cam go. Bởi lẽ, những phần tử xấu đã đủ thời gian leo cao, luồn sâu; đủ thời gian để hình thành những nhóm lợi ích với hệ thống chân rết chằng chịt. Những đối tượng xấu bị kỷ luật, bị đưa ra xét xử cho thấy công tác cán bộ một thời gian dài đã để “lọt lưới” không ít kẻ hại dân hại nước. Một đội ngũ không thể mạnh nếu trong đó vẫn tồn tại những thế lực như thế. Nó là lực lượng ngầm phá từ trong phá ra cực kỳ nguy hiểm.

Cùng với các văn bản khác của Trung ương về công tác cán bộ thì Quy định số 205 của Bộ Chính trị thực sự là “hành lang pháp lý”, là công cụ cực kỳ cần thiết và quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Từ nay cho tới Đại hội XIII của Đảng thời gian không còn nhiều, vì thế công tác cán bộ lại càng trở nên cần thiết, cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhân dân trông chờ vào đội ngũ cán bộ có đức, có tài, những con người trong sáng hết lòng hết sức vì nước vì dân. Mà điều đó, muốn có được, thì phải nhờ vào việc kiểm tra, giám sát, chọn lựa chặt chẽ, khách quan, công tâm của tất cả các cấp, các ngành. Dựa vào những quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể của Quy định 205, khi thực hiện nghiêm túc chắc chắn sẽ loại được ra khỏi bộ máy (kể cả bộ máy sắp hình thành) những phần tử không xứng đáng. Triển khai thực hiện tốt Quy định 205 cũng sẽ ngăn chặn được những phần tử không xứng đáng lọt vào bộ máy quản lý, xây dựng được một hệ thống cán bộ trong sạch, tài năng cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân.

Nội dung cốt lõi trong Quy định 205 của Bộ Chính trị là công tác cán bộ, cụ thể là kiểm soát quyền lực và việc chạy chức, chạy quyền, kể cả bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Về phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy định 205 nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định”.

Chúng ta hy vọng và tin tưởng khi Quy định 205 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống sẽ tiếp thêm sinh lực, quyết tâm và tinh thần dũng cảm trong cuộc chiến đấu loại bỏ những đối tượng xấu, đồng thời củng cố, xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chong-chay-chuc-chay-quyen-tintuc453896