Chông chênh chợ nổi Cái Răng

Cánh 'thương hồ' lũ lượt chia tay chợ nổi Cái Răng để tìm chốn mưu sinh bền vững. Mặc dù điểm tham quan du lịch hấp dẫn và nổi tiếng nhất TP Cần Thơ đã được triển khai đề án bảo tồn và phát triển với kinh phí lên đến hơn 60 tỷ đồng nhằm giữ lại một nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước, vậy nhưng trên thực tế du khách vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi đến nơi này…

Một góc chợ nổi Cái Răng.

Một góc chợ nổi Cái Răng.

Cánh “thương hồ” lũ lượt chia tay chợ nổi Cái Răng để tìm chốn mưu sinh bền vững. Mặc dù điểm tham quan du lịch hấp dẫn và nổi tiếng nhất TP Cần Thơ đã được triển khai đề án bảo tồn và phát triển với kinh phí lên đến hơn 60 tỷ đồng nhằm giữ lại một nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước, vậy nhưng trên thực tế du khách vẫn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng khi đến nơi này…

“Tháo chạy” khỏi dòng sông

Đem bỏ chiếc ghe đã mục nát nhưng bà Nguyễn Thị Năm cứ nhìn mà đứt ruột. Nó đã theo bà rong ruổi suốt bao năm và giờ bỏ đi giống như xa người thân ruột thịt.

Bà Năm không biết quê mình ở đâu, chỉ biết lúc sinh ra, chiếc ghe đã là nhà, rồi theo cha mẹ sống đời thương hồ lang bạt. Tuổi thơ của bà là những ngày lênh đênh trên chợ nổi Cái Răng, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Bà kể về ký ức tuổi thơ, những buổi họp chợ lúc hừng đông, bà hay đòi mẹ đem mớ rau đổi lấy cái bánh dừa nhai ngấu nghiến.

Rồi cô bé ấy thành thiếu nữ, lấy chồng, nối nghiệp mẹ cha tiếp tục cuộc mưu sinh trên sóng nước. Vẫn chiếc xuồng trên chợ nổi, hai vợ chồng bán đủ thứ hàng để có thu nhập. Nghiệp mưu sinh bao giờ cũng theo thời cuộc. Ngày đó trên đất liền thưa thớt lối đi, ở xứ đồng bằng này lại mênh mông nước. Nhà nào không có ghe xuồng coi như bị “cụt chân”, mọi việc đi lại, vận chuyển, mua bán hàng hóa hầu hết diễn ra trên sông nước. Và cái chợ nổi từ nhu cầu tất yếu ấy đã hình thành.

Mỗi ngày, hàng trăm ghe xuồng từ khắp nơi đổ về chợ nổi Cái Răng nhóm họp. Từ con cá, mớ rau, củ quả, trái cây… cái gì cũng có. Thương hồ mua bán, trao đổi náo nhiệt cả khúc sông. “Nền kinh tế sông nước” xuất hiện, rồi cưu mang, nuôi sống bao cảnh đời nghèo khó.

Với bà Năm, tất cả giờ đã thành ký ức. 10 năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng trên đất liền phát triển đến chóng mặt. Nhà nhà mọc lên, những nơi hẻo lánh nhất thuở xưa, giờ có đường sá láng bon, xe chạy về tới ngõ. Việc đi lại, mua bán trên sông nước đã nhường chỗ cho những hình thái tiến bộ hơn. Bây giờ đi năm bảy bước chân là gặp cái chợ, đi chút nữa thì gặp siêu thị, rồi có luôn trung tâm thương mại. Muốn mua thứ gì cũng có, đâu có ai chèo xuồng đi chợ, như xưa. “Việc mua bán ngày một ế ẩm, mấy lần tui phải vay mượn tiền mua trái cây, nhưng càng bán càng lỗ, sinh kế ngày càng thêm khó. Bữa nọ, hai đứa con bàn bạc rồi cả nhà thống nhất về quê con dâu ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang sinh sống. Giờ vẫn bán trái cây, nhưng đã lên bờ, thu nhập đã khá hơn. Vừa lúc bỏ sông để đi thì chiếc ghe cũng vừa hết… đát. Đồ cũ thì bỏ, nhưng nhớ sông, nhớ nước nên cứ buồn đứt ruột”, bà Năm chia sẻ.

Ở chợ nổi Cái Răng, ông Sáu Tiến cũng là một thương hồ kỳ cựu. Vợ chồng ông có chiếc ghe bầu chuyên chở rau quả từ khắp các tỉnh về neo bán. Thời sung túc, ghe hàng bông kéo đến mua nườm nượp, rồi mang đi bán lại hoặc bỏ mối cho những chợ quê. “Trên mỗi chiếc xuồng ghe có cắm cây sào gọi là “cây bẹo”, trên đó treo gì thì bán nấy. Hồi đó vui lắm, đâu chỉ là chợ mà xôm tụ như một cái xóm cư ngụ trên sông”, ông Sáu Tiến kể.

Vài năm trước, ông và hai người con quyết định bỏ ghe lên bờ mua xe tải chở thuê. Những bạn ghe của ông, mười người thì hết bảy đã bỏ ghe giống như ông, vì sinh kế trên chợ nổi đã “chìm”, không lo nổi ngày hai bữa.

Trên “xóm chợ” với dãy nhà xập xệ ven sông, chúng tôi gặp bà Cao Mỹ Lệ đang đưa mắt nhìn theo con nước cuối mùa nước nổi. 70 tuổi, hơn 30 lần đổi “xác ghe”, bà nhớ không xuể số người được bà chèo đò chở ra sông mua đồ, nhóm chợ. Những buổi sớm mai, tiếng bạn hàng í ới gọi nhau. Phiên chợ quê tuy nghèo nhưng giàu nghĩa tình trong lam lũ. Bà kể, hồi mới giải phóng, có ông Năm ở bến Ninh Kiều xuôi về chợ nổi mưu sinh. Ổng đi thu mua nông sản trái cây thường chê bai đủ thứ, rồi kêu người bán để dạt qua một bên, phần nào tốt thì ổng mới lấy. Ổng dạt dữ quá, riết rồi người ta đặt tên là “Năm Dạt”.

“Giờ họ đi hết rồi. Từ ông Ba Việt, Ba Sốc, Sáu Xê… đều đi hết. Không đi sao được, chợ thì ế ẩm, không còn ai ra sông, vì trên bờ cái gì cũng có. Những người chèo đò như tui cũng thất nghiệp luôn. Ai còn bám chợ, một phần nhờ sinh kế đã vững mạnh, nhưng đa phần vì nghèo quá không biết về đâu để ở”, bà Lệ nói.

Tìm cách bảo tồn “hồn cốt” chợ nổi?

Mặt trời còn chưa ló rạng, nhưng anh Nguyễn Tấn Phong (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) đã thức dậy, háo hức ra thăm chợ nổi. Rồi anh nhanh chóng thất vọng, vì trước mặt anh là cảnh hàng hóa thưa thớt, ghe xuồng nằm bất động như chìm trong giấc ngủ dài. “Thổ địa” kiêm tài công Tư Quyền giải thích: “Chắc tối qua hàng về sớm, họ bán lại luôn, rồi về ghe nằm nghỉ”.

Xa xa xuất hiện những bạn ghe đang chuyền dưa hấu lên bờ. “Ở chợ này giờ toàn ghe lớn, họ đi mua nông sản số lượng lớn rồi về bán sỉ lại. Nói là bán chứ thực ra mấy vựa ở trên bờ đã thu mua hết rồi. Giờ mình ra coi là coi người ta vận chuyển hàng hóa, chứ không phải mua bán”, Tư Quyền giải thích cặn kẽ cho khách phương xa.

Chiếc xuồng du lịch len lỏi vào giữa chợ, chị Bảy Thanh cho ghe tam bản tấp vào, mời chào du khách mua trái cây với nụ cười hiền hậu. Anh Phong mua mấy ký xoài ăn ngọt lịm, nhưng lòng không khỏi hụt hẫng vì đã đặt hy vọng vào chuyến tham quan đầy thú vị.

Chúng tôi mang câu chuyện đó bày tỏ cùng ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng. Ông Khanh nói: “Tình cảnh như anh Phong đã xảy ra rất nhiều, vì bây giờ chợ đã không còn đúng nghĩa là chợ nữa”.

Theo ông Khanh, chợ nổi hiện nay hầu hết là ghe tải trọng lớn từ 10 đến 30 tấn. Chủ ghe kết nối với nhà vườn khắp nơi, ra tận miền đông, và thậm chí là ứng trước cây, con giống cho họ trồng. Đến độ thu hoạch, thương hồ đến thu mua rồi chuyển hàng về đây chất lên ghe bán lại. Những nông sản này được tám vựa gần đó thu mua hết. Có hôm ghe về độ 7, 8 giờ tối, gặp ngay lúc chủ vựa cần hàng, vậy là thương hồ “sang tay” qua luôn, rồi đi nghỉ. Sáng hôm sau khi du khách háo hức ra chợ nổi đã trở về với nỗi thất vọng.

“Những hình ảnh chuyền rau, quả… là vận chuyển hàng hóa từ sông lên vựa hoặc từ ghe lớn qua ghe nhỏ, nhưng rất ít. Còn những ghe xuồng nhỏ bán trái cây, quà vặt, ẩm thực… là của người dân mang ra chỉ để bán cho du khách. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa giống như nguyên bản ngày xưa của chợ nổi đã không còn. Từ chỗ hơn 500 ghe xuồng, giờ chợ nổi chỉ còn 100 đến 150 ghe lớn vào ngày thường, và từ 200 đến 300 ghe lớn vào ngày cao điểm, như dịp Tết Nguyên đán...”, ông Khanh cho hay.

Một thời tiêu biểu cho sự sung túc của vùng sông nước Cửu Long, chợ nổi Cái Răng giờ đây cũng bị ảnh hưởng chính quy luật đào thải của dòng chảy phát triển tự nhiên. Trước nguy cơ đó, năm 2016, UBND thành phố Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, gồm 13 hạng mục, công trình với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 10 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, còn lại là nguồn xã hội hóa kêu gọi đầu tư vào các công trình điểm dừng chân, nhà hàng nổi…

Đến nay, phần ngân sách nhà nước đã giải ngân gần 100% cho các hạng mục: Bố trí phao phân luồng giao thông, thu gom rác thải (1,2 triệu đồng/ngày), xây dựng cầu tàu tạm, truyền thông quảng bá du lịch hằng năm… Riêng nguồn xã hội hóa kêu gọi được rất thấp.

Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng Vương Công Khanh nhìn nhận: “Thương hồ là linh hồn, là những người làm nên chợ nổi. Muốn giữ chợ trước hết phải giữ được thương hồ. Bây giờ họ bỏ chợ là do cuộc sống khó khăn, nhưng trong toàn bộ đề án triển khai không có một hạng mục nào hướng trực tiếp đến lợi ích và đời sống của họ”.

Trả lời cho nghịch lý này, ông Khanh cho biết thêm: Có những việc quận không làm nổi vì vượt thẩm quyền. Hiện nay, thương hồ đang tự bơi trong cuộc mưu sinh, quận đã có đề xuất hỗ trợ, bù lỗ khi họ kinh doanh thua lỗ. Nhưng vấn đề này thuộc về chính sách, mà chính sách thì phải do thành phố quyết định. Cũng có những hỗ trợ khác cho thương hồ nhưng không trực tiếp, như tạo điều kiện cho con cái của họ đi học dù không có hộ khẩu địa phương, mở các lớp bồi dưỡng về du lịch không thu tiền, hỗ trợ nước sạch và thỉnh thoảng đến trao quà…

Quận Cái Răng cũng đã tính đến phương án phục hồi nguyên bản hình ảnh mua bán giao thương ngày xưa trên chợ nổi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cách làm tại chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), việc này là không khả thi. “Ở tỉnh bạn, có nhà đầu tư đã mua tới hàng chục ghe xuồng, nhưng không ai chịu xuống sông để bán. Đến khi có người xuống bán thì không có ai mua. Dựng chợ thì dễ, nhưng lại không có sức sống”, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng dẫn chứng.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường đại học Cần Thơ) cho biết: Muốn bảo tồn chợ nổi, chúng ta phải trả lời câu hỏi: “Bảo tồn cái gì?”. Chúng ta dùng mọi cách giữ cho được chợ, rồi để mặc nó theo thời gian hay là chỉ giữ nét văn hóa sông nước - vốn ít nơi nào có được? Chợ nổi Cái Răng đang cần một sự chuyển đổi và trong sự chuyển đổi đó chúng ta phải chấp nhận rằng, nó không thể nào còn nguyên bản. Ngay cả việc vận động các tiểu thương quay lại sông mua bán như ngày xưa cũng là đi ngược với quy luật tự nhiên, bởi xã hội đã có những hình thái mua bán tiến bộ hơn.

Bài và ảnh: TRÀ VANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chong-chenh-cho-noi-cai-rang-632028/