Chông chênh con đường sự nghiệp quần đùi, áo số

Từ 30 cầu thủ ban đầu thuộc lứa 2003-2004 của các lứa trẻ Becamex Bình Dương (B.BD), thế nhưng ở thời điểm hiện tại, chỉ còn 7 gương mặt trẻ đang được cho Vĩnh Long mượn thi đấu tại giải hạng nhì. Và trong tương lai, các gương mặt này có thể tiến xa hơn nữa trên con đường bóng đá chuyên nghiệp hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ?

Lứa cầu thủ 2003-2004 của B.BD giờ chỉ còn 7 người theo nghiệp bóng đá theo dạng cho Vĩnh Long mượn thi đấu tại giải hạng nhì

“Với tôi, bóng đá là niềm đam mê từ nhỏ. Bản thân đã theo nghiệp quần đùi, áo số được hơn 6 năm. Nhưng khi tự thấy bản thân không thể phát triển được nữa, tôi đành phải chấp nhận từ bỏ đam mê, rẽ hướng theo con đường học tập để tương lai còn có cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình”, một cựu thành viên U19 B.BD chia sẻ về quyết định từ bỏ bóng đá của bản thân.

Chia sẻ của cầu thủ trẻ xin được giấu tên trên cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều những “ngôi sao mai” từng thuộc các lứa trẻ của B.BD. Với họ, bóng đá chính là niềm đam mê từ bé, là giấc mơ được đổi đời với nghiệp quần đùi, áo số. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, khi đến độ tuổi 19, không có suất lên đội 1, được đem cho các đội hạng nhì mượn thi đấu, một năm ra sân được vài trận, tương lai bất định, họ đành phải từ bỏ đam mê, tìm đường khác mưu sinh.

Theo như tìm hiểu của chúng tôi, lứa cầu thủ sinh năm 2003 và 2004 từng được B.BD tuyển chọn vào đào tạo với số lượng ban đầu là 30 người. Giờ đây chỉ còn 2 thành viên sinh năm 2004 và 5 thành viên sinh năm 2003 vẫn đang được cho Vĩnh Long mượn tập luyện và chuẩn bị cho giải hạng nhì. Việc không được ra sân thường xuyên, trong khi số trận đấu của giải hạng nhì lại khá khiêm tốn, sân chơi dành cho họ là như rất ít. Điều này khiến cho 7 thành viên lứa 2003-2004 của B.BD gần như chưa biết được tương lai liệu mình có đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp hay không?

Không ai có thể giúp họ trả lời được những câu hỏi không có đáp án như trên. Trong số những gương mặt này, những người khi còn tập luyện, chịu khó học hành, có được tấm bằng tốt nghiệp 12 trong tay vẫn còn nuôi hy vọng theo nghiệp đèn sách, để tự có cho mình một cái nghề nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, với những người không có được may mắn như trên, giờ họ sống phụ thuộc vào gia đình và loay hoay tìm con đường đi phù hợp cho quãng đời phía trước.

Hào quang của bóng đá rất lung linh. Nhưng để thành công như Tiến Linh, Trọng Huy hay Tống Anh Tỷ, đó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu và chấp nhận hy sinh. Thực tế, những đội bóng như HAGL hay Học viện Nutifood vẫn song song cho cầu thủ của mình vừa đá bóng vừa học đại học. Nếu như phải dừng giấc mơ bóng đá, họ vẫn có bằng đại học chuyên ngành thể thao để tự mưu sinh. Để giải quyết những lỗ hổng trong đào tạo bóng đá trẻ, rất cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ nhiều phía để những người trẻ không phải vất vả tìm lối đi khi phải từ bỏ niềm đam mê với trái bóng tròn.

THÁI HẢI

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chong-chenh-con-duong-su-nghiep-quan-dui-ao-so-a293513.html