Chông chênh đường đến giảng đường

Thi đỗ vào các trường đại học mà mình mơ ước với số điểm khá cao nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các em: Trần Cường, Nguyễn Đoàn Ngọc Hậu, Thái Văn Thọ vẫn còn lắm chông chênh...

“Em sẽ cố gắng học để thay đổi số phận”

Sau bao năm cố gắng, nỗ lực trong học tập, em Trần Cường (SN 2001), ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh đã trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin - Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, với tổng 3 môn thi là 18 điểm. Ngày cầm trên tay giấy thông báo nhập học, Cường và mẹ ôm nhau khóc bởi vừa mừng vừa lo về kinh phí học tập trong những năm tới.

 Em Trần Cường phụ giúp mẹ làm vườn

Em Trần Cường phụ giúp mẹ làm vườn

Trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, chị Trần Thị Thơm (SN 1969), mẹ của Cường nghẹn ngào kể về hoàn cảnh của mình. Năm 1990, chị lập gia đình rồi lên vùng kinh tế mới xã ở Hải Thái, huyện Gio Linh sinh sống. Phải mất 3 năm sau, vợ chồng chị Thơm mới sinh được cậu con trai đầu lòng Phạm Đình Minh Hải. Thế nhưng, vừa chào đời Hải đã bị nhiễm chất độc da cam. Khi con chưa đầy 1 tuổi, chị lại gánh chịu nỗi đau mất chồng bởi tai nạn bom mìn. Rời mảnh đất Hải Thái, chị bồng theo đứa con tật nguyền về nương nhờ ông bà ngoại ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu. Chỉ vì thương con, chị Thơm không đi bước nữa mà quyết định sinh thêm một đứa con mang họ mình là em Trần Cường.

Những năm qua, một mình chị Thơm phải làm đủ nghề để nuôi Cường ăn học và chăm sóc người con nằm liệt giường từ nhỏ. Kinh tế gia đình mấy năm nay chỉ phụ thuộc vào tiền trợ cấp xã hội, tiền công làm thuê và chăn nuôi gà, lợn nhỏ lẻ nên rất khó khăn. “Con đậu đại học, tôi cũng mừng lắm. Hôm trước cháu hỏi tôi rằng, các bạn đi học hết rồi mẹ có cho con đi học không? Biết hoàn cảnh khó khăn, tôi khuyên con nghỉ học nhưng cháu không muốn, cứ khóc mãi. Thấy con khóc mà tôi thương vô cùng nên cố gắng đi vay tiền từ người thân cho con nhập học”, chị Thơm ngậm ngùi.

Có tiền đóng học phí, Cường lên xe vào Đà Nẵng làm thủ tục nhập học. Hoàn thành việc nhập học, tìm kiếm chỗ ở tại Đà Nẵng, Cường lại trở về nhà thu xếp mọi thứ để quay trở lại trường. Em nói rằng, do hoàn cảnh khó khăn nên em xin ở ghép với các bạn để chia sẻ bớt tiền trọ và vài ngày nữa em sẽ trở lại trường để đi học quân sự. Cường tâm sự: “Học phí ngành học của em mỗi kì học là 8 triệu đồng. Biết mẹ rất khó khăn nên sau khi ổn định nơi ăn ở, học tập em sẽ làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đây là ngành học em thích nên em sẽ quyết tâm học tập thật tốt, mong số phận thay đổi, sau này sẽ đỡ vất vả hơn”.

Cô học trò nghèo bóc hạt sen để kiếm tiền nhập học

Mấy ngày qua, người dân thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng ai cũng trầm trồ khen ngợi cô học trò nghèo Nguyễn Đoàn Ngọc Hậu (SN 2001) trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Huế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh với số điểm 3 môn thi là 20,20 điểm.

 Em Nguyễn Đoàn Ngọc Hậu cùng mẹ bóc hạt sen thuê

Em Nguyễn Đoàn Ngọc Hậu cùng mẹ bóc hạt sen thuê

Hậu mồ côi cha từ khi vừa lên lớp 6 nên nhà chỉ còn 4 mẹ con nương tựa vào nhau với bao khó khăn chồng chất. Từ ngày chồng mất, để nuôi 3 đứa con nhỏ, một mình chị Đoàn Thị Mai (SN 1970), mẹ của Hậu phải làm thuê đủ nghề như phụ giúp việc ở quán ăn, nhận chở rau, củ quả tại các chợ, gói bánh lọc, bóc hạt sen thuê. Tranh thủ những lúc rảnh việc, chị còn còn nhặt ve chai, kiếm các loại lá rừng chuyên làm thuốc thông dụng để bán nhằm trang trải cuộc sống.

Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi chị Mai phải gắng gượng lo cho cậu con trai đầu lòng Nguyễn Đoàn Ngọc Đức theo học năm thứ 3 tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) và Hậu chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, cô con gái út bước vào lớp 7. Ngày Hậu nhận được giấy báo trúng tuyển, lòng chị Mai càng thêm rối bời, đắn đo có nên cho con đi học tiếp hay không?. Bởi chị nghĩ, căn bệnh xương khớp, rối loạn tiền đình của mình ngày một nặng và sẽ gặp khó khăn trong việc làm thêm. Và nếu không thể làm thuê kiếm tiền được nữa thì việc học của các con sẽ bị dở dang. Nhưng nếu không cho con đi học nữa thì chị cũng không đành lòng và nghĩ đến đó nước mặt chị lại trào ra.

Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, chị Mai quyết định cho con gái Nguyễn Đoàn Ngọc Hậu nhập học. “Hậu là đứa con rất ngoan, lễ phép, không quản ngại làm thêm đủ việc để phụ giúp tôi lo cho gia đình. Suốt 12 năm học vừa qua, cháu luôn đạt thành tích khá, giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Đặc biệt là 3 năm học THPT, Hậu luôn đạt học sinh giỏi và giành được 1 giải Khuyến khích, 1 giải Nhì, 1 giải Ba trong kì thi học sinh giỏi môn Địa lí cấp huyện, tỉnh. Cháu học cũng giỏi lại chịu khó nên cho cháu nghỉ học tôi không đành lòng và biết rằng việc chinh phục giảng đường còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ gắng hết sức để đồng hành với con”, chị Mai chia sẻ.

Những ngày này, chị Mai liên tục nhận bóc vỏ hạt sen thuê tại nhà để kiếm thêm tiền cho Hậu nhập học. Thế nhưng, giá tiền công bóc vỏ 1 kg hạt sen được chừng 15 nghìn đồng và ngày nhiều nhất hai mẹ con cũng chỉ kiếm được khoảng 70 - 90 nghìn đồng bởi còn dành thời gian làm thuê thêm nhiều việc. Trong khi đó, chi phí nhập học ban đầu và các khoản thuê trọ, mua sắm sách vở, giáo trình cũng hơn 7 triệu đồng. Mấy ngày qua chị Mai và Hậu đã làm thuê rất nhiều việc, thậm chí thức đêm để làm nhưng vẫn không sao gom đủ số tiền chuẩn bị cho việc nhập học nên đành phải vay mượn từ nhiều người...

Cậu học sinh nghèo hiếu học

Thái Văn Thọ (SN 2001), trú tại thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ nhận tin báo trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành Công nghệ thông tin với tổng điểm 25,1 mà lòng nặng trĩu lo âu. “Bố mất đã 7 năm nay, một mình mẹ bị bệnh gai cột sống, xương khớp nhưng vẫn nỗ lực nuôi 2 chị học đại học nay thêm em nữa sợ mẹ không gắng gượng được. Khi được mẹ động viên nhập học, em rất vui mừng nhưng cũng lắm nỗi lo bởi thương mẹ một mình vất vả”, Thọ nghẹn ngào tâm sự.

 Em Thái Văn Thọ luôn nỗ lực học tập

Em Thái Văn Thọ luôn nỗ lực học tập

Thương con biết chịu khó lại hiếu học, chị Nguyễn Thị Quýt (SN 1971), mẹ của Thọ đã chạy vạy khắp nơi để mượn tiền nhập học cho con. Mượn khắp nơi chẳng được, chị lại quyết định vay thêm ngân hàng với tổng mức dư nợ gần 150 triệu đồng. Trước đó, chị đã vay tiền để lo cho cô con gái đầu Thái Thị Phương Thảo (SN 1996) theo học Trường Đại học Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi, nay đã tốt nghiệp và cô con gái kế Thái Thị Minh Thư (SN 1998), đang theo học năm thứ 4 tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế). “Hiện tại kinh tế gia đình tôi chỉ trông chờ vào vài chục gốc cao su, hồ tiêu, nghệ và việc chăn nuôi gà, lợn nhỏ lẻ nên không thể nào lo đủ cho 2 con theo học đại học. Chỉ trông mong sao cô con gái đầu có việc làm ổn định để phụ giúp tôi lo thêm cho việc học của 2 em. Dẫu khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để 2 con được ăn học thành tài, có như vậy dưới suối vàng ba các cháu mới an lòng”, chị Quýt tâm sự.

Trò chuyện với chúng tôi, Thọ cho biết em đang tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp, đồng thời thể hiện quyết tâm học thật tốt để có thể nhận học bổng từ nhà trường nhằm giảm bớt gặng nặng kinh tế cho gia đình và có thêm điều kiện để học tập.

Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141763