Chống chọi với nước lũ để bảo vệ quan tài người em
Nước lũ lên cao, sóng đánh dồn dập, gia đình bà Luy không thể đưa em trai đi an táng. Suốt 4 ngày giữa đỉnh lũ, nhà bà phải vất vả với con nước để bảo vệ thi hài em.
Chỉ khoảng 50 cm nữa, nước sẽ lên tới cỗ quan tài đang được đặt giữa nhà. Gia đình bà Luy hò nhau kê thêm bàn, ghế để đặt cỗ quan tài cao hơn nữa. Trong ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin duy nhất của người cháu, cả nhà bà đứng mà nước lên tới ngực.
“Nó đã lạnh vậy rồi, không thể để nó bị ướt được”, bà Luy khóc nức nở kể về người em trai mới mất.
Ngày em trai bà Phạm Thị Luy (58 tuổi, ngụ xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) trở về nhà trong cỗ quan tài hôm 16/10, Quảng Bình chuẩn bị bước vào những trận mưa lũ lịch sử. Suốt 4 hôm kể từ khi lũ về (18/10), cả nhà bà chật vật tìm cách đưa người em trai về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Nước lên tí nữa là cả nhà đi"
“Phải ưu tiên người sống, người chết tạm để đó đã”, một người cứu trợ nói vội với bà khi được nhờ mướn thuyền để chở linh cữu đi an táng. Không còn cách nào khác, cả nhà bà phải chống chọi với dòng nước lũ để bảo vệ quan tài người em xấu số.
Sau nhiều năm cùng gia đình di cư khỏi Lệ Thủy để đến Đồng Nai kiếm việc làm, em trai bà Luy qua đời vì một cơn đột quỵ ở tuổi 54. Bà chẳng kịp nghe lời cuối của em trai, cũng không nhớ lần cuối hai chị em gặp mặt là khi nào. Cuộc ra đi của em bà chỉ gói gọn trong lời thông báo của người vợ qua điện thoại: “Chị ơi, anh ấy qua đời rồi”.
Cả nhà đưa đứa em về quê ở Lệ Thủy, dự tính tổ chức lễ viếng 1-2 ngày rồi đưa đi an táng. Nào ngờ, đưa em về tới nhà 2 ngày thì nước lũ dâng lên. Cả nhà không kịp trở tay.
Từ chiều 18/10, trời Quảng Bình xám xịt. Nước sông Gianh dâng đến tận sân. Cả con ngõ trước mặt mênh mông nước. Mưa không dứt khiến nước càng lên cao. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bà Luy đã thấy nước ngập đến thềm nhà, nhanh chưa từng thấy.
Thế nhưng, cả gia đình bà không thể tưởng tượng được nước lũ lại có thể cao đến vậy. Mực nước tại sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) lên tới 4,89 m ở đỉnh lũ. Hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy chỉ còn thấy thấy mái ngói nhấp nhô trong nước.
Đêm 18/10, hơn 10 người trong gia đình bà Luy thức trắng, chen chúc trên 2 chiếc giường ở góc nhà, căng mắt nhìn theo mực nước ở chân quan tài.
Trời tối om, chỉ nghe tiếng mưa trước sân nhà. Ngọn đèn cầy cho em trai cứ thắp lên lại bị gió thổi tắt. Quần áo ai cũng ướt sũng, rét run. Điện thoại hết pin. Họ không có cách nào liên lạc với bên ngoài.
Nếu nước lên đến trần nhà, bà Luy không biết cầu cứu ai, mà có lẽ cũng chẳng ai nghe được tiếng kêu cứu của gia đình bà. Cả đời bà Luy sống chung với nước, lớn lên cùng lũ, nhưng chưa bao giờ sợ nước tới vậy.
“Đồ ăn không có, nước không dám uống. Có chai nước chỉ dám nhấp nhấp thôi, sợ hết. Nước lên tí nữa thì cả nhà chắc đi theo em trai cả”, bà Luy bần thần kể.
Nước mắt mùa lũ
Hai ngày sau, đám tang của em trai bà Luy không một ai tới vì mưa lớn, nước lũ dâng cao. Nước mắt cả đại gia đình hòa vào nước mưa.
Gặp chiếc thuyền, canô nào, bà Luy và người nhà cũng xin họ chở giúp linh cữu đi an táng nhưng ai cũng từ chối vì sóng quá lớn, không thể chở quan tài.
Đến chiều tối 19/10, bà Luy mới nhận được một cái gật đầu. 17h30, đội canô có mặt tại nhà bà, sẵn sàng cho cuộc tiễn đưa. Thế nhưng, trời tối nhanh, mưa to, gió lớn khiến sóng đánh dạt cả thuyền to. Lễ an táng phải dời đến sáng hôm sau.
“Toàn dân sông nước nhưng nhìn sóng đánh như sóng biển, ai cũng sợ. Tối ấy, cả nhà đi xin khắp xóm được 20 áo phao để hôm sau đưa tang. Không có áo phao, không ai dám đi lại giữa dòng nước lũ", bà Luy kể.
Canô đi dọc sông Kiến Giang, chạy hơn 2 giờ mới đi hết được 10 km đường sông để tới gần nghĩa trang ở xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy). Sau đó, đoàn người phải khiêng quan tài đi bộ thêm 2 km nữa mới đưa được em trai bà Luy đến nơi an táng.11h ngày 20/10, Lệ Thủy vẫn mưa lớn, sóng đánh dồn dập. Giữa cơn mưa như trút, người dân Lộc Thủy thấy đoàn canô chở linh cữu của em trai bà Luy ra khỏi xóm. Nhìn cuộc tiễn đưa trong mưa lũ, ai cũng xót thương.
Nỗi lo cho người đã khuất vừa qua, bà Luy và người nhà phải đối mặt ngay với nỗi lo cho người còn sống. Nước lũ lên cao suốt mấy ngày, những con đường cho xe chạy giờ chỉ có ghe, thuyền mới vào được.
Cả nhà không có gì ăn, cũng không có phương tiện di chuyển. Bà Luy bảo nếu không nhờ tình thương của xóm làng, sáng cho gói mì, chiều cho suất cơm, có lẽ, bà đã không sống được đến khi thấy ngày nắng lên.
“Tôi hay bảo Lệ Thủy là nước mắt của thủy thần. Nhưng giờ không phải nữa rồi, Lệ Thủy là nước mắt chảy thành sông mới đúng”, bà Luy vừa nói vừa khóc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dam-tang-giua-dinh-lu-post1145005.html