Chống chuyển giá, thu về cả ngàn tỷ đồng
Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Thuế Đồng Nai đã phát hiện 16 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển giá nên đã truy thu thuế và phạt 162 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 3 năm gần đây, Đồng Nai đã truy thu thuế và phạt trên 1.060 tỷ đồng, ngăn lỗ gần 8.500 tỷ đồng. Dù vậy, cuộc chiến chống chuyển giá vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cái “được” lớn nhất trong cuộc chiến chống chuyển giá là ngăn chặn tình trạng báo lỗ ở nhiều doanh nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước trong những tháng tiếp theo. Đặc biệt là qua đó, các doanh nghiệp đã có ý thức cao hơn trong việc điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận phù hợp với thực tế.
* Vẫn khó khăn trong chống chuyển giá
Đồng Nai được đánh giá là nơi thực hiện khá tốt việc chống chuyển giá. Tuy nhiên, việc tìm hiểu, điều tra để phát hiện ra doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và tìm được các bằng chứng để buộc họ phải nộp lại phần thuế đã chuyển giá là không dễ.
Tính từ năm 2016 đến nay, thanh tra giá chuyển nhượng của Đồng Nai truy thu thuế và phạt trên 1.060 tỷ đồng và ngăn lỗ gần 8.500 tỷ đồng giúp ngân sách nhà nước tăng thu trong những năm sau thì việc chi ra hơn 50 ngàn USD để mua phần mềm sử dụng cho công tác chống chuyển giá được cho là khá hợp lý.
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc các tập đoàn lớn có quá trình bảo mật thông tin rất cẩn thận, trong khi cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng phần lớn là kiêm nhiệm. Chưa kể, các quy định về chống chuyển giá của Chính phủ còn những “rào cản” khiến các đơn vị thực hiện tương đối khó khăn.
Nhiều tỉnh, thành đang đi đầu trong cuộc chiến chống chuyển giá đã đề nghị Quốc hội nên xem xét ban hành Luật Phòng chống giá chuyển nhượng phù hợp với thông lệ quốc tế, quy định rõ thời gian thực hiện các vụ chống chuyển giá, kinh phí để mua dữ liệu phục vụ cho công tác điều tra... Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cục thuế các địa phương trong việc thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, nên đào tạo nguồn nhân lực bài bản hơn để thực hiện công tác chống chuyển giá tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho rằng, hiện nay một số nước trong khu vực ASEAN đã thành lập riêng Cục Quản lý giá chuyển nhượng để triển khai mọi việc thuận lợi hơn. Do đó, Đồng Nai cũng đã đề xuất một số giải pháp với Tổng cục Thuế để việc chống chuyển giá bớt khó khăn. “Thời gian qua, thanh tra giá chuyển nhượng gặp khó khăn về thời gian, vì cũng có những vụ việc kéo dài 1-3 năm, trong khi quy định thời gian rất ngắn như các cuộc thanh tra bình thường khác. Ngoài ra, còn gặp khó khăn do thiếu phần mềm dữ liệu để thực hiện” - ông Nguyễn Văn Công nói. Phần mềm dữ liệu mà ngành thuế cần để rà soát kiểm tra việc chuyển giá khoảng 50 ngàn USD, song nhiều lần Đồng Nai đề xuất vẫn chưa được Tổng cục Thuế chấp thuận.
* Phối hợp để ngăn chặn
Tuy việc thanh tra giá chuyển nhượng được giao cho ngành thuế chịu trách nhiệm chính, song những năm qua tại Đồng Nai việc phối hợp để thực hiện công tác trên rất được chú trọng.
Theo Cục Thuế Đồng Nai, để đảm bảo có đủ nguồn thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, ngoài việc kết xuất dữ liệu kê khai thông tin về giao dịch liên kết từ hệ thống dữ liệu ngành, Chính phủ cần xem xét mua cơ sở dữ liệu thương mại để hỗ trợ cho việc phân tích thông tin của các doanh nghiệp.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Để quản lý tốt các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp và tạo sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh, chúng tôi đã theo dõi sát hoạt động của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn, sản xuất kinh doanh khuất tất đều chuyển thông tin cho ngành thuế, bảo hiểm, ngân hàng và công an để kịp thời phát hiện, xử lý”. Thực tế, có doanh nghiệp FDI nhiều năm báo thua lỗ nhưng lại không ngừng mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động. Đây là những doanh nghiệp đáng nghi nhất cần phải được điều tra làm rõ, phát hiện kịp thời để xử lý sẽ tránh được các hệ lụy về sau.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai Park Hyun Bae cho hay: “Chuyển giá sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh rất lớn nên nếu Đồng Nai làm tốt việc chống chuyển giá sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp”.
Thực tế, chuyển giá không chỉ đang diễn ra ở Đồng Nai mà trong cả nước và lâu nay là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Chống chuyển giá luôn là việc làm rất khó khăn vì thường xảy ra ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đứng phía sau họ là đội ngũ rất giỏi về pháp lý. Trong khi đó, thông tin chung của doanh nghiệp tại cơ quan thuế chưa thật sự đầy đủ và chính xác. Các dữ liệu mới chỉ khai thác được ở những doanh nghiệp do Cục Thuế Đồng Nai quản lý, dẫn đến nguồn thông tin còn nhiều hạn chế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Cục Thuế Đồng Nai, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Sở Kế hoạch - đầu tư và các sở, ngành liên quan nên chú ý những doanh nghiệp báo lỗ kéo dài nhưng vẫn duy trì hoạt động, liên tục mở rộng sản xuất. Đây chính là dấu hiệu của chuyển giá, cần điều tra làm rõ để tạo môi trường kinh doanh trong sạch, công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính”.