Chống Covid-19, vắc-xin thôi vẫn chưa đủ!

Nga đã bắt đầu đợt tiêm vắc-xin ngừa dịch Covid-19 quy mô lớn đầu tiên tại thủ đô Moscow hôm 5-12. Những đối tượng ưu tiên thuộc nhóm có nguy cơ cao, gồm nhân viên y tế và giáo viên

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 4-12 cảnh báo chính phủ và người dân các nước không nên mất cảnh giác trước đại dịch Covid-19 dù các đợt tiêm phòng sắp diễn ra.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhìn nhận cuộc chiến chống đại dịch đã làm chết hơn 1,5 triệu người trên toàn cầu là chặng đường dài và hành động của người dân cùng các chính phủ sẽ quyết định tình hình dịch bệnh trong ngắn hạn cũng như khi nào dịch bệnh kết thúc. WHO cho rằng các hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn đang chịu áp lực nặng nề. Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cùng ngày cảnh báo người dân không nên tự mãn khi vắc-xin sắp được triển khai. Vắc-xin là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhưng nó sẽ không thể tự chấm dứt đại dịch.

Theo hãng tin Reuters, 2 loại vắc-xin tiềm năng của 2 công ty dược Pfizer và BioNTech cùng với hãng dược Moderna có thể sớm được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Khoảng 20 triệu người Mỹ có thể được tiêm vắc-xin trong năm nay, giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm ở quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Sputnik V tại một phòng khám ở thủ đô Moscow - Nga hôm 5-12 Ảnh: Reuters

Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Sputnik V tại một phòng khám ở thủ đô Moscow - Nga hôm 5-12 Ảnh: Reuters

Với nỗ lực sớm tiêm vắc-xin ngừa dịch Covid-19 cho người dân, Bahrain đã trở thành nước thứ hai cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin ngừa Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển. Hãng thông tấn nhà nước Bahrain đã đưa ra thông báo trên hôm 4-12, hai ngày khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên có quyết định tương tự.

Tuy nhiên, Bahrain không cho biết đã ký hợp đồng mua bao nhiêu liều vắc-xin cũng như thời điểm bắt đầu tiêm phòng cho người dân. Với dân số khoảng 1,6 triệu người, Bahrain hiện ghi nhận khoảng 87.000 ca nhiễm và 341 trường hợp tử vong do dịch Covid-19.

Trong khi đó, Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cũng đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau khi kết quả đầy đủ từ nghiên cứu giai đoạn cuối cho thấy vắc-xin của hãng có hiệu quả 94,1% và không có mối lo ngại nghiêm trọng nào về sự an toàn. Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel hôm 4-12 cho biết hãng này sẽ sản xuất 500 triệu liều vắc-xin ngừa dịch Covid-19 trong năm 2021. Theo kết quả công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 3-12, vắc-xin do Moderna phát triển tạo ra kháng thể mạnh tồn tại trong cơ thể những người được tiêm 2 liều là khoảng 3 tháng, sau đó giảm dần.

Trong diễn biến mới của cuộc đua vắc-xin trên toàn cầu, kết quả thử nghiệm trên 20.000 người cho thấy tỉ lệ thành công của vắc-xin Sputnik V (Nga) lên đến 98,5%. Cụ thể, theo kênh RT, khoảng 273 tình nguyện viên trong tổng số 20.000 người tham gia thử nghiệm vắc-xin Sputnik V bị nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 sau khi được tiêm 2 liều, tương đương 1,5%. Thủ đô Moscow đã bắt đầu phân phối vắc-xin thông qua 70 trung tâm y tế hôm 5-12, đánh dấu đợt tiêm chủng quy mô lớn lần đầu tiên của Nga. Những đối tượng ưu tiên thuộc nhóm có nguy cơ cao, gồm nhân viên y tế và giáo viên. Liều thứ hai dự kiến được tiêm sau mũi thứ nhất 21 ngày.

Các nhà khoa học quốc tế tỏ ra lo ngại về tốc độ nghiên cứu, sản xuất và triển khai tiêm phòng của Nga trước khi có các cuộc thử nghiệm đầy đủ để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của Sputnik V.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chong-covid-19-vac-xin-thoi-van-chua-du-20201205211926886.htm