Chống COVID-19: Vaccine, 5K và chữa trị
Từ thực tế toàn cầu có thể thấy vaccine giúp làm chậm sự lây lan bằng cách phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Với việc phủ sóng vaccine ngày càng rộng, số người không được vaccine bảo vệ mà virus có thể tấn công sẽ ngày càng ít.
Từ thực tế toàn cầu có thể thấy vaccine giúp làm chậm sự lây lan bằng cách phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Với việc phủ sóng vaccine ngày càng rộng, số người không được vaccine bảo vệ mà virus có thể tấn công sẽ ngày càng ít. Trạng thái này có cách gọi là “miễn dịch cộng đồng” hay “miễn dịch bầy đàn”, tức những đối tượng nhạy cảm hay chưa được tiêm vaccine sẽ được bảo vệ, được bao quanh nhờ một “đàn” người đã có miễn dịch nhờ được tiêm vaccine hay đã bị nhiễm trước đó và khỏi bệnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng vì nhiều lý do sinh học và xã hội, chỉ việc tiêm vaccine sẽ khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng chống COVID-19 hay kiềm chế hoàn toàn virus.
Trong thực tế, việc tiêm vaccine có thể phải tốn một thời gian khá lâu để tiêu trừ bất kỳ dịch bệnh nào. Mà thậm chí các dịch bệnh gần như bị “tiêu trừ” như thủy đậu, sởi, ho gà vẫn có thể tái bùng phát nếu khả năng miễn dịch của cộng đồng suy yếu, hay do tỉ lệ tiêm vaccine bị giảm sút.
Theo TS Sanjay Mishra làm việc tại Trung tâm y tế ĐH Vanderbilt (Mỹ), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ nới lỏng quy định đeo khẩu trang có nghĩa khẳng định rằng người tiêm vaccine an toàn trước nguy cơ bị bệnh nặng. Tuy nhiên, điều này lại chưa thể khẳng định với người chưa được tiêm vaccine mà tiếp xúc gần với họ.
Theo ông, cũng như nhiều nhà dịch tễ học khác, chừng nào còn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng hay có đủ chứng cứ rõ ràng rằng người đã được tiêm vaccine không lan truyền virus thì cả hai đối tượng đều nên tránh để xảy ra những tình huống có khả năng lây nhiễm. Thời điểm này, tiêm vaccine và duy trì đeo khẩu trang cũng như thực hiện giãn cách xã hội vẫn là cách hiệu quả nhất để giữ an toàn, theo TS Mishra.
Bên cạnh phủ sóng vaccine và duy trì các biện pháp phòng ngừa, các nước phương Tây đã áp dụng một số phương thức điều trị cho người nhiễm. Chẳng hạn, Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp kết hợp kháng thể đơn dòng chống virus SARS-CoV-2 casirivimab và imdevimab tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da cho bệnh nhân COVID-19 ngoại trú từ nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chong-covid19-vaccine-5k-va-chua-tri-997270.html