Chồng cũ cạn nghĩa đẩy gia đình vào cảnh vô phúc đáo tụng đình

Sau khi chính thức ly hôn, ông Nguôi quay lại tranh chấp mảnh đất do vợ đứng tên giùm cho cha mẹ ruột. Câu chuyện vợ chồng đáo tụng đình khi hết tình, cạn nghĩa được phơi bày trên công đường suốt 10 năm, khiến người dự khán không khỏi chua chát.

Ông Nguyễn Văn Nguôi và bà Bùi Thị Phượng từng là vợ chồng, nhưng Tòa đã giải quyết xong trong vụ án ly hôn trước đó. Trong phiên tòa tranh chấp tài sản này, ông Nguôi là nguyên đơn, bà Phượng là bị đơn. Cha mẹ bà Phượng là cụ ông Bùi Văn Tùng và cụ bà Lê Thị Vân tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cùng tham dự phiên tòa có các con ông Nguôi, bà Phượng tất cả đều đã trên 18 tuổi. Phiên Tòa hiện tại là phiên phúc thẩm lần thứ 3 TAND TP.HCM phải xem xét theo yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông Nguôi với yêu cầu khởi kiện suốt 10 năm không thay đổi. Ông Nguôi yêu cầu Tòa án phân chia tài sản là 3.500 m2 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM do bà Phượng đứng tên chủ sử dụng cho ông. Vì theo ông Nguôi đây là tài sản chung được hình thành trong thời gian hôn nhân với vợ cũ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Nguôi và bà Phượng kết hôn năm 1989, ông Nguôi vốn là bộ đội công tác trong ngành hậu cần nhưng về hưu sớm vì tinh giảm biên chế, bà Phượng làm nghề may mặc, hai người có hai người con chung. Thời điểm còn hôn nhân, hai người cũng đôn đáo với nhiều kế hoạch làm ăn. Ông Nguôi mở cửa hàng hoạt động không hiệu quả sau một thời gian thì đóng cửa. Bà Phượng lập một xưởng may tư nhân nhưng việc làm ăn cũng không tốt phải vay mượn ngân hàng. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải sinh hoạt, nuôi con. Thậm chí, để duy trì cuộc sống, bà Phượng phải nhờ cậy vào cha mẹ ruột là cụ ông Bùi Văn Tùng và cụ bà Lê Thị Vân đang định cư ở Long Thành, Đồng Nai.

Năm 2005, cha mẹ bà Phượng bán trang trại ở Long Thành về xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi mua 3.500 m2 đất những mong lúc về già có nơi an dưỡng, làm trang trại, sống gần con cháu. Do tuổi cao, đi lại bất tiện, ông bà nhờ bà Phượng giao dịch và đứng tên trên GCNQSDĐ. Lúc mới mua khu đất này còn là ao sâu, sình lầy. Sau thời gian dài cải tạo, san lấp, năm 2007 cha mẹ bà Phượng xây nhà và chuyển về sinh sống.

Năm 2009, do mâu thuẫn vợ chồng, ông Nguôi và bà Phượng quyết định ra Tòa ly hôn sau 20 năm chung sống. Bà Phượng không có bất kỳ yêu cầu đòi ông Nguôi phải chia chác tài sản, một mình bà nuôi hai đứa con. Riêng ông Nguôi có yêu cầu Tòa phân chia tài sản chung nhưng nhưng trong yêu cầu Tòa giải quyết, ông Nguôi không đề cập đến phần đất bà Phượng đứng tên thay cho cha mẹ ruột.

Thế nhưng, sau đó ông Nguôi thay đổi ý định, làm đơn ra Tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn với vợ cũ. Ông Nguôi cho rằng, diện tích đất và tài sản trên đất cụ ông Bùi Văn Tùng và cụ bà Lê Thị Vân đang sinh sống tại Củ Chi là do ông và bà Phượng tạo dựng trong thời gian hôn nhân. Vụ việc được Tòa án thụ lý giải quyết, vợ chồng chính thức liên quan đến vụ tranh chấp đằng đẵng, hai vợ chồng cụ ông những tưởng yên bình lúc cuối đời thì vấy vào vụ án tranh chấp của các con.

Năm 2016, TAND huyện Củ Chi đưa vụ việc ra giải quyết và bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguôi, sau đó ông Nguôi kháng cáo, vụ án phải tiến hành phiên phúc thẩm lần 3 tại TAND TP.HCM, trải dài 10 năm trời, đầy chua chát và nước mắt của những người liên quan. Tại phiên xét xử hôm nay, ông Nguôi vẫn khẳng định, khu đất được mua bằng tiền vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Ông Nguôi cho rằng, lúc đó ông mở cửa hàng sửa chữa điện lạnh tại căn nhà trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, nên cũng có thu nhập để mua miếng đất đó.

Bà Phượng và cha mẹ ruột đều trưng bằng chứng về việc đứng tên thay, đặc biệt khẳng định, khi giao dịch đứng tên thay, ông Nguôi hoàn toàn biết việc này. Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng gồm các bên liên quan đến việc chuyển nhượng đất cũng như công an khu vực, đều xác nhận khi đi giao dịch ông Nguôi có chở bà Phượng đi cùng. Ông cũng không có ý kiến gì khi bà Phượng làm thủ tục đứng tên giùm phần đất. Điều này chứng tỏ, đây là tài sản riêng của bà Phượng đứng tên giùm cho cha mẹ, không phải tài sản chung. Mặc dù vậy, ông Nguôi vẫn kháng cáo các bản án.

Bà Phượng chua chát nói tại Tòa: “Nếu là tài sản trong hôn nhân thì thậm chí ảnh được chia nhiều hơn tôi cũng không ý kiến. Lúc ly hôn, tôi ôm hai đứa con ra đi, Tòa xử thế nào tôi nghe thế ấy không đòi chia chác một đồng. Vậy mà hơn chục năm nay ảnh lại là người kiện cáo”, bà Lan nói. Nghe xong, người con gái bà Phượng bật khóc nói: “Năm đó, tôi đang học cấp 3, ông ngoại là người đưa tôi đến xem miếng đất. Ông nói, đây là miếng đất ông sẽ về ở sau này”.

Cụ Vân, mẹ ruột bà Phượng nói: “Đất là của chúng tôi mua, nhưng là mua cho con, cho cháu. Ở tuổi gần đất xa trời, chứng kiến tình cảnh này, tôi đau lắm. Có hai đứa cháu ngoại, tôi coi như hai cục vàng và tôi luôn muốn dành tất cả cho hai đứa. Sau này dù các cháu ở nước ngoài hay Việt Nam thì vẫn có mảnh đất, căn nhà để quay về tụ họp”. Cụ bà và ông cũng nói, sẽ để lại toàn bộ tài sản cho hai người cháu, nếu ông Nguôi đồng ý rút đơn, không tranh chấp.

HĐXX cũng cho rằng, ông Nguôi yêu cầu tranh chấp chia tài sản nhưng không chứng minh được diện tích đất trên là tài sản chung. Vụ án kéo dài 10 năm, qua nhiêu phiên xử, nhiều lần đối mặt ở Tòa, vợ chồng hết tình cạn nghĩa, những người liên quan cũng mang nhiều tai tiếng và mệt mỏi mà vụ án chưa kết thúc. HĐXX với vai trò trung gian đã đưa ra hướng giải quyết: “Tại tòa hôm nay cụ bà đã nói đến nước đó rồi, giờ còn phần ông nữa thôi. Ông chỉ cần thỏa thuận rằng mảnh đất ấy không thuộc về ông hay bà Phượng, các cụ sẽ để lại cho 2 đứa con của ông, mọi chuyện sẽ kết thúc”. Nghe xong, ông Nguôi vỏn vẹn đáp: “Tôi đề nghị tòa cứ đúng pháp luật mà làm”.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên bác kháng cáo của ông Nguôi, phiên tòa sau 10 năm kết thúc và ông vẫn chưa đạt được mục đích. Một lần nữa ông Nguôi ra về trong hậm hực. Chính sự cố chấp, đố kỵ của ông Nguôi đã khiến đại gia đình lâm vào cảnh vô phúc đáo tụng đình.

(Tên các nhân vật đã được thay đổi)

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/chong-cu-can-nghia-day-gia-dinh-vao-canh-vo-phuc-dao-tung-dinh-66576.html