Chồng đánh vợ cũ dã man ở Phú Yên: Tại sao phụ nữ mãi khổ?
Mới đây, trường hợp một người phụ nữ ở Phú Yên bị chồng cũ đánh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây không ít bất bình trong dư luận. Tại sao có quá nhiều phụ nữ bị bạo hành, và tình trạng này, dù được cảnh báo nhưng ngày ngày vẫn đang điễn ra…
Chiều 24/9, thượng tá Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, Công an TP Tuy Hòa đang thụ lý điều tra vụ chồng đánh vợ cũ xảy ra tại P.4 (Tuy Hòa).
Thông tin ban đầu, vào khoảng 14 giờ ngày 22/9, bà Q. (62 tuổi) đang ở nhà tại P.4, TP Tuy Hòa thì bị chồng cũ là ông H. (62 tuổi, tạm trú P.9, TPTuy Hòa) dùng thanh gỗ dài hơn 1 m đánh nhiều cái vào đầu và vào người bà Q. gây thương tích. Hậu quả bà Q. bị 1 vết thương ở tai dài 13 cm, biến dạng cẳng tay phải, cổ tay có vết bầm, 1 vết thương ở vùng trán dài 6 cm. Hiện bà Q. đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.
Theo anh Vũ Văn C. (SN 1982, con trai của ông H. và bà Q.), cha mẹ anh đã ly hôn từ cuối năm 2017. Dù vậy, 2 người vẫn sống chung nhà, chỉ rào lại tấm lưới ngăn 2 bên. Sự việc cha anh đánh mẹ anh bắt nguồn từ mâu thuẫn sinh hoạt hàng ngày. Theo hàng xóm của bà Q., ông H. đã nhiều lần đánh bà Q. chứ không phải lần đầu. “Từ ngày ly hôn, bà Q. bị ông H. đánh nhiều lần và phải đi bệnh viện điều trị. Nhiều lần công an cũng đến làm việc nhưng ông H. vẫn chứng nào tật đó. Lần này có camera an ninh ghi lại nên mới có chứng cứ trình báo công an”, hàng xóm bà Q. cho biết.
Trước vụ việc này, không ít người thương cảm cho hoàn cảnh bà Q. và nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành. Tuy nhiên, cũng nhiều người đặt câu hỏi, tại sao phụ nữ cứ mãi chịu đựng khổ đau, chấp nhận bị bạo hành như vậy?
Thực tế các con số thống kê cho thấy bạo hành phụ nữ chiếm 95% trong các gia đình. Điều này bị chị phối bởi quan niệm phụ nữ Á đông có bản tính cam chịu, cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng vì con cái và giữ một mái ấm. Nhưng cũng có những trường hợp như bà Q., ngay cả khi đã ly hôn rồi vẫn không thoát khỏi bạo hành, tiếp tục nhẫn nhịn để đến lúc rước họa vào thân, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng…
Các chuyên gia nghiên cứu hành vi cho rằng vấn đề nằm ở ý thức hệ và hình ảnh người phụ nữ được gắn với sự cam chịu. Chịu đựng và tha thứ. Phụ nữ Việt Nam dường như đã quá quen thuộc với các giá trị này, họ thậm chí còn tự ràng buộc mình bởi cảm xúc “không nỡ” khi thấy chính người bạo hành mình có những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống, thế là mủi lòng, là thương, là tha thứ. Và cái vòng luẩn quẩn của cam chịu và tha thứ cứ mãi tiếp diễn...
Có những phụ nữ bị bạo hành cả chục năm trời nhưng âm thầm chịu đựng, không chia sẻ, ngay cả với người thân hay các tổ chức xã hội, bởi họ sợ có thể sẽ bị đánh thêm, nhưng cũng có cả tâm lý "xấu chàng hổ ai" nên cố cam chịu. Tuy nhiên, chị em cần hiểu rằng nếu cứ giữ tâm lý e sợ, nhẫn nhịn khi cho rằng “một điều nhịn, chín điều lành” thì đó chính là con đường tự mình làm tăng nguy cơ bị bạo hành của chính mình. Có những trường hợp bị chồng bạo lực kéo dài trong nhiều năm nhưng không phản ứng quyết liệt, thậm chí cam chịu chấp nhận đến... hết đời.
Lý do nào khiến phụ nữ phải chịu nhiều tổn thương đến thế, cả về tình cảm, tinh thần và thể chất???
Trong cuộc sống hôn nhân, bạo lực gia đình rất hiếm khi được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống mang tính văn hóa, những quy tắc chuẩn mực, những tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Tất cả những điều này đã làm cho bạo lực gia đình trở nên “bình thường”. Do đó, mặc dù trên cơ sở pháp lý, phụ nữ được bảo vệ, nhưng trên thực tế, vị thế của phụ nữ vẫn luôn thấp hơn nam giới do những mong đợi xã hội về giới còn phổ biến. Những nhân tố trên đã góp phần tạo nên một thực trạng: sự thống trị của nam giới và bạo lực với phụ nữ dường như là điều không thể tránh khỏi.
Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hình thức của bạo lực trên cơ sở giới. Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân, song phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và bị bạo lực hơn, chủ yếu do nam giới (chồng/bạn tình…) gây ra. Nguyên nhân căn bản của bạo lực trên cơ sở giới là sự bất bình đẳng về quyền lực, về vị thế và sự kiểm soát nguồn lực giữa nam giới và phụ nữ…
Để giải thoát bản thân khỏi nạn bạo hành, không ai khác có thể giúp phụ nữ bằng chính bản thân mình. Trong hoàn cảnh không may trở thành nạn nhân của bạo lực, tốt nhất phải tự cứu lấy mình, quyết tâm và không thỏa hiệp…