Chồng đánh vợ, không thể cứ hòa giải là xong!

TS Khuất Thu Hồng cho rằng quy định hòa giải đối với các hành vi bạo lực gia đình mà không quy trách nhiệm xử lý hình sự dễ làm gia tăng tình trạng này, đe dọa sức khỏe phụ nữ và trẻ em.

Đánh người thì không có hòa giải

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình.

Đối với trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì chủ tịch UBND cấp xã phân công công an cấp xã tiến hành xác minh, xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình.

Để ngăn chặn bạo lực gia đình, hành vi đánh người phải bị bắt giữ ngay.

Để ngăn chặn bạo lực gia đình, hành vi đánh người phải bị bắt giữ ngay.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, luật pháp, chế tài liên quan đến bạo lực gia đình ở Việt Nam chưa nghiêm. Ví dụ trong Luật phòng chống bạo lực gia đình nếu chồng đánh vợ thì Chủ tịch UBND phường, xã có quyền đưa ra lệnh không được tiếp xúc. Nhưng nhà người ta ở đó, không tiếp xúc thì đi ở đâu. Đáng lý ra phải giữ ngay người bạo hành ở đồn Công an, hay trụ sở UBND. Chứ ngăn cách, cấm tiếp xúc thì phải có chỗ ở cho họ.

Thường thì trong trường hợp bị bạo hành, nạn nhân lại là người phải đi ra khỏi ngôi nhà của chính mình chứ không phải thủ phạm. Nghĩa là nạn nhân phải đi trốn. Hay quy định chồng đánh vợ thì phạt hành chính chồng. Cuối cùng vợ phải lấy tiền ra để nộp phạt cho chồng. Chưa kể trong luật thì biện pháp hòa giải không giải quyết được vấn đề tận gốc. Hòa giải thường "chín bỏ làm mười", chồng giận thì vợ làm lành; vợ nhịn cho chồng khỏi đánh. Thế là phụ nữ phải nhịn nhục, chịu đựng.

"Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình", TS Khuất Thu Hồng.

"Bạo lực gia đình không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình", TS Khuất Thu Hồng.

Nhiều người quan niệm chuyện gia đình thì "nhà người ta người ta đóng cửa bảo nhau", mình can thiệp không giải quyết được chuyện gì. Pháp luật phải quy định bạo lực xảy ra, các cơ quan chức năng đó không giải quyết được thì xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng đó. Nếu chẳng giải quyết cũng không bị làm sao thì "hòa cả làng".

Để ngăn chặn bạo lực gia đình, hành vi đánh người phải bị bắt giữ ngay. Trước mắt tạm giữ đã để không gây nguy hại tiếp cho nạn nhân. Rồi đưa ra Tòa án để xử lý. Đánh người thì không có hòa giải, kể cả là vợ chồng, bố mẹ đánh con cái. Rồi những người khi nghe, nhìn thấy người lớn đánh trẻ con là phải báo ngay cho cảnh sát. Chứ không phải như ở ta, hàng xóm thấy đánh trẻ con thì cho rằng đó là "chuyện bố mẹ dạy con".

"Hay chuyện bạo hành trong gia đình, trong đó có việc chồng bạo hành vợ; vợ bạo hành chồng là hành vi vi phạm pháp luật. Người đánh người là báo cho cảnh sát biết. Giải pháp đầu tiên của cảnh sát là tạm giữ người đánh. Chứ ở ta thấy đánh nhau là tránh xa, đứng xung quanh cổ vũ, hoặc quay clip phát lên mạng", TS Khuất Thu Hồng nêu.

4 giải pháp ngăn chặn

Bạo lực gia đình phải là vấn đề xã hội, không phải là vấn đề riêng tư để giải quyết trong phạm vi gia đình. Một đứa trẻ bị cha mẹ đánh không phải là một đứa con nhà ai đó bị đánh mà là một thành viên của xã hội bị đánh. Cha mẹ bạo hành con không phải là dạy con mà là đang vi phạm quyền trẻ em. Pháp luật cũng phải tăng cường các chế tài để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc phát hiện, tố giác và can thiệp khi chứng kiến bạo lực.

Trẻ em ngay khi biết nói đã phải được trang bị kiến thức về quyền của mình, về dịch vụ và các cơ sở hỗ trợ khi cần thiết. Con số 111 - Tổng đài hỗ trợ trẻ em - phải là con số nằm lòng của mọi đứa trẻ ở đất nước này. Trẻ em phải được trang bị kỹ năng sống và kỹ năng sống sót. Loại kiến thức và kỹ năng này trẻ phải được dạy trước khi học đánh vần. Cha mẹ khi chuẩn bị sinh con phải được kiểm tra kiến thức về quyền trẻ em và các kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng con trẻ… Các dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ gia đình… cần phải được khuyến khích phát triển.

Bấy lâu chúng ta quá chú trọng chiến lược tăng trưởng kinh tế mà lơ là chiến lược phát triển xã hội, phát triển con người. Để giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần ít nhất 4 vấn đề:

Thứ nhất, đầu tư vào giáo dục con người, không phải giáo dục kiểu nhồi nhét kiến thức để trở thành một cái máy tính luôn lỗi thời mà là giáo dục để thành người có kỹ năng sống.

Thứ hai, đầu tư vào các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ giải quyết bạo lực và hỗ trợ nạn nhân, đừng "tiết kiệm" và che đậy bằng phương pháp hòa giải.

Thứ ba là tăng cường pháp luật và thực thi pháp luật như đã đề cập ở trên - tức là làm thật, xử thật.

Thứ tư là truyền thông để thay đổi nhận thức rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn xã hội và giải quyết vấn nạn này không phải chỉ trong phạm vi gia đình đằng sau cánh cửa đóng kín mà phải là của một hệ thống có trách nhiệm.

Giáo dục con người để thay đổi nhận thức phải tinh tế, từ từ. Có đầu tư bài bản, chú trọng vào nguồn lực và con người để xây dựng công cụ, phương pháp giáo dục đến nơi đến chốn chứ không chỉ hô khẩu hiệu, khuyên giải vài câu là xong. Thay đổi nhận thức là một quá trình. Nhưng khi người dân tự thay đổi, tự nhận ra thì điều đó mới là bền vững.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chong-danh-vo-khong-the-cu-hoa-giai-la-xong-16922102711125248.htm