Chống dịch Covid-19: Thụy Điển rất 'khác với số đông'!

Thụy Điển đang hướng tới biện pháp chống dịch Covid-19 không phong tỏa gây tranh cãi nhằm xây dựng mức độ miễn dịch cộng đồng cao trên toàn bộ dân số. Liệu đây có phải là phương án đúng đắn?

Cuộc sống tại Thụy Điển dường như vẫn diễn ra như bình thường. (Nguồn: New York Times)

Khi cả thế giới đều phải trải qua tình trạng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, duy nhất chỉ có Thụy Điển là trường hợp đặc biệt, vẫn hiên ngang tiếp tục cuộc sống bình thường mặc cho những cảnh báo đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thay vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa toàn đất nước, Thụy Điển lại yêu cầu công dân thực hiện giãn cách xã hội trên cơ sở tự nguyện là chủ yếu và không áp dụng những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ.

Xây dựng miễn dịch cộng đồng, nhưng chính quyền Thụy Điển vẫn bắt người dân tuân theo một số hạn chế nhất định để “san phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19 như: không tụ tập ở nơi công cộng quá 50 người, đóng cửa các quán bar, trường học dành cho độ tuổi từ 16 trở lên…, song đây vẫn là các hạn chế nhẹ nhàng nhất châu Âu.

Hướng tới miễn dịch cộng đồng

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, những biện pháp phòng dịch có phần lỏng lẻo của Thụy Điển nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. “Miễn dịch cộng đồng” là thuật ngữ dùng để mô tả tỷ lệ lớn người dân được miễn dịch với một căn bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh này trước đó. Chẳng hạn, khi 90-95% người dân được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, con số này đủ để bảo vệ những người chưa thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh chưa đến tuổi tiêm chủng.

Chiến lược chống dịch Covid-19 của Thụy Điển do bác sĩ, nhà dịch tễ học Anders Tegnell khởi xướng. Ông ước tính 40% người dân ở thủ đô Stockholm sẽ đạt được miễn dịch với virus corona vào cuối tháng Năm, giúp nước này có lợi thế trước virus. Theo đó, ông Tegnell đảm bảo Thụy Điển sẽ chỉ có làn sóng Covid-19 thứ hai nhẹ nhàng, trong khi các nước khác có thể phải phong tỏa một lần nữa.

Phản ứng của Thụy Điển đã thu hút được nhiều lời khen ngợi đến từ cộng đồng quốc tế khi vẫn duy trì được kinh tế một cách nhất định và giữ tỷ lệ tử vong trên đầu người thấp hơn so với các quốc gia khác tại châu Âu như Bỉ, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh. Tính đến ngày 20/5, Thụy Điển ghi nhận 30.799 ca nhiễm và 3.743 ca tử vong do Covid-19.

Biện pháp nguy hiểm

Thế nhưng, đối với các chuyên gia y tế, biện pháp của Thụy Điển thực sự đang đặt toàn bộ dân số một ván bài mà tỷ lệ thua là rất cao. Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cảnh báo: “Dịch Covid-19 thực sự nguy hiểm, là kẻ thù số một của cộng đồng. Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều được an toàn. Vì thế, trường hợp về việc một số quốc gia có ý định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm đạt miễn dịch cộng đồng một cách kỳ diệu, bỏ qua sự mất mát của những người lớn tuổi, là bước đi nguy hiểm, thực sự rất nguy hiểm”.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO đưa ra dữ liệu sơ bộ về nghiên cứu cho thấy rằng, số người dân nhiễm bệnh thực tế ở mức rất thấp, đồng nghĩa rằng chỉ ít người có sẵn kháng thể ngừa Covid-19.

Trên thực tế, dù Thụy Điển tránh được đợt bùng phát kinh hoàng như ở Italy, Tây Ban Nha và Anh nhưng các số liệu cho thấy, số người chết vì Covid-19 đang gia tăng bất thường trong thời gian qua. Theo New York Times, tại Stockholm, nơi virus corona lây lan qua cộng đồng người nhập cư, số lượng người tử vong trong tháng Năm đã tăng gấp đôi so với tháng trước, vượt hẳn con số của các thành phố lớn của Mỹ như Boston, Chicago và gần bằng Paris.

Ngoài ra, trên toàn Thụy Điển, số lượng người tử vong đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng so với Mỹ và cao hơn nhiều so với các quốc gia Bắc Âu, dù cho tất cả đều có hệ thống y tế công cộng hiện đại và mạnh mẽ.

Tuy rằng Thụy Điển là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực Bắc Âu khi không thực hiện các biện pháp phong tỏa như WHO khuyến cáo, nhưng quốc gia này kiên quyết chống lại các biện pháp phong tỏa chặt chẽ và các biện pháp nghiêm ngặt bắt buộc. Thay vào đó, Thụy Điển dựa vào các biện pháp phòng ngừa, chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa chính quyền và người dân. Đây có thể là bước đi chính xác đối với tình hình tại Thụy Điển, nhưng lại là một hình mẫu mà không quốc gia nào nên học tập.

Theo dịch tễ học, miễn dịch cộng đồng còn được gọi là miễn dịch bầy đàn. Thế nhưng, con người không phải là bầy đàn. “Chúng ta không thể chấp nhận hy sinh những người già, những người có hệ miễn dịch yếu chỉ để bảo vệ những người khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thật cẩn thận khi dùng từ này để nói về lây nhiễm tự nhiên trên người, bởi nó có thể dẫn tới một phép tính toán tàn khốc mà trong đó con người, sinh mạng và sự đau khổ không được đặt ở trung tâm của phương trình”, ông Mike Ryan nói trong một cuộc họp báo ngày 14/5.

Mỗi quốc gia đều có cái lý riêng của mình và mọi sự so sánh đều khập khiễng, thế nhưng khi mà cả thế giới đều đang điêu đứng, kinh tế đang dần hướng tới suy thoái, thì việc tự mình hành động không giống với những người khác là điều không nên làm.

“Miễn dịch cộng đồng” chống đại dịch Covid-19 có thể là một tính toán sai lầm và chỉ đem lại kết cục là thảm họa.

(theo New York Times)

Bạch Diệp

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chong-dich-covid-19-thuy-dien-rat-khac-voi-so-dong-116089.html