Chống dịch gắn với chăm lo đời sống công nhân

Người Việt Nam có câu 'Qua cơn lận đận mới thấu tận lòng nhau'. Ý nghĩa câu nói ấy lại sáng tỏ hơn khi đất nước đối mặt với dịch dã, để mỗi người chúng ta tỏ tường về sức nước, lòng dân và vai trò của mỗi người, mỗi ngành nghề trong xã hội. Lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng chống dịch, mang sức mạnh hiệu triệu toàn dân: Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lúc này đang là pháo đài chống dịch cho cả nước, vì cả nước, cả nước cũng phải vì Bắc Ninh và Bắc Giang...

Chuẩn bị bữa ăn cho người dân trong khu cách ly tập trung tại xã Việt Tiến, huyện Việt Yên. Ảnh: DANH LAM

Chuẩn bị bữa ăn cho người dân trong khu cách ly tập trung tại xã Việt Tiến, huyện Việt Yên. Ảnh: DANH LAM

Người Việt Nam có câu "Qua cơn lận đận mới thấu tận lòng nhau". Ý nghĩa câu nói ấy lại sáng tỏ hơn khi đất nước đối mặt với dịch dã, để mỗi người chúng ta tỏ tường về sức nước, lòng dân và vai trò của mỗi người, mỗi ngành nghề trong xã hội. Lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng chống dịch, mang sức mạnh hiệu triệu toàn dân: Hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lúc này đang là pháo đài chống dịch cho cả nước, vì cả nước, cả nước cũng phải vì Bắc Ninh và Bắc Giang...

Trong gian khó vẫn vững lòng

Tháng 5 này ở Bắc Giang không còn rộn ràng đón khách trăm miền về dự Lễ hội trái cây hay tấp nập xe hàng thu mua vải thiều như mọi năm. Những trảng ruộng quá lứa trổ hoa bời bời, khu công nghiệp không rộn ràng tiếng máy và mọi ngả đường vắng bóng xe qua. Kể từ ngày 27-4 miền đất trung du này đã trở thành tâm dịch có nguy cơ bùng phát cao. Tính đến sáng 31-5, địa bàn tỉnh đã xuất hiện ba ổ dịch Covid-19. Tổng số trường hợp F0 cộng dồn đến nay là 2.372 trường hợp; F1 là 15.863 trường hợp; F2 là 65.850 trường hợp; đã có một trường hợp tử vong liên quan Covid-19.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Bắc Giang luôn trong trạng thái "nước sôi lửa bỏng", thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch. Ðợt dịch bệnh lần này ở Bắc Giang được đánh giá là hết sức nguy hiểm, vi-rút là chủng của Ấn Ðộ có khả năng lây nhiễm cao và lan rộng nhanh chóng. Mặt khác dịch xảy ra trong khu công nghiệp, nhất là những nhà máy lớn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu có mật độ công nhân tập trung lớn, làm việc trong môi trường yếm khí, di chuyển rộng nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Mặt khác, nhiều F0 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, sống cùng trong các khu nhà trọ, tốc độ lây lan nhanh. Lãnh đạo tỉnh luôn có mặt ở những điểm nóng kịp thời nắm bắt tình hình, kịp thời hội ý với các lực lượng chức năng và chỉ đạo các địa phương tích cực chống dịch theo các phương án hữu hiệu nhất. Ðến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã cách ly y tế 206 thôn, tổ dân phố, bốn xã, phường, thị trấn; giãn cách xã hội 31 xã, phường, thị trấn, 18 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội sáu huyện (Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế, Hiệp Hòa); giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang, huyện Tân Yên. Tổng số khu cách ly đang vận hành trên địa bàn tỉnh đến nay là 199 khu, quản lý hơn 17 nghìn người. Lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung là 7.110 người thuộc các lực lượng quân sự, công an, dân quân, tự vệ, y tế, Mặt trận Tổ quốc, thanh niên...

Bắc Giang rất quyết đoán khi quyết định dừng hoạt động của các khu công nghiệp vào thời điểm thích hợp. Ðồng thời chủ động vừa chống dịch vừa tái sản xuất an toàn cho 10 doanh nghiệp và chấp thuận cho chín doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất trở lại. Sáng kiến thiết lập "luồng xanh" để lưu thông, tiêu thụ vải thiều đi các địa phương và xuất khẩu được áp dụng thuận lợi, đạt hiệu suất cao, thực hiện "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành an toàn, thuận lợi, bảo đảm cho mọi công dân được thực hiện quyền bầu cử của mình.

Không để "mối nguy" lan ra cả nước

Ðiều đáng ghi nhận ở Bắc Giang là giữa lúc khó khăn chồng chất, tỉnh đã quyết tâm giữ lại toàn bộ người lao động ngoài tỉnh, yêu cầu họ không trở về quê để bảo đảm an toàn cho công tác phòng, chống dịch. Ðồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, chính quyền và nhân dân tỉnh xác định đó sẽ là một thách thức lớn; nhưng Bắc Giang cũng hiểu rằng, nếu để từng ấy con người tỏa về các vùng quê thì chính là nguy cơ làm tê liệt đất nước. Sau một cuộc họp thâu đêm, tất cả đều có chung nhận thức rằng, những người lao động ấy đã đến để chung sức xây dựng Bắc Giang, nay lúc nguy nan, tỉnh không thể để hơn 140 nghìn người lao động phải tạm dừng việc, trong đó có hơn 63 nghìn người là lao động tỉnh ngoài và đến nay có gần 1.300 người lao động ngoại tỉnh mắc bệnh Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện.

Do thời điểm xảy ra dịch, công nhân chưa đến kỳ lĩnh lương, doanh nghiệp thì phải đóng cửa nên đa phần công nhân rất khó khăn không thể nộp tiền ăn, không có thu nhập trang trải cuộc sống. Một kế hoạch hỗ trợ đã được ban hành khẩn cấp; theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu cho người lao động đang ở vùng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, mức hỗ trợ quy đổi khoảng 75 nghìn đồng/người/ngày. Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ đợt 1 cho mỗi trường hợp F0 là hai triệu đồng; F1 là 500 nghìn đồng. Bên cạnh đó, 28 "Siêu thị 0 đồng" với tổng giá trị hàng hóa hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng đã được mở bằng nguồn hàng hóa hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các nhà hảo tâm trong cả nước nhằm giúp người lao động ổn định đời sống. Ðồng thời huy động lực lượng tổ chức nấu và cung cấp miễn phí 11.390 suất ăn cho công nhân lao động và người dân cách ly tập trung. Bên cạnh đó, nỗ lực tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ miễn hoặc giảm giá tiền phòng trọ trong thời gian dịch bệnh.

Ghi nhận tại huyện Việt Yên cho thấy, huyện thành lập các tổ nắm bắt khó khăn, nguyện vọng của công nhân, tổ phòng, chống dịch (PCD) cộng đồng, đồng thời công khai số điện thoại của lãnh đạo các xã, thị trấn tại các khu nhà trọ, kịp thời tiếp nhận, giải quyết vướng mắc, khó khăn cho công nhân. Tại khu nhà trọ, mỗi chủ nhà trở thành "người vận chuyển" khi chịu trách nhiệm tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ rồi đưa đến từng phòng trọ và sẵn sàng lên đường mua giúp công nhân các mặt hàng cần thiết. Anh Ngô Thế Ðại ở thôn My Ðiền, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên là một trong số rất nhiều "người vận chuyển" như thế. "Với mong muốn chung tay PCD, tôi tình nguyện tham gia hỗ trợ công nhân vượt qua khó khăn. Tôi cũng giảm một phần tiền thuê nhà, vận động công nhân chấp hành nghiêm quy định PCD, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người để cùng tháo gỡ. Việc làm tuy nhỏ song tôi thấy vui vì cũng góp phần cùng địa phương "đánh bay Covid"" - anh Ðại chia sẻ.

Khó khăn qua đi, tình người ở lại

Với quyết tâm "không để công nhân nào bị bỏ đói, bỏ khát", tại các địa phương, tùy vào đặc thù địa bàn, mỗi nơi lại có cách làm riêng song đều có chung một mục tiêu là đưa hàng hóa đến tay công nhân nhanh nhất, đầy đủ nhất. Tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng), đồng hành cùng hơn 7 nghìn công nhân đang ở trọ, UBND xã giao các thôn vận hành, duy trì hiệu quả 5 Siêu thị 0 đồng. Hằng ngày, căn cứ vào số hàng hóa hỗ trợ từ tỉnh, huyện, nhà hảo tâm, địa phương sẽ phân phát đến công nhân tại mỗi xóm trọ. Anh Phương Minh Toản, Tổ trưởng tổ dân phố My Ðiền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên) là người phụ trách Siêu thị 0 đồng ở địa phương cho biết, thực hiện cách ly cửa đóng then cài, nhà nào ở yên nhà đấy, không ai ra đường, đời sống công nhân tại các khu nhà trọ gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ phân phối hàng hóa hợp lý nên tất cả công nhân đều có đủ lương thực cũng như nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống. Hàng hóa chủ yếu là hàng cứu trợ được cả nước gửi đến. Hiện nay công nhân cơ bản đủ lương thực, chỉ thiếu thốn về thực phẩm hằng ngày, cơ bản không ai bị đói.

Còn ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên), trên cơ sở hàng hóa được hỗ trợ, ban quản lý thôn giao Ðoàn Thanh niên chịu trách nhiệm phân loại, vận chuyển hàng hỗ trợ đến từng xóm trọ. Trong khi đó, hội viên phụ nữ thôn gánh vác vai trò "anh nuôi" đối với các trường hợp không thể tự nấu ăn tại phòng trọ. Anh Sùng Sèo Ðài, dân tộc H’Mông, trú tại xã Tả Van, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hiện là công nhân Khu công nghiệp Vân Trung cho biết, những ngày qua, vợ chồng anh luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền, các ban, ngành và người dân địa phương nên yên tâm ở lại...

Cả nước đang hướng về Bắc Giang với biết bao thương yêu, chia sẻ. Còn Bắc Giang trải qua những ngày tháng kiên tâm, vững vàng, đón nhận tình cảm của cả nước để chiến thắng đại dịch và bước vào cuộc tái thiết mới đầy mạnh mẽ.

ÐẶNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/xahoi/chong-dich-gan-voi-cham-lo-doi-song-cong-nhan-648865/