'Chống dịch như chống giặc' tại 30 chốt ra, vào cửa ngõ Thủ đô
Trực tiếp đi kiểm tra từng chốt tại các cửa ngõ này, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu CBCS thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần 'chống dịch như chống giặc' mà Thủ tướng đã phát động. Cùng đi kiểm tra với Giám đốc còn có Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP.
Quán triệt và chủ động thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Chỉ thị 05 của UBND TP Hà Nội, ngay trong tối 1-4, CATP Hà Nội phối hợp Sở GTVT triển khai lực lượng tại 30 điểm chốt đường bộ cửa ngõ ra vào Thủ đô và các tuyến đường sắt, đường sông để tuần tra kiểm soát giám sát việc thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Trực tiếp đi kiểm tra từng chốt tại các cửa ngõ này, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu CBCS thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng đã phát động. Cùng đi kiểm tra với Giám đốc còn có Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP.
Kiểm soát chặt, phát hiện sớm
Sáng sớm 2-4, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội đã cùng với Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc đi đến từng chốt để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của CBCS. Tại chốt trực trên phố Đàm Quang Trung, quận Long Biên, dẫn lên cầu Vĩnh Tuy vào trong nội thành, Trung tướng Đoàn Duy Khương hài lòng với tinh thần chủ động và việc triển khai nhanh chóng công tác dựng lều bạt dã chiến của CBCS tại đây.
Đồng chí Giám đốc trực tiếp vào kiểm tra trong lều bạt dã chiến, chỉnh nắn từng nút buộc, đồng thời lưu ý CBCS những vấn đề rất nhỏ liên quan đến hậu cần, trang cấp các thiết bị nhằm phục vụ cho công tác ứng trực, chiến đấu.
Ở đầu phía Nam cầu Chương Dương cũng được Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng dựng lều dã chiến để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, kiểm tra thân nhiệt các lái xe ra vào thành phố.
Trong lều bạt dã chiến này, đồng chí Giám đốc hỏi chỉ huy Đội CSGT số 1 áo mưa phản quang, gang tay, khẩu trang của CBCS có đủ dùng không? Ngay cả chuyện bình nước uống, thực hiện hậu cần sau chiến đấu cũng được Trung tướng Đoàn Duy Khương hỏi cặn kẽ chỉ huy đơn vị và chỉ đạo Phòng Hậu cần giải quyết ngay những thắc mắc, kiến nghị đề xuất.
Lưu ý CBCS trong việc kê dựng những dụng cụ, trang thiết bị trong lều cho khoa học, Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu ngoài khẩu trang, tất cả những CBCS tham gia làm nhiệm vụ tại những chốt này đều phải đeo gang tay y tế. Quá trình dừng phương tiện, kiểm tra phải được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo các yếu tố an toàn mà Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã ban hành.
Quốc lộ 18 Hà Nội – Bắc Ninh là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc. Tại đây, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đi cùng với Giám đốc CATP kiểm tra từng chốt, đã báo cáo với Trung tướng Đoàn Duy Khương về vị trí lập chốt, dựng lều bạt dã chiến.
Với tuyến đường này, cũng như tất cả các vị trí khác, yêu cầu mà Phòng CSGT quán triệt đến tất cả các CBCS đó là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Vị trí làm nhiệm vụ phải có tính bao quát, khống chế, giám sát được tất cả những phương tiện đi lại trên tuyến, thực hiện thuận lợi cho các đơn vị khác dừng xe, kiểm tra y tế.
Xử lý nghiêm những hành vi chống đối
Là một trong những tuyến đường cửa ngõ quan trọng của Thủ đô, chốt trực trên đường vành đai 3 hướng về cầu Thanh Trì vào trong trung tâm thành phố cũng được CATP Hà Nội bố trí lực lượng làm nhiệm vụ. Khi thấy CBCS của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT cùng với CSCĐ, TTGT triển khai lực lượng, dựng lều bạt dã chiến tại đây, Giám đốc CATP Hà Nội lưu ý không chỉ chọn vị trí an toàn mà còn phải đảm bảo yếu tố về sức khỏe cho CBCS.
Cụ thể, Giám đốc yêu cầu phải có bạt chống thấm nước che phủ trên mặt đất, đảm bảo vệ sinh môi trường cho lực lượng làm nhiệm vụ. Những vị trí đặt các thiết bị kiểm tra, bàn, ghế ứng trực cũng được người đứng đầu CATP Hà Nội yêu cầu chỉ huy các đơn vị phải nghiên cứu nhanh chóng triển khai, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Trao đổi với CBCS trực tiếp tại các chốt, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng nhất của 30 chốt trên đó là phối hợp Sở Y tế tổ chức xét nghiệm nhanh Covid- 19; Kiểm tra, dừng hoạt động xe bus, taxi, xe ôm, xe công nghệ, xe khách liên tỉnh; Bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô; tuyên tuyền vận động người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị 16 Chính phủ, Chỉ thị 05 của UBND Thành phố; xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm theo quy định. Khi phát hiện các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời thông báo cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý nghiêm theo quy định.
Không chỉ lưu ý các phòng nghiệp vụ và lực lượng làm nhiệm vụ phải chủ động thực hiện và đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch, Giám đốc CATP Hà Nội cũng chỉ đạo: Tại tất cả 30 chốt này, ngoài những thiết bị đo thân nhiệt lái xe, cần phải bố sung ngay máy phun thuốc diệt khuẩn trong trường hợp phát hiện xe, người nghi nhiễm Covid-19. Phương án đưa người nghi nhiễm, phương tiện này về đâu từng CBCS ở các chốt phải thực hiện theo đúng kế hoạch, yêu cầu chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP cũng như Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia.
Đặt ra các tình huống, giả thuyết trong công tác kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu tại 30 chốt kiểm tra này phải được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng, nhanh chóng khống chế, bắt giữ, xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối.
“Tinh thần thực hiện nhiệm vụ của toàn CATP Hà Nội nói chung và 30 chốt kiểm tra nói riêng theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”. Bộ Công an, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng như cả nước đang đặt niềm tin tuyệt đối vào các lực lượng Quân đội, Y tế, Công an..., chính vì lẽ đó, mỗi CBCS phải là lá chắn thép trong phát hiện, ngăn chặn, cô lập, xử lý, tiêu diệt dịch bệnh Covid-19”- Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.
Trước đó, CATP Hà Nội đã khuyến cáo và yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...