Chống dịch ở Điện Biên: Cần cộng đồng có trách nhiệm

Mấy ngày qua, người dân Điện Biên rất lo lắng, khi Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh thông báo, sáng 5-2, xét nghiệm tại tỉnh đã ghi nhận sáu mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Cán bộ y tế thực hiện phun khử khuẩn tại khu cách ly trung tâm huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Cán bộ y tế thực hiện phun khử khuẩn tại khu cách ly trung tâm huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Mấy ngày qua, người dân Điện Biên rất lo lắng, khi Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh thông báo, sáng 5-2, xét nghiệm tại tỉnh đã ghi nhận sáu mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Xét nghiệm sáu mẫu Điện Biên gửi về, chiều 5-2, Bộ Y tế công bố, Điện Biên có ba ca mắc Covid-19 đầu tiên (BN1970, BN1971, BN1972). Trong đó, hai ca là F1 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và trường hợp còn lại đang điều tra dịch tễ.

Khẩn trương vào cuộc

Ngay khi nghe báo cáo các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì hai cuộc họp khẩn, với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thần tốc truy vết trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Theo tinh thần đó, ngay trong đêm 4-2, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương vào cuộc như “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết F1, F2 và F3, tiến hành cách ly theo đúng đối tượng. Đến trưa 5-2, Điện Biên đã truy vết được hơn 414 trường hợp là F1 của sáu ca được CDC Điện Biên xác định dương tính bước đầu.

Với huyện Mường Ảng - địa bàn đầu tiên phát hiện hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng đã tức tốc vào cuộc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết, ngay khi nhận tin về trường hợp công dân của huyện gồm: L.T.L. (SN 2003), L.T.L. (SN 2003) đi từ Cẩm Giàng (Hải Dương) về địa bàn trên chuyến xe 27B-004.55 đêm 2-2, thì rạng sáng 3-2, huyện đã chỉ đạo lực lượng chốt chặn tại cầu 30 thuộc địa phận xã Ẳng Tở để đưa hai trường hợp đi cách ly tập trung, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.

Ngay trong đêm 4-2 sau khi nhận chỉ đạo từ Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp khẩn, UBND huyện Mường Ảng chỉ đạo các lực lượng phải tiến hành ngay truy vết F1, F2; đồng thời, tiến hành phun khử trùng tất cả các khu vực đã ghi nhận F1.

Đến chiều 5-2, huyện Mường Ảng đã thống kê có 62 trường hợp F1 và trên 400 trường hợp F2; 100% trường hợp F1 đã được đưa vào cách ly tập trung tại Trường THCS xã Ẳng Cang; còn F2 thực hiện cách ly tại gia đình, có sự giám sát của tổ dân phố, chính quyền các xã, thị trấn.

Tại huyện biên giới Mường Nhé, ngay khi tiếp nhận kết quả xét nghiệm của hai trường hợp dương tính SARS-CoV-2 do CDC tỉnh Điện Biên thông báo, rạng sáng 5-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 huyện Mường Nhé ban hành thông báo khẩn thông tin về lịch trình di chuyển; yêu cầu truy vết F1 đến các khu dân cư trên địa bàn.

Xác định Mường Nhé là địa bàn biên giới, nhiều người đi lao động ở khắp các địa bàn trong cả nước và một số nước láng giềng (Lào, Trung Quốc), nên ngay trong sáng 5-2, Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã xin ý kiến ban chỉ đạo được thực hiện giảm tải lượng khách trên mỗi chuyến xe đi - đến địa bàn, với công suất tối đa chỉ 50% lượng ghế mỗi chuyến; UBND huyện Mường Nhé cũng ban hành quyết định phong tỏa tạm thời hai khu dân cư có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn huyện, thời gian phong tỏa áp dụng trong bảy ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng 5-2.

Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt người vào địa bàn tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin (nơi giáp ranh giữa tỉnh Sơn La với tỉnh Điện Biên).

Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt người vào địa bàn tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin (nơi giáp ranh giữa tỉnh Sơn La với tỉnh Điện Biên).

Khó khăn bộn bề

Dù rất khẩn trương chỉ đạo thực hiện đồng thời các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch, song với điều kiện thực tại địa bàn, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khá lo lắng bởi nhiều khó khăn. Ông Bằng cho biết, công tác phòng dịch trên địa bàn toàn tỉnh sẽ rất khó khăn trên nhiều phương diện.

Tại tuyến tỉnh, CDC Điện Biên hiện làm việc đã tối đa công suất song mỗi ngày chỉ xét nghiệm được 250 mẫu; trang thiết bị phòng bệnh dù đã chấm thầu lựa chọn nhưng một số nhà thầu hiện vẫn chưa cung ứng. Tại huyện Mường Nhé, khó khăn hiện hữu là thiếu khẩu trang, trang phục bảo hộ; việc lấy mẫu, vận chuyển từ Mường Nhé về tỉnh là cả một hành trình rất vất vả.

Còn với huyện Tuần Giáo, huyện có chốt kiểm dịch được đặt trên đèo Pha Đin thì lực lượng tại chốt làm việc gần như không nghỉ. Ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo cho biết, ngay khi nhận kết quả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, toàn bộ một kíp trực (15 người) trong tổ chốt kiểm dịch tại đèo Pha Đin phải đi cách ly tập trung theo diện F1. Hiện, còn hai kíp (mỗi kíp 15 người) luân phiên trực 24/24 giờ, kiểm soát tất cả người, phương tiện ra - vào địa bàn, nên anh em phải làm việc cật lực. Về lâu dài sẽ rất khó khăn.

Chung quanh khó khăn trong phòng, chống dịch tại Điện Biên, ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cũng thẳng thắn, hệ thống máy móc hiện tại sàng lọc xác định dịch chỉ đáp ứng 50% so yêu cầu. Hiện nay, việc xét nghiệm của Trung tâm đang gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống tách chiết công suất nhỏ. Cả tỉnh chỉ có một máy xét nghiệm Realtime RT-PCR công suất tối đa 250 mẫu/ngày không gộp, nếu dịch bùng phát sẽ không đủ số lượng sinh phẩm. Đáng lo ngại, các đối tượng cần xét nghiệm F1, F2 và rất nhiều trường hợp cách ly tập trung, các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp trong cộng đồng, trong các cơ sở y tế lại đang rất lớn.

Trong khi công tác truy vết các trường hợp có nguy cơ cao đang được tiến hành khẩn trương, đồng bộ tại khắp các huyện, thị xã, thành phố thì mỗi ngày Điện Biên vẫn có hàng nghìn người là lao động từ các tỉnh trong nước và thậm chí từ nước ngoài trở về. Người có ý thức thì chấp hành nghiêm quy định khai báo, quy định cách ly, nhưng cũng có không ít người vì thiếu hiểu biết, thiếu ý thức cố tình trốn tránh, khai báo gian dối về bản thân, khiến công tác kiểm soát, phòng dịch càng khó khăn hơn.

Cần trách nhiệm chung và quyết tâm cao

Chỉ đạo cụ thể giải pháp tháo gỡ khó khăn từng địa phương, ngành y tế đề cập, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đã giao UBND tỉnh chủ động tiếp nhận giải quyết ngay kiến nghị của cơ sở và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch.

Tại buổi họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5-2, đồng chí Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo, lúc này chống dịch cần khẩn trương, nghiêm túc và phải coi là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng cấp nào, ngành nào.

Thừa nhận tình hình dịch trên địa bàn là rất phức tạp, song đồng chí Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, chính quyền cấp huyện phải bình tĩnh thực hiện các biện pháp khoanh vùng, sàng lọc, kiểm soát và cách ly.

Với các địa phương đã ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, phải thực hiệm nghiêm quy định cách ly nhà với nhà, khu dân cư với khu dân cư để khoanh vùng hiệu quả. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, gian dối khai báo hoặc không nghiêm túc thực hiện khai báo thì giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định và tuyệt đối không có vùng cấm trong xử lý.

Đặt mục tiêu, chậm nhất ngày 10-2, sẽ hoàn thành thống kê danh sách người vắng mặt tại địa bàn và người từ nơi khác về, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng cho rằng, có thể lịch trình của người dân đi lại phức tạp; có thể có người gian dối khi khai báo, nhưng ai cũng có một điểm dừng chân cuối là gia đình. Bởi vậy, để làm tốt công tác khoanh vùng, thống kê người vắng mặt tại địa bàn và người từ nơi khác trở về, ngay từ bây giờ phải thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lập danh sách từng trường hợp, có như vậy chúng ta mới làm chủ tình hình trong mọi tình huống. Để làm được, cần nhất là cộng đồng trách nhiệm mỗi người trên tinh thần hỗ trợ và sẻ chia.

Bài, ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/chong-dich-o-dien-bien-can-cong-dong-co-trach-nhiem-634692/