Chống dịch ở Hải Dương để giữ an toàn cho cả nước

Chiều 19-2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Nhận định tình hình, các chuyên gia dịch tễ đều cho rằng, dịch cơ bản được kiểm soát tại 12 tỉnh, thành phố, chỉ còn tại Hải Dương đang diễn biến phức tạp, tập trung ở TP Hải Dương, các huyện Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách; các huyện còn lại chỉ có dưới năm ca, thậm chí có huyện chỉ có một ca bệnh.

Chiều 19-2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Nhận định tình hình, các chuyên gia dịch tễ đều cho rằng, dịch cơ bản được kiểm soát tại 12 tỉnh, thành phố, chỉ còn tại Hải Dương đang diễn biến phức tạp, tập trung ở TP Hải Dương, các huyện Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách; các huyện còn lại chỉ có dưới năm ca, thậm chí có huyện chỉ có một ca bệnh.

Ðến nay, 95% tổng số ca lây nhiễm tại Hải Dương là F1 (đã được cách ly tập trung); dưới 5% số ca phát hiện tại các khu vực đã phong tỏa, chỉ có ba ca được phát hiện thông qua giám sát trong cộng đồng đối với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở… Việc lãnh đạo tỉnh Hải Dương quyết định thực hiện cách ly toàn xã hội toàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 16-2 là đúng đắn, kịp thời. Chống dịch ở Hải Dương không chỉ giữ an toàn cho địa phương mà còn giữ an toàn cho cả nước.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho biết, ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên vẫn là người ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), đang làm công nhân, làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên. Ngày 1-2, công nhân này tạm thời nghỉ làm, thuộc đối tượng tầm soát của tỉnh Hải Dương, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 (ngày 17-2), cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã thông báo cho Hưng Yên để truy vết các ca F1, F2.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh các địa phương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các lực lượng liên quan tại 13 tỉnh, thành phố thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðến nay, các địa phương cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, riêng Hải Dương cần tập trung lực lượng nhiều hơn mặc dù ổ dịch lớn nhất ở TP Chí Linh đã được kiểm soát.

Liên quan việc lưu thông hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản tại tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể về phân vùng dịch tễ để có cơ sở tháo gỡ vướng mắc, giúp việc lưu thông hàng hóa thuận tiện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

* Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 19-2 ghi nhận 15 trường hợp mắc Covid-19 tại tỉnh Hải Dương, trong đó có 13 ca là F1, được cách ly trước đó; một ca trong khu vực phong tỏa; một ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện. Hiện các người bệnh được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Chí Linh; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Tiểu ban Ðiều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày có 22 người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện số 1, TP Chí Linh được công bố khỏi bệnh. Ngoài ra, trong tổng số người bệnh mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có 163 người cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần.

* Ngày 19-2, đoàn kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại xã Gia Xuyên (TP Hải Dương), tại thời điểm kiểm tra, khu vực chợ đầu mối của xã ở thôn Nguyên Phấn vẫn còn quán ăn, uống, phục vụ tại chỗ, tụ tập đông người. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương phê bình nghiêm khắc đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã, yêu cầu khẩn trương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn xã nói chung và đặc biệt tại các chợ đầu mối trên địa bàn xã nói riêng; giải trình về việc thiếu kiểm tra, đôn đốc, xử lý những trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

* Sau khi ghi nhận trường hợp ông N.V.H (SN 1961) là F2 dương tính với Sars-CoV-2 trong khi F1 âm tính, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã phong tỏa Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch và một khu dân cư. Qua điều tra dịch tễ, ông N.V.H, trú tại khu dân cư Bích Nhôi, phường Minh Tân, là F2 của F1 đang làm việc cùng Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch. Tuy nhiên, trường hợp F1 này đã ba lần xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính. Trước sự phức tạp của ca bệnh chưa rõ nguồn lây và tình hình dịch bệnh, thị xã Kinh Môn tổ chức xét nghiệm tất cả 1.635 công nhân và phun khử khuẩn toàn bộ công ty. Các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 350 hộ dân với 1.500 nhân khẩu, và tạm thời phong tỏa khu dân cư nơi bệnh nhân cư trú.

* Sáng 19-2, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp và quyết định hỗ trợ tỉnh Hải Dương kinh phí và vật tư y tế nhằm chung sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Chiều cùng ngày, tại Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), đoàn công tác của Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng đã trao 5 tỷ đồng và 500 nghìn khẩu trang y tế tặng tỉnh Hải Dương phòng, chống dịch Covid-19.

* Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) yêu cầu các Sở GD và ÐT căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hoặc nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh. Các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục học kỳ II năm học 2020-2021. Chủ động nắm bắt tình hình học sinh đi học sau Tết Nguyên đán, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có giải pháp hỗ trợ dạy và học trực tuyến, duy trì sĩ số học sinh không để học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn; xây dựng phương án bồi dưỡng, phụ đạo học sinh khi đi học trở lại tại trường.

* Ngày 19-2, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Nam Ðịnh cho biết: Văn bản lan truyền trên mạng xã hội về việc đề xuất cho nghỉ học đối với trẻ em, học sinh, sinh viên và tạm dừng một số hoạt động giáo dục để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh là giả mạo. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh trở lại học tập bình thường. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nam Ðịnh đang tiến hành xác minh, làm rõ sự việc và sẽ xử lý nghiêm theo quy định với hành vi giả mạo văn bản, thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

* Chiều 19-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận, huyện, phường, xã để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhanh chóng khống chế dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho biết, hiện số người đến khai báo đi về từ vùng dịch và muốn xét nghiệm tăng lên rất đông. Thậm chí, nhiều người muốn xét nghiệm nên cố tình khai báo là trở về từ vùng dịch. Tình trạng này có thể gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh phí chống dịch chung. Do đó, cần rà soát, cần thực hiện đúng, chính xác, vừa không bỏ lọt trường hợp cần xét nghiệm, nhưng với các trường hợp không cần thiết thì phải làm rõ.

* Chiều 19-2, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19 (Bộ Y tế), Tiểu ban Ðiều trị và các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn cho những người bệnh Covid-19 nặng đang điều trị tại các Bệnh viện dã chiến số 2 (Hải Dương), Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, Phổi Ðà Nẵng. Trường hợp người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2, tiên lượng khá nặng, các chuyên gia lưu ý về dùng thuốc giãn cơ, có thể tiến hành thông khí... nếu không tiến triển có thể can thiệp ECMO. Ðồng thời lưu ý về các vấn đề vi sinh, dùng thuốc chống đông, bổ sung kháng sinh... Chuyên gia cũng đưa ra các khuyến cáo đối với các trường hợp người bệnh 1.823, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2; 1.536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng.

Thúc đẩy sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước

Chiều 19-2, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, ngoài vắc-xin Nanocovax của Công ty Nanogen đã kết thúc giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng thì cũng có hai vắc-xin khác của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế và Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 cũng sẽ sớm triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Sáng 19-2, Hội đồng đạo đức cấp quốc gia (Bộ Y tế) họp đánh giá kết quả bước đầu giai đoạn 1 thử nghiệm vắc-xin Nanocovax đối với 60 người tình nguyện tham gia tiêm hai mũi (ba loại 25, 50 và 75 mg). Kết quả bước đầu cho thấy vắc-xin này đạt tính an toàn và sinh kháng thể (để phòng bệnh). Kết quả cuối cùng cần thêm thời gian để đánh giá. Hội đồng đã đồng ý để các đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 (cuối tháng 2 này) và chuẩn bị cho thử nghiệm giai đoạn 3. Ðáng chú ý, với tiến độ đang triển khai, thời gian thử nghiệm có thể rút ngắn được một phần hai và nếu thử nghiệm đạt yêu cầu, từ cuối năm 2021 Việt Nam sẽ chính thức có vắc-xin sản xuất trong nước để triển khai tiêm phòng Covid-19 cho người dân.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chong-dich-o-hai-duong-de-giu-an-toan-cho-ca-nuoc-635933/