Chống dịch ở xã vùng sâu
Ngay khi địa phương ghi nhận ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông đã khẩn trương kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch để kịp thời ứng phó. Về Liêng Srônh trong những ngày này mới thấy rõ được tinh thần phòng, chống dịch của bà con vùng sâu.
Liêng Srônh là xã nằm liền kề trung tâm huyện Đam Rông, với địa hình đồi núi chia cắt phức tạp. Toàn xã có 2.235 hộ với hơn 8.600 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 70% với 15 dân tộc đang sinh sống phân bố chủ yếu tại 5 thôn và 4 khu tiểu khu, căn cứ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở người dân về những nguy cơ lây nhiễm về dịch bệnh COVID-19.
NGƯỜI “ĐƯA TIN” Ở ĐẠ M’PÔ
Cách trung tâm xã Liêng Srônh chừng 30 km, khu dân cư Đạ M’Pô sống rải rác với hơn 300 hộ dân. Nhờ được tuyên truyền mà người dân nơi đây gần như thuộc lòng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cứ 16 giờ 30 phút thường ngày, anh Sùng Seo Giáo - người tình nguyện gắn bó với chiếc loa kẹo kéo đã hơn 3 tháng nay lại bắt đầu công việc “đưa tin” phòng, chống dịch đến bà con trong thôn.
Là một giáo viên tiểu học, anh Giáo được địa phương gửi gắm với vai trò làm phiên dịch các văn bản tuyên truyền qua tiếng Mông để người dân dễ dàng nắm bắt.
“Việc dịch, đọc tài liệu tuyên truyền được thu âm vào điện thoại sau đó phát cho bà con nghe đó là công việc mà tôi được cán bộ xã giao phó. Bà con ở đây hầu hết ban ngày phải lên nương làm rẫy, nên tranh thủ mỗi ngày cứ vào khoảng 16 giờ 30 phút tôi lại rong ruổi cùng chiếc loa. Là khu dân cư nằm ở vùng sâu, nhà của các hộ lại sống rải rác nên việc tuyên truyền vất vả hơn. Để mọi người có thể nghe được đầy đủ thông tin, tôi chạy xe rất chậm và không chừa đường mòn, lối nhỏ nào. Cũng vì vậy, mà công việc thường kết thúc vào 21 giờ mỗi tối”, anh Giáo cho hay.
Nhờ việc thường xuyên được nhắc nhở, người dân nơi đây đã có ý thức hơn trong phòng, chống dịch. Họ bắt đầu cảnh giác với những người lạ mặt khi đến địa bàn, bắt buộc khai báo y tế và yêu cầu trở về khi có trường hợp đến khu dân cư. Anh Sùng Văn Tính, người dân Đạ M’Pô chia sẻ: “Được tuyên truyền nên giờ ở thôn ai cũng biết để phòng, chống dịch COVID-19 mọi người không nên tụ tập đông, ra đường thì phải đeo khẩu trang, sử dụng xà phòng rửa tay diệt khuẩn, thực hiện sinh hoạt ăn chín uống sôi, không ra khỏi địa phương nếu không cần thiết, để tránh tiếp xúc lây nhiễm với người có bệnh...”.
Để chủ động phòng dịch hiệu quả, ngoài chốt kiểm soát dịch được UBND xã thiết lập, khu dân cư tại Đạ M’Pô đã chủ động thành lập thêm 3 chốt để ngăn chặn các trường hợp sinh sống giáp ranh tới địa bàn. Đặc biệt, phối hợp với chính quyền quản lý tốt các đường mòn, lối tắt dẫn từ Đăk Lắk, Đăk Nông về địa phương.
CÁNH TAY NỐI DÀI
Là tổ COVID cộng đồng vừa được UBND huyện Đam Rông ký Quyết định khen thưởng đột xuất vì đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch, Tổ COVID cộng đồng Thôn 4 đã phát huy vai trò của mình.
Hiện Thôn 4 có 6 tổ COVID cộng đồng, với 12 người và mỗi tổ phụ trách tuyên truyền khoảng 50 hộ. Ông Bon Niêng Ha Tiêng, Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng Thôn 4 tâm sự: Thời gian qua, tổ tích cực đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy định phòng dịch. Bên cạnh đó, để quản lý người từ nơi khác về, tổ COVID cộng đồng đã lập danh sách các hộ trong thôn có con em đi làm ăn xa.
“Đối với ca bệnh vừa qua, theo nắm bắt thông tin từ gia đình, tổ đã phát hiện trường hợp này khai báo y tế không trung thực, nên đã đến vận động, yêu cầu đi khai báo y tế. Đây cũng là một trong hai ca nhiễm COVID-19 ghi nhận đầu tiên tại huyện Đam Rông”, ông Bon Niêng Ha Tiêng nói.
Ông Bùi Tiến Viết, Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh cho biết: Với trường hợp ca dương tính ở Thôn 4, vì kịp thời phát hiện và gia đình sống biệt lập ở một ngọn đồi nên việc truy vết và phòng chống nhanh chóng được kiểm soát tốt. Hiện có 37 tổ COVID cộng đồng được thành lập ở 5 thôn và 4 tiểu khu, căn cứ. Tổ COVID cộng đồng thực sự sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng chức năng trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, là địa phương có diện tích rộng, phân bố rải rác và có nhiều anh em dân tộc sinh sống, nhất là tại các Tiểu khu 178, 179, 181, Tây Sơn và Đạ M’Pô, nên các tổ COVID cộng đồng càng thể hiện rõ được vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cho người dân.
VÙNG SÂU, VÙNG XA NHƯNG KHÔNG LƠ LÀ
Mặc dù nơi đây dân cư khá thưa thớt, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chính quyền xã Liêng Srônh xác định phương châm “chống dịch như chống giặc”, không lơ là, chủ quan.
Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh Bùi Tiến Viết nhấn mạnh: Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xã Liêng Srônh đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn. Dừng toàn bộ các hội nghị của địa phương, không tổ chức đông người. Rà soát, nắm bắt thông tin công dân trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố đang là vùng dịch, theo dõi chặt chẽ, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra...
Ngoài các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Đam Rông, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại xã cũng chuẩn bị sẵn sàng với phương châm 4 tại chỗ; thiết lập một phòng khám bệnh đa khoa tạm thời trong đó phải phân làm 2 khu riêng biệt để tránh lây nhiễm; thành lập chốt, trạm kiểm soát ra, vào địa bàn…
Theo thống kê của UBND xã, toàn xã có khoảng 60 người đang lao động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương chưa về. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 xã đã giao cho các tổ COVID cộng đồng và công an viên yêu cầu thống kê tên tuổi và địa chỉ cụ thể của những người này. Đồng thời có cam kết với các gia đình phải thông tin kịp thời nếu có người nhà trở về địa phương, để có biện pháp theo dõi, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, xã cũng đã tiếp nhận hóa chất để phun khử trùng tiêu độc tại trụ sở, các khu chợ, trường học, nơi tập trung đông người…
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xã Liêng Srônh đang thực hiện chế độ trực và báo cáo tình hình hằng ngày. Đồng thời tích cực, chủ động theo dõi, thực hiện các biện pháp dự phòng; kiểm tra, rà soát, bổ sung nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư trang thiết bị, sẵn sàng cơ động phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra tình huống. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đang triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, truyền thông đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, các tiểu khu, căn cứ trên địa bàn về tình hình bệnh và khuyến cáo việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không để người dân hoang mang, lo sợ.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/chong-dich-o-xa-vung-sau-3072979/