Chống dịch trên tuyến biên giới Hà Tiên
Cái nắng rát da thịt của vùng biên giới tây nam những ngày qua càng gay gắt hơn. Nhiệt độ tăng cao là cái sợ nhất đối với những cán bộ, chiến sĩ đang dựng lều, cắm chốt dọc tuyến biên giới này. Tuy nhiên, với khẩu lệnh: 'Chống dịch như chống giặc', các anh không một ai rời vị trí, tất cả 'căng mắt' về hướng biên cương… cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Chúng tôi cùng Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên (Kiên Gang), dùng xuồng máy vận chuyển thực phẩm, vật dụng thiết yếu vào tiếp tế cho anh em đang làm nhiệm vụ tại các trạm, chốt liên ngành dọc biên giới. Tất cả các lối mòn, con lạch trên toàn tuyến đều đã được bố trí chốt canh gác. Các chốt có nhiệm vụ ngăn chặn, tuyên truyền, vận động bà con hai bên biên giới, du khách không được tự ý qua lại theo tập quán cũ; đồng thời các chốt, trạm còn có nhiệm vụ chốt chặn không cho hàng cấm, hàng lậu tuồn qua biên giới.
Vì có quá nhiều các chốt, trạm mới vừa được lập, nên trong nhóm chúng tôi không ai nhớ chính xác tên của từng chốt. Các anh Chỉ huy Đồn chỉ nhớ đường đến chốt, nắm quân số và các nhu cầu cần thiết nhất phục vụ cho công tác. Đây chỉ mới là chuyến cung cấp thực phẩm, nhu yếu lần thứ hai trong đợt cao điểm này. Mỗi điểm chốt có từ năm đến bảy người, gồm nhiều lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự, dân quân tự vệ...
Trong chuyến cung cấp thực phẩm lần đầu tiên này, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên mang theo 200 thùng nước suối, 100 thùng mì tôm, hơn 20 nghìn khẩu trang, 50 chai dung dịch sát khuẩn và một số thức ăn nhanh để anh em sử dụng. Bánh mì thịt, khoai, bắp luộc, xôi các loại, nước uống đóng chai… là những thực phẩm “ăn liền” mà các lực lượng canh chốt rất yêu thích, bởi sự gọn nhẹ, nhanh, tiện lợi.
Tại một chốt chặn giữa đồng, nhiệt độ hầm hập, anh em tránh nắng bằng cách dùng lá thốt nốt, lá dừa, vỏ thùng mì… che chắn cạnh căn lều bạt để ngồi trực. Đồng phục đôi lúc cũng không còn tươm tất. “Nhiệt độ ngoài trời nóng như vậy mà ngồi trong lều bạt không khác nào như đang xông hơi”, một chiến sĩ biên phòng ví von.
Thiếu tá Lưu Đắc Nhanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên cho biết: Do các chốt gấp rút được thành lập theo sự chỉ đạo, nên các lực lượng hiệp đồng, tập hợp lại cố gắng đủ biên chế để duy trì hoạt động trong một thời gian dài. Các chốt đóng sâu trong các con lạch, đường mòn, nên hiện tại việc sinh hoạt, nơi ăn, nghỉ, nhu yếu phẩm cần thiết còn nhiều thiếu thốn. Với phương châm bộ đội bám dân, vừa tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19, vừa phải “ba cùng” với bà con trong sinh hoạt.
“Những nơi có nhà dân gần chốt thì anh em còn tá túc cùng bà con, sinh hoạt có phần đỡ vất vả hơn, còn những chốt cắm nơi đồng không mông quạnh thì mọi sinh hoạt anh em phải tự lực cánh sinh: ăn, ngủ nghỉ… đều thực hiện tại chốt”- Thiếu tá Lưu Đắc Nhanh chia sẻ.
Đại tá Hồ Tú Điền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, anh em căng lều, cắm chốt theo dọc thuyến biên giới chịu nhiều thiếu thốn nên chỉ huy các lực lượng, lãnh đạo địa phương đang gấp rút chuẩn bị, bổ sung thêm trang thiết bị, dịch vụ hậu cần thiết yếu nhằm bảo đảm sức khỏe để bộ đội và các lực lượng bám trụ lâu dài. Nhân lực sẽ được bổ sung và có sự “luân chuyển” từ những nơi khác đến để anh em luân phiên có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe tiếp tục cho cuộc chiến với Covid-19.
Nhiều tháng qua, tất cả các điểm chốt trên dọc tuyến biên giới tây nam (địa bàn tỉnh Kiên Giang) đều căng mình canh gác để phòng chống dịch Covid-19 và chống buôn lậu. Các điểm chốt đã tạo thành một vòng liên hoàn, làm cho một vùng phên Tổ quốc thêm vững chắc. Nhờ sự quyết tâm, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã phát hiện, ngăn chặn được bốn vụ vận chuyển trái phép khẩu trang y tế qua biên giới, thu giữ trên 35 nghìn khẩu trang; ngăn chặn, hướng dẫn hàng trăm người dân qua lại biên giới; đồng thời ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng lợi dụng “mùa dịch” vận chuyển hàng cắm, hàng lậu qua biên giới.
Do tuyến biên giới trên bộ của Kiên Giang là đồng bằng và với thói quen đi ngang, về tắt của người dân nên khi đột ngột bị “chốt chặn” bà con phản ứng, thậm chí chống đối không chấp hành. Vì vậy, Bộ đội Biên phòng đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó lấy công tác tuyên truyền làm nòng cốt, hướng cho bà con hiểu thói quen “đi ngang, về tắt” là không đúng, là nguy hiểm, có thể làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình cộng đồng.
“Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên đã bố trí nhiều điểm loa truyền thanh, phát liên tục bằng hai thứ tiếng (Việt Nam và Campuchia). Nội dung cập nhật tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, thông báo các quy định mới trong việc qua lại, làm thủ tục xuất nhập cảnh. Chúng tôi in tờ rơi, treo băng-rôn trên các chốt, khu dân cư dọc đường biên giới… Làm mọi cách cho người dân đều nghe, đều biết, đều hiểu để chung tay cùng Bộ đội Biên phòng ngăn dịch bệnh…”,trung tá Nguyễn Văn Toàn, Chính trị viên Đồn Biên CKQT Hà Tiên tâm sự.
Được biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, những ngày qua, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc bên kia biên giới đã trở về nước. Đến ngày 26-3, TP Hà Tiên thực hiện cách ly tập trung 282 người để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện khu huấn luyện tập trung của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố có khả năng tiếp nhận 72 người, TP cũng đang mở rộng sức chứa hơn 300 người.
Trời về chiều, biên giới vắng lặng, các khu vực đều bị khóa chặt. Trong buổi cơm muộn tại bếp ăn của Đồn Biên phòng, Đại tá Hồ Tú Điền, tâm sự với Chỉ huy Đốn: “Đối đầu với kẻ thù bằng xương, bằng thịt dễ dàng hơn nhiều so với chống chọi với virus vô hình, nên không thể lường trước được điều gì. Thương cho anh em ngày đêm bám chốt ngoài biên giới, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, nơi ăn, nghĩ còn sơ sài. Tình hình kéo dài lo sức khỏe anh em quá! Tuy nhiên, chống dịch đang là nhiệm vụ hàng đầu, chúng ta phải cùng cố gắng vượt qua và chúng ta ắt chiến thắng!”.