Chống đối kiểm soát nồng độ cồn, từ chối kiểm tra sẽ bị xử lý ra sao?

Trong mấy ngày đầu tiên năm 2020, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã ra quân kiểm tra, đo nồng độ cồn của những người tham gia giao thông. Có nhiều lái xe thừa nhận dùng bia rượu nhưng cũng có những trường hợp người đi đường không hợp tác.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tối 3/1. Ảnh: M.Linh/Báo Tin tức.

Chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tối 3/1. Ảnh: M.Linh/Báo Tin tức.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nói: “Với những người tham gia giao thông không tuân thủ, thậm chí cản trở, chống đối lực lượng chức năng như: Khóa xe lại bỏ đi, đập phá xe, thậm chí chống người thi hành công vụ. Tất cả những hành vi đó đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh; áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ”.

Tại khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Với hành vi không chấp hành hiệu lệnh trong việc kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích thì người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối nếu: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, thực tế cho thấy, có những phương tiện giao thông giá trị thấp hơn mức xử phạt, tuy nhiên trong trường hợp vi phạm, người tham giao thông vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt. Nếu không hợp tác, nộp tiền phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành; đồng thời bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn. Nếu không chấp hành còn có nguy cơ không bao giờ lấy lại được giấy phép lái xe cũng như được cấp lại.

Một số luật sư cho hay: Theo quy định pháp luật, nếu người vi phạm chấp hành, ký văn bản thì có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Còn trường hợp không chấp hành như: Khóa xe bỏ đi, có hành vi chửi bới lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng hoặc không ký vào văn bản ... thì vẫn bị lập biên bản, có người làm chứng và xử lý bình thường. Trường hợp này, người vi phạm sẽ bị xử phạt với mức nặng nhất.

Anh L.Q.D. (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) đo được nồng độ cồn là 0,363 miligam/lít khí thở. Ảnh: M.Linh/Báo Tin tức.

Anh L.Q.D. (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) đo được nồng độ cồn là 0,363 miligam/lít khí thở. Ảnh: M.Linh/Báo Tin tức.

Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những hành vi tấn công lại lực lượng chức năng thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm (BLHS) 2015, tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) Quốc gia cho hay: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sẽ có tác động rất lớn và tích cực về mặt an toàn giao thông. Ngoài các quy định và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, những trường hợp chống đối lực lượng thực thi công vụ khi kiểm soát nồng độ cồn phải phạt thật nặng.

Theo ông Trần Hữu Minh, trong vấn đề sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe, các quốc gia phát triển kết hợp cả 4 giải pháp gồm: Hình sự, hành chính, giáo dục và kinh tế rất hiệu quả, Hiện, Việt Nam mới chỉ chú trọng hành chính phạt tiền nhưng thiếu hệ dữ liệu để quản lý tái phạm; mới phạt hình sự khi có hậu quả trong khi hành vi vi phạm nghiêm trọng chưa gây hậu quả về bản chất là tội phạm nghiêm trọng thì chưa bị xử lý hình sự.

Do vậy, Nhà nước cần sớm sửa quy định pháp luật để kết hợp hiệu quả giữa các công cụ về hình sự (để có thể xử lý vi phạm nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả); công cụ hành chính (tiếp tục nghiên cứu nâng cao các mức phạt để đủ sức răng đe (nếu cố tình tái vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng hoàn toàn có thể tịch thu phương tiện, treo bằng vĩnh viễn...); xây dựng hệ dữ liệu để quản lý tái phạm, chia sẻ giữa các cơ quan và địa phương để phối hợp quản lý; công cụ giáo dục (lao động công ích, học lại thi lại bằng lái xe ở mức độ khắt khe hơn) và kinh tế (thay đổi mức bảo hiểm theo mức độ rủi ro của phương tiện/người lái và lịch sử lái xe). Tuy nhiên, để làm được cần sửa rất nhiều luật cho đồng bộ.

Đối với những người chống đối, không thi hành, theo ông Trần Hữu Minh, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm bổ sung, sửa đổi để lực lượng thực thi pháp luật có đủ quyền hạn và năng lực ứng phó kể cả những trường hợp phức tạp nhất. Những trường hợp chống đối như vậy đương nhiên hình phạt phải thật nặng.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ có hiệu lực (ngày 1/1/2020) - sau khi ký chỉ có 2 ngày là áp dụng khiến nhiều người bất ngờ, chưa hiểu rõ về các quy định của văn bản này.

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/chong-doi-kiem-soat-nong-do-con-tu-choi-kiem-tra-se-bi-xu-ly-ra-sao-20200105064821691.htm