Chồng đòi mang cháu về nuôi, vợ chỉ nói một câu liền im bặt

Thương hai cháu, anh Kiên định đòi mang cháu về nuôi. Biết được ý định, vợ anh chỉ nói một câu khiến anh liền im bặt.

Tan làm sớm, chị Lan vội về nhà để chuẩn bị bữa cơm tối cho cả gia đình. Vừa bước vào cửa, chị thấy bóng dáng chồng đang nói chuyện với một người phụ nữ. Vào gần hơn, chị nhận ra đấy là mẹ chồng của mình.

Thấy mẹ chồng tự dưng từ quê lên bất ngờ như vậy, chị Lan đã linh tính chuyện chẳng lành. Bởi lần nào bà lên mà không báo trước là ở dưới quê, vợ chồng người em trai chồng của chị đã có chuyện. Nghe thấy cuộc trò chuyện của chồng chị và mẹ chồng, chị Lan càng bất ngờ hơn.

Mẹ chồng chị bảo, vợ chồng người em trai chồng vừa rồi cãi nhau to và đã làm đơn ra tòa li dị. Cũng sau lần làm đơn ấy, hai người đi biệt để mặc hai đứa trẻ cho bà nội chăm. Một mình không thể nuôi hai đứa cháu khi tuổi đã cao nên giờ nên nhờ cậy vào vợ chồng chị.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gia đình anh Kiên – chồng chị Lan có hai anh em trai. Chồng chị là con cả, người em trai kém anh tận 10 tuổi. Vợ chồng em trai anh Kiên ở quê làm nông nghiệp và công nhân tại các khu công nghiệp, còn anh Kiên sau khi học xong ở lại thành phố lấy vợ sinh sống.

Bố anh Kiên mất cách đây mấy năm, mẹ anh sống cùng với người em trai để đỡ đần vì hai cháu còn nhỏ. Cưới xong, vợ chồng chị Lan bàn nhau cùng bỏ số tiền tích cóp được trước khi cưới cộng thêm tiền mừng và vay ngân hàng trả dần để mua một căn nhà tập thể cũ để ở.

Mặc dù đã có nhà ở, nhưng hàng tháng vợ chồng chị Lan vẫn phải đóng hơn 3 triệu tiền lãi ngân hàng từ việc vay mua nhà. Một tháng hai vợ chồng thu nhập được hơn 20 triệu. Có hai con nhỏ và trả thêm phần lãi nên chi tiêu của gia đình nói chung vẫn phải tằn tiện mới đủ. Tháng nào công việc nhiều, vợ chồng vẫn phải vay mượn thêm rồi trả lại tháng sau.

Dịch bệnh COVID- 19 bùng phát, công ty của anh Kiên ít việc. Anh thuộc diện bị cho nghỉ việc. Thu nhập của hai vợ chồng ít đi, trong khi nhiều khoản vẫn phải chi nên càng phải chắt bóp. Mọi thứ trong gia đình một tay chị Lan phải xoay sở. Không còn thu nhập, anh Kiên chạy thêm Grab.

Vậy mà mới đây, chị Lan lại nghe chồng bảo với mẹ chồng rằng sẽ đón hai đứa cháu lên, lo chi phí tiền cho các cháu của em trai ăn học. Mẹ phụ thêm được đồng nào thì thêm.

Nghe chồng không kiếm được tiền nhưng vẫn sĩ, chị Lan thấy thật vô lý liền bước vào phản đối ngay lập tức. Vợ chồng vì thế cũng cãi nhau. Anh nói ngày xưa nhà nghèo nhờ có em trai nhường cho anh đi học nên mới có được như ngày hôm nay. Bây giờ phải giúp đỡ lại các con của em là chuyện bình thường. Anh muốn chị phải coi đấy là nghĩa vụ, trách nhiệm cùng với chồng.

Chị Lan hiểu chồng có ý đúng. Thế nhưng vợ chồng dư đã đành, đằng này tiền mua nhà vẫn nợ chưa trả xong, thu nhập của hai vợ chồng trừ tiền lãi ngân hàng ăn tiêu có tháng vẫn phải đi vay. Đó là chưa kể, anh thất nghiệp hơn nửa năm nay. Đến mua đồ ăn cho hai đứa con, quần áo mới cũng phải căn ke mua mà giờ nuôi thêm hai đứa cháu không biết phải lấy đâu ra.

Càng nghĩ chị càng thấy chồng sĩ. Chị cũng không thể hiểu sao mẹ chồng không hiểu, cảm thông cho những vất vả của vợ chồng chị. Nghĩ vậy, chị Lan liền nói với chồng một câu "Trước khi anh quyết định đón hai cháu lên nuôi hãy ngẫm bản thân đã lo được cho mình chưa. Bao lâu rồi anh không đưa được đồng nào về nhà. Con cái của anh bao lâu rồi không được anh mua cho tấm áo mới rồi hãy nghĩ đến cháu". Nghe lời của vợ nói, anh Kiên liền im lặng. Cũng sau ngày hôm đó, chị Lan không thấy anh nhắc đến chuyện đưa hai cháu về nuôi nữa.

Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/chong-doi-mang-chau-ve-nuoi-vo-chi-noi-mot-cau-lien-im-bat-20201001085311246.htm