Chống 'giặc' Covid-19 - kinh nghiệm từ Bắc Ninh - Bài 2

CÁI KHÓ LÓ… SÁNG TẠO!

“Giặc” Covid-19 xâm nhập, muôn vàn khó khăn đến với Bắc Ninh khi cả tỉnh phải gồng mình để chống đỡ cùng một lúc trên nhiều mặt trận: cộng đồng, trong các khu công nghiệp (KCN), bảo vệ thành trì chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh… Nhưng cũng từ trong cái khó đó, tỉnh đã linh hoạt, chủ động nhiều biện pháp chống dịch sáng tạo, chưa từng có tiền lệ.

Linh hoạt giãn cách

Giãn cách xã hội là phương pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khi hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người trong cộng đồng. Nghiên cứu kỹ để hiểu đúng về các Chỉ thị 15, 16, 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh đã áp dụng phù hợp với diễn biến và đặc thù của từng địa bàn. Trên quan điểm nguy cơ càng cao thì áp dụng các biện pháp càng mạnh, lần đầu tiên có những thuật ngữ “15+”, “16+” được nhắc đến trong thực hiện giãn cách xã hội tại Bắc Ninh.

Vắc xin phòng Covid-19 được coi là giải pháp “sáng”, có tính căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Vắc xin phòng Covid-19 được coi là giải pháp “sáng”, có tính căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, Bắc Ninh đã thực hiện khá tốt chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp… Tại các địa phương ghi nhận những ca nhiễm, ngay lập tức đã được cách ly y tế theo hướng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với các chốt cứng vòng trong, chốt mềm vòng ngoài nên đã nhanh chóng chặt đứt chuỗi lây nhiễm. Khi các địa bàn nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới, xét nghiệm toàn dân nhiều lần âm tính, đủ điều kiện thì được nới lỏng giãn cách xã hội kịp thời, tạo điều kiện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời vẫn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ mới.

Không để “đứt gãy” chuỗi sản xuất

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đã chia sẻ: Một trong những đặc điểm của tỉnh công nghiệp đặc thù như Bắc Ninh, khi dịch xảy ra đã có yếu tố len lỏi giữa cộng đồng và các doanh nghiệp, nên vấn đề xử lý triệt để khó hơn rất nhiều. Bắc Ninh lại là tỉnh có mật độ dân số rất đông, gấp 5 lần bình quân chung cả nước. Nếu Bắc Ninh chọn phương án đơn giản, thuận lợi cho chính quyền, đó là cứ “đóng băng” tất cả nền kinh tế lại để tập trung cho công tác phòng chống dịch, sau đó rồi mới làm các giải pháp khác, về mặt chống dịch dễ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng. Toàn tỉnh hiện có tới 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó 10 KCN lớn với tổng 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước. Nếu Bắc Ninh đóng cửa tất cả, thì gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ thế nào? Họ sẽ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông thì sẽ còn rủi ro hơn về phòng, chống dịch…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Y tế thăm Trung tâm Hồi sức tích cực ICU quy mô 100 giường bệnh mới được đưa vào sử dụng

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Y tế thăm Trung tâm Hồi sức tích cực ICU quy mô 100 giường bệnh mới được đưa vào sử dụng

Không chỉ có thế, với đặc điểm một tỉnh công nghiệp, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ cần một lệnh đóng cửa toàn bộ các KCN ở Bắc Ninh sẽ tác động đến cả nền kinh tế đất nước và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ riêng Bắc Ninh, ước tính một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ giảm ít nhất 3.600 tỷ đồng, chưa kể thương mại, dịch vụ và nhiều thứ khác, thì con số thiệt hại còn lớn hơn. Nếu tính so với % của GRDP, mỗi ngày như vậy, tỉnh sẽ giảm khoảng 0,2% GRDP, thì chỉ cần 1 tháng thôi đã mất đến 6% GRDP. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh mà còn ảnh hưởng tới quy mô sản xuất công nghiệp của cả nước.

Vì vậy, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa sản xuất, Bắc Ninh đã triển khai hàng loạt biện pháp cụ thể phòng dịch trong các KCN. Điển hình nhất là thời điểm dịch diễn biến phức tạp, tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp giảm 50% số công nhân sản xuất để giãn cách; đưa công nhân vào lưu trú trong nhà máy (vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy). Tỉnh cũng trưng dụng tất cả trường học trên địa bàn để làm chỗ ở tạm cho công nhân nhằm giãn cách cho các khu nhà trọ; quản lý chặt những công nhân không đi làm ở lại các phòng trọ, ký túc xá công nhân.

Trong quá trình triển khai, tỉnh thành lập 40 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch, kiên quyết tạm dừng sản xuất đối với tất cả nhà máy không bảo đảm các yếu tố phòng, chống dịch; đồng thời kịp thời cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại để bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức cho công nhân ăn tại đơn vị 3 bữa với phương thức “2 địa điểm, 1 cung đường”, đồng thời đề cao vai trò của chủ nhà trọ trong việc quản lý, hỗ trợ công nhân lưu trú.

Có thể nói, đây là một “cuộc cách mạng” về tổ chức duy trì sản xuất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng chính là thể hiện bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng thử nghiệm một cách làm mới được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt khen ngợi, biểu dương. Những kinh nghiệm đó cũng được điểm cầu Bắc Ninh chia sẻ với các tỉnh tham khảo trong chống dịch tại các KCN, khu chế xuất và đang được nghiên cứu để nhân rộng trong cả nước.

Những “đột phá” trong chuyên môn

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp. Phải đối mặt với sự lây lan của SARS-CoV-2 ở cả 2 mặt trận cộng đồng và KCN là thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị. Vi rút biến chủng Delta xuất hiện tại Ấn Độ vừa lây lan nhanh, vừa để lại hậu quả nặng nề, nhiều bệnh nhân trẻ, khỏe, không có bệnh nền chuyển nặng nhanh, thậm chí tử vong là cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19. Tại Bắc Ninh, thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, số ca mắc mới có nhiều ngày ghi nhận lên đến vài chục ca, các trường hợp F1, F2 được xác định theo đó cũng tăng chóng mặt với hàng chục ngàn người. Đây là áp lực lớn đối với công tác cách ly, dập dịch… Trên cơ sở gợi ý của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bắc Ninh đã đề xuất với Trung ương có hướng dẫn thực hiện cách ly các trường hợp F1 nguy cơ thấp tại nhà nếu đủ điều kiện. Từ cuối tháng 5-2021, Bộ Y tế đã thống nhất cho phép thí điểm cách ly F1 có nguy cơ thấp tại nhà trên cơ sở bảo đảm các yếu tố phòng dịch như: có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh riêng biệt, những thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần với F1 và mọi sinh hoạt của F1 phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung trong thời gian đủ 21 ngày...

Nếu như trước đợt dịch thứ 4 bùng phát, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì trong thời gian tiếp sau, khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang căng thẳng, phức tạp nhất, hay khi tình hình đã “êm ả”, ngành y tế thành lập các tổ tiêm chủng lưu động, khẩn trương tổ chức tiêm trên tinh thần vắc xin được phân bổ đến đâu tiêm đến đó, không để lãng phí bất kỳ mũi tiêm nào. Tính đến ngày 20-9, toàn tỉnh đã tiêm được gần 554 ngàn mũi vắc xin phòng Covid-19 cho gần 314 ngàn người, trong đó hơn 240 ngàn người đã tiêm 2 mũi.

Tại Bắc Ninh, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng là giải pháp khoa học để xử lý nhanh các ổ dịch và từng bước gỡ phong tỏa cho những địa phương có nguy cơ thấp hoặc đã không còn yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19. Việc xét nghiệm diện rộng được thực hiện theo phương án: Những địa phương trên 14 ngày không có F0 thì chỉ lấy mẫu xét nghiệm 1 lần, nhưng dưới 7 ngày có ca mới thì lấy ít nhất 3 lần. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ sàng lọc, đánh giá những địa phương trên 14 ngày không phát sinh ca mới, kết quả âm tính sẽ cho thực hiện Chỉ thị 15 hoặc 19/CT-TTg. Những địa bàn có F0 chưa qua 14 ngày tiếp tục quản chặt và thực hiện tiếp các biện pháp sàng lọc. Biện pháp này được thực hiện trước tại các địa bàn phức tạp. Sau xét nghiệm, hàng loạt các khu dân cư đã có quyết định kết thúc cách ly y tế kịp thời, trở lại cuộc sống bình thường mới.

Cũng trong đợt dịch Covid-19 lần này, việc triển khai chiến lược vắc xin phòng Covid-19 được coi là giải pháp “sáng”, có tính căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch mà Bắc Ninh đã và đang nỗ lực thực hiện. Cùng với việc ưu tiên tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin, tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến Chính phủ và gấp rút triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng công nhân, người lao động.

Lê Thanh - Lê Đại - Việt Hoa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/127271/chong-giac-covid-19-kinh-nghiem-tu-bac-ninh-bai-2