Chống 'giặc Covid-19': Thiếu ý thức tự giác sẽ làm khổ nhiều người

Chỉ vì thiếu ý thức tự giác mà một người làm khổ cho nhiều người trong cơn đại dịch này.

Họ là những người trở về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo, tiếp xúc với người mắc covid nhưng không đi cách ly. Họ là những người thân của người đang cách ly kéo nhau đến tiếp tế. Họ là chủ hàng quán, tuy có lệnh đóng cửa những dịch vụ không thiết yếu nhưng vẫn vô tư bán hàng. Họ là những người không có công việc gì mà vẫn tung tăng ra đường phố dù có khuyến cáo nên ở trong nhà. Họ là những tiểu thương và bán hàng rong vẫn họp chợ đông người, coi như không biết đến quy định cấm tụ tập trên 20 người… Chỉ vì thiếu ý thức tự giác mà một người làm khổ cho nhiều người trong cơn đại dịch này.

Một số gia đình khá giả, có điều kiện đã gây khó cho lực lượng phục vụ, lại làm hư người thân của mình. Những nhu cầu thiết yếu cho người cách ly đã được bảo đảm đầy đủ, hà cớ gì mà họ đòi hỏi để có đời sống sinh hoạt cao theo nhu cầu như ở nhà? (ảnh: Báo phụ nữ tp.hcm)

Một số gia đình khá giả, có điều kiện đã gây khó cho lực lượng phục vụ, lại làm hư người thân của mình. Những nhu cầu thiết yếu cho người cách ly đã được bảo đảm đầy đủ, hà cớ gì mà họ đòi hỏi để có đời sống sinh hoạt cao theo nhu cầu như ở nhà? (ảnh: Báo phụ nữ tp.hcm)

Đã hơn 1 tháng nay, chiến dịch phòng chống lây nhiễm vi rút Covid cuốn hút toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Các biện pháp phòng tránh, các chỉ thị, mệnh lệnh từ Chính phủ tới các ban, ngành và địa phương được ban bố hàng ngày. Tất cả đều nhằm mục đích hạn chế tối đã sự lây lan của dịch bệnh. Ấy vậy mà có những người, vì lòng ích kỷ, vì thiếu hiểu biết và đặc biệt là thiếu ý thức đã gây ra bao phiền toái, ảnh hưởng đến tiến độ phòng chống dịch của các cơ quan chức năng.

Ngày 20-3, sân bay Nội Bài có gần 2.500 người nhập cảnh. Nửa đêm, hàng dài những chiếc xe biển đỏ của quân đội vẫn chờ sẵn đợi đưa người về các khu cách ly ở Ninh Bình và Sơn Tây, Tứ Hiệp - Thanh Trì (Hà Nội). Một phụ nữ trung tuổi bay về từ Ba Lan giữ chặt chiếc xe đẩy hành lý, quát lớn giữa đám đông gần 400 người đang xếp hàng lên xe: "Tôi bảo là tôi không đi cách ly", với lý do "chỉ sang châu Âu chơi mấy ngày", nhất quyết không chịu lên xe.

Những chiến sĩ lái xe nhìn nhau bối rối, mọi lời thuyết phục không có tác dụng. Người phụ nữ đó đưa thêm lý do: "Tôi không có dép, không có cả đồ lót, không đi cách ly được". Mấy trăm con người từ già cả đến trẻ nhỏ trên 8 chiếc xe bắt đầu phản ứng vì phải chờ quá lâu trong trời đêm mưa. Lực lượng an ninh phải can thiệp, cuối cùng phải dùng biện pháp cưỡng chế, đưa người phụ nữ này lên xe.

Thế là đêm ấy, những chiến sĩ lái xe của Bộ tư lệnh Thủ đô bị "mất oan" hơn một tiếng đồng hồ vì sự cố, đáng lẽ đi được sớm thì họ được nghỉ ngơi sớm, chỉ vì đợi "hành khách cuối cùng" đó. Chị có biết đâu rằng, một mình chị làm khổ mấy trăm con người. Và chị đâu biết rằng, những chuyến xe đó còn phải quay lại ngay trong đêm để đón người của những chuyến bay khác đang đổ về.

Những người chống lệnh đi cách ly, trốn khai báo đâu có biết rằng, bao nhiêu con người đang ngày đêm phục vụ họ phải xa gia đình gần một tháng nay, ăn ở tạm bợ và phải tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng thế nào. Đã vất vả chăm lo như vậy mà còn phải đối phó với những người vô ý thức, gây sự vô lối mà vẫn âm thầm chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 26-3, tin từ UBND phường Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: lực lượng chức năng đang giám sát chặt đối với trường hợp chị Vũ Thu Hà (SN 1995, trú tại Sài Đồng), người trốn cách ly để ra sân bay định đi Anh. Chị này đã từ nước Anh trở về, phải cách ly tại nhà từ ngày 13-3 đến 27-3. Nhưng sáng ngày 25-3 chị đã trốn cách ly và lấy vé máy bay để trở lại Anh. Khi phát hiện ra, chính quyền địa phương đã vận động gia đình gọi chị quay lại nhưng chị vẫn cố tình lên máy bay. Tổ công tác của phường Sài Đồng phải lập tức lên sân bay cùng các lực lượng chức năng xử lý. Lúc này, chị Hà có thái độ không hợp tác nên an ninh sân bay đã phải cưỡng chế chị rời máy bay, trở lại cách ly tiếp tại nơi cư trú. Một người đã sống ở châu Âu, là dân Thủ đô mà suốt 12 ngày về nhà, chẳng lẽ chị không biết cả nước đang sôi sục phòng chống dịch thế nào hay sao mà còn làm như vậy?

Chiều 25-3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức ra lệnh đóng cửa tất cả các hàng quán trên địa bàn đến ngày 5-4. Cụ thể, ông Chung yêu cầu đóng cửa các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đến hết ngày 5-4, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm. Tất cả quán cà phê, quán bar, nhà hàng, phòng tập gym phải dừng toàn bộ, không kể nội thành, ngoại thành. Các nơi làm việc phải đo thân nhiệt và khử khuẩn". Vậy mà sáng ngày 27-3, nhiều nhà hàng ăn uống, quán cà phê vẫn mở; người đến ăn uống vẫn đông. Các chủ quán này vì lợi nhuận nên vẫn cứ mở cửa bán hàng, khách quen ăn uống tụ tập vẫn đến. Cả chủ và khách đều coi thường lệnh của Chủ tịch Hà Nội, không nghĩ rằng những tụ điểm ăn uống ấy là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ làm sao biết được, có thể có người đã lây nhiễm cũng đến ăn uống ở đó như 4 quán ăn ở nội thành Hà Nội mà Bộ Y tế thông báo ngày 26-3. Những người ăn ở 4 quán đó trong thời gian từ 13 đến 21-3 đã đi những đâu, đến quán nào nữa cho đến bây giờ? Họ đã để lây lan sang bao nhiêu người khác, chưa truy tìm hết được?

Thói quen ăn sáng ở hàng quán, thói quen tụ tập ngồi uống cà phê suốt buổi sáng đã nhiễm vào nhiều người từ lâu. Nhưng chẳng lẽ trong thời gian dịch bệnh nguy hiểm như thế này, họ không thể ăn uống ở nhà được hay sao mà cứ phải ra quán? Một số hàng quán đã có phương thức kinh doanh mới là đưa đồ ăn uống đến tận nhà. Tại sao các khách hàng không liên lạc với nhà hàng để tạm thời ăn uống ở nhà một thời gian tránh dịch?

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã khuyến cáo: "Tất cả mọi người nên ở nhà, trừ việc ra ngoài mua lương thực, thực phẩm". Ông Chung cũng khẳng định: "Do tình hình dịch bệnh của thành phố đã bước vào giai đoạn hết sức căng thẳng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên chính quyền sẽ phải áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn. Chỉ có sự tham gia của tất cả người dân, với ý thức bảo vệ cho mình, gia đình mình, cho cộng đồng, trách nhiệm với đất nước, mới chiến thắng được dịch Covid-19". Đúng là phải có những biện pháp mạnh tay hơn thì mới ngăn chặn được sự tùy tiện của người dân hiện nay!

Ở một số khu cách ly, những gia đình có người thân đang cách ly đã ùn ùn mang đồ đến tiếp tế. Tiêu biểu là khu cách ly tập trung tại ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM (KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) với 5.036 người. Hơn 5000 người ở trong khu cách ly đã là gánh nặng đối với lực lượng phục vụ rồi, lại phải tiếp hàng nghìn người khuân cả tủ lạnh, đồ dùng cá nhân và đồ ăn uống đến thì sức nào chịu nổi. Cảnh chen chúc, ùn tắc giao thông và mất trật tự giữa trời nắng nóng đã làm khổ những người phục vụ tại khu cách ly và lực lượng cảnh sát ở khu vực. Một số gia đình khá giả, có điều kiện đã gây khó cho lực lượng phục vụ, lại làm hư người thân của mình. Những nhu cầu thiết yếu cho người cách ly đã được bảo đảm đầy đủ, hà cớ gì mà họ đòi hỏi để có đời sống sinh hoạt cao theo nhu cầu như ở nhà?

Ý thức tự giác của con người rất cần thiết ở mọi lúc, mọi nơi. Trong hoàn cảnh dịch bệnh như thế này, càng cần mỗi người nêu cao ý thức tự giác. Sống thiếu tự giác và tùy tiện, ích kỷ là thói hư tật xấu gây hại cho bao người. Thói xấu ấy không thể tồn tại trong xã hội văn minh, hiện đại được!

Đức Toàn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thieu-y-thuc-tu-giac-se-lam-kho-nhieu-nguoi-20200328170420234.htm