Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Xử lý nghiêm, không ngoại lệ
Với những lợi thế từ 12 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam khó tránh khỏi bị lợi dụng là nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba, cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước...
Diễn biến phức tạp
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA là cam kết về thuế, giúp mở rộng thị trường, tạo sự phát triển và giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ luật pháp...
Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp Việt còn chưa kịp tiếp cận cơ hội trên, thì không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở của luật, lấy Việt Nam làm nơi trung chuyển hợp pháp cho hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào một số thị trường mà không phải chịu thuế.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), có 2 hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa: Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng các quy định hiện hành để gian lận trong khai báo mã số hồ sơ nguyên liệu “đầu vào” và sản phẩm “đầu ra”, hoặc lợi dụng việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ để nộp chứng từ giả… Cụ thể, một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu như xe đạp, kẽm, giày, mũ da...; nhưng sau khi điều tra chống bán phá giá đã phát hiện ra đây là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cho biết, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại không những gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và những đối tác quan trọng khác, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định.
Các doanh nghiệp sẽ bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục xuất khẩu tại Hoa Kỳ, đồng thời hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ như hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tế; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, sức ép từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ cũng tạo động lực cho gian lận thương mại.
Vì vậy, “Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp cứng rắn, xử lý nghiêm minh, triệt để, không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này khi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tình hình cấp C/O và công tác phòng chống gian lận xuất xứ ngày 15-11 vừa qua.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; gửi thông tin tới các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, theo dõi và phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Đồng thời, tích cực phổ biến các quy định trong lĩnh vực này và thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May Nguyệt Hùng (phường Sài Đồng, quận Long Biên) cho rằng: “Để đối phó với tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp phải tăng năng suất, đầu tư cho tự động hóa, chọn đơn hàng cao cấp và dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tìm khách hàng tại các thị trường mới mà Việt Nam đã tham gia hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, EU...”.
Theo ông Âu Anh Tuấn, để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng và thực tế hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra cụ thể tên hàng, C/O hàng hóa, nhãn hàng hóa…; thu thập thông tin những mặt hàng mà các thị trường lớn áp dụng thuế chống bán phá giá nhằm kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá, hoặc đang điều tra...
Đề cập đến giải pháp ngăn chặn việc làm giả C/O, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, bên cạnh việc phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cũng chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ; đẩy mạnh thực hiện C/O điện tử, hướng tới không sử dụng C/O giấy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, các cơ quan cần xem xét lại quy định của pháp luật, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước; trình ban hành nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống gian lận xuất xứ. Cùng với đó, xem xét kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa Bộ Công Thương, VCCI và Tổng cục Hải quan.
Về phía các doanh nghiệp, cần thận trọng khi đầu tư sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng đang có nguy cơ bị áp thuế; cân nhắc khi mở rộng đầu tư, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ ba.