Chồng giữ hết tiền, không muốn chia sẻ thu nhập với vợ: Gia đình liệu có hạnh phúc?
Người vợ thấy băn khoăn về quyết định tiền nong của chồng.
Mới đây, một chia sẻ ngắn trên mạng xã hội đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác chỉ trong thời gian ngắn, mở ra một cuộc tranh luận sôi nổi về một chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ hết nóng: Chồng là người giữ tiền, không chia sẻ thu nhập với vợ, liệu có ổn không?
Người đăng bài viết: "Các chị có suy nghĩ như thế nào nếu gia đình mà chồng là người giữ tiền ạ. Có thu nhập cũng không muốn nói cho vợ biết. Dù vẫn lo cho gia đình. Có ổn không ạ? Thanks cả nhà".

Người vợ e ngại vì chồng không chia sẻ vấn đề tài chính với mình. Ảnh minh họa
Dòng chia sẻ đơn giản, không giận dữ, không lên án, nhưng lại khơi dậy rất nhiều cảm xúc trái chiều trong cộng đồng mạng - nơi mà mỗi người một hoàn cảnh, mỗi nhà một cách “giữ tiền”. Dưới phần bình luận, nhiều người đã chia sẻ câu chuyện riêng của mình, từ buồn bã, chấp nhận đến mặc kệ.
Một người bày tỏ: “Quan trọng là chồng giữ thì chi khoản gì, lo khoản gì. Nhà mình thì tiền vợ lo sinh hoạt gia đình, tiền chồng để mua nhà, mua xe.”
Người khác kể cụ thể hơn: “Nhà mình tiền ai nấy tiêu, 12 năm mình chưa biết thu nhập của chồng là bao nhiêu. Nhưng điện nước, con cái, chồng lo tất! Mình tiết kiệm của mình và cũng cùng lo cho con! Lúc đầu thì tổn thương thật, nhưng lâu thành quen, giờ thì không quan tâm nữa. Nó cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc đấy, ảnh hưởng đến cảm xúc nữa, nên giờ tụi mình chỉ như hai người bạn sống chung nhà.”
Thậm chí có người còn cảm thấy việc giữ tiền không phải là “trọng trách” gì đáng ganh đua: “Nhà em y vậy, em không lo gì cả, thuế nhà, điện nước, bảo hiểm, học hành con cái... 100% chồng lo hết. Lương em em đầu tư làm gì làm, chồng cũng không bao giờ hỏi. Mỗi tuần đi siêu thị mua đồ ăn bằng tiền em, em cũng không hỏi lương chồng bao nhiêu. Mắc mớ gì phải giữ tiền cho nặng đầu?”
Cũng có những người thẳng thắn nhận định: giữ tiền là giữ quyền kiểm soát, và nếu thiếu tin tưởng thì mối quan hệ sẽ rất mong manh: “Nhà mình tiền ai nấy giữ, chi tiêu chủ yếu là chồng chi. Em bảo không đưa tiền thì em không chi nữa, tự đi mà sắm. Nói chung ai cũng đề phòng ai, nhưng thôi, vẫn sống được. Mà chồng như vậy là tính toán. Ok, thích cầm tiền thì tự lo, vợ đỡ vướng bận.”

Mỗi gia đình lại có góc nhìn riêng về câu chuyện. Ảnh minh họa
Vợ chồng nên chia sẻ chuyện tiền nong như thế nào để giữ gìn hạnh phúc?
Trong một gia đình, việc ai giữ tiền - chồng hay vợ, thực chất không quan trọng bằng cách mà hai người cùng bàn bạc, thống nhất và minh bạch với nhau về tài chính. Khi tiền bạc được giấu giếm, kể cả với lý do “tôi vẫn lo đầy đủ”, thì cảm giác bất an và khoảng cách giữa hai người sẽ dần hình thành, nhất là khi người kia cảm thấy bị loại khỏi kế hoạch tương lai của gia đình.
Thực tế, các chuyên gia tài chính gia đình đều cho rằng: việc chia sẻ và minh bạch tài chính là một trong những nền tảng quan trọng giúp duy trì hạnh phúc hôn nhân lâu dài.
Dưới đây là một số nguyên tắc gợi ý để các cặp đôi cân nhắc:
1. Cùng nhau lập kế hoạch tài chính
Việc cùng ngồi xuống tính toán chi tiêu hàng tháng, khoản tiết kiệm, dự định lớn như mua nhà, sinh con hay đầu tư sẽ giúp cả hai có tiếng nói chung, thấy mình là một phần trong gia đình, thay vì mỗi người một hướng.
2. Không nhất thiết phải nhập một túi tiền, nhưng phải rõ ràng
Một số gia đình chọn cách nhập toàn bộ thu nhập vào một tài khoản chung, cũng có người chọn “tiền ai nấy giữ”. Dù lựa chọn phương án nào, điều quan trọng là cả hai đều biết rõ về tình hình tài chính chung, không có chuyện “thu nhập bao nhiêu cũng không nói”.
3. Phân công vai trò tài chính theo thế mạnh
Nếu chồng giỏi quản lý tài chính, có thể là người giữ phần lớn tiền và điều phối các khoản lớn như mua nhà, đầu tư. Vợ có thể phụ trách các khoản chi tiêu hàng ngày. Ngược lại cũng không sao. Nhưng nên phân công rõ ràng để tránh mâu thuẫn.
4. Dành một khoản “riêng tư” cho mỗi người
Dù tài chính chung thế nào, mỗi người nên có một khoản nhỏ để chi tiêu cá nhân mà không cần xin phép. Điều này giúp duy trì sự tôn trọng lẫn nhau và tạo cảm giác tự do trong hôn nhân.