CHỐNG HẠN, NGĂN MẶN, ĐẾN HẸN... NHƯNG ĐỪNG CHỦ QUAN! - Bài cuối: Sẵn sàng các phương án cấp nước

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước ngầm tụt giảm mạnh, nhiều địa bàn ở các xã ven biển, hải đảo của tỉnh Kiên Giang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Trong các giải pháp phòng chống hạn mặn, Kiên Giang ưu tiên và đã sẵn sàng các phương án cấp nước.

Bài 1: Kiểm soát hạn mặn, bảo vệ sản xuất

KHẢ NĂNG TRÊN 10.000 HỘ ẢNH HƯỞNG

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô, các hộ dân sống tại các cụm tuyến dân cư ven biển và hải đảo thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Kiên Hải, Gò Quao, Kiên Lương… lại lo thiếu nước sạch sinh hoạt.

Ghi nhận tại ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên, mỗi nhà dân đều có sẵn vài cái lu xi măng, kiệu, bồn nhựa để dự trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Phần lớn các giếng khoan tại khu vực này đều nhiễm phèn mặn khá nặng, có nơi khoan mấy trăm mét vẫn không có nước ngọt.

Những hộ may mắn khoan được giếng nhưng không thể sử dụng do nước không sạch. Trong mùa khô này, người dân phải đổi nước từ các ghe với giá khoảng 40.000 đồng/lu xi măng dung tích 500 lít để sử dụng.

Ông Phạm Chí Thương, ngụ ấp Nam Quý, xã Đông Thái cho biết nhiều năm qua nước sạch rất khan hiếm, do nguồn nước ngầm tại đây nhiễm phèn mặn rất nặng. Ban đầu nước bơm lên khá trong, nhưng để lắng khoảng 1 thời gian ngắn, nước đóng màn, có mùi hôi.

"Để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên gia đình, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng hàng tháng tôi vẫn phải chi khoảng từ 200.000-300.000 đồng để mua nước từ ghe đem về sử dụng. Tôi rất mong chờ nhà nước sớm mở rộng tuyến ống dẫn nước sạch cung cấp nước đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân”, ông Thương nói.

Người dân ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) trữ nước sinh hoạt trong mùa khô.

Người dân ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) trữ nước sinh hoạt trong mùa khô.

Cùng ngụ ấp Nam Quý, xã Đông Thái, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Ngon đã được đấu nối tuyến ống dẫn nước sạch từ trạm cấp nước Thứ Bảy. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn xảy ra, do công suất cấp nước, khu vực nằm xa tuyến ống chính nên vào thời gian cao điểm sử dụng, nước chảy yếu, thường xuyên bị cúp nước.

Anh Ngon nói: “Mỗi lần muốn sử dụng nước máy, tôi phải tốn thời gian chờ đợi hứng từng xô. Thêm vào đó, chất lượng nước không đảm bảo sạch. Mùa nắng thường xuyên bị cúp nước. Nhiều tháng qua, nhà nước cải tạo, đấu nối tuyến ống mới nhưng chưa mở nước cho người dân sử dụng”.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện nay, một số địa phương trong tỉnh có nguồn nước ngầm xuống thấp so với mức bình thường, nhất là các khu vực xã đảo của huyện Kiên Hải. Hồ trữ nước ngọt thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải có trữ lượng nước còn quá thấp không đảm bảo cấp nước, dự kiến đến 20-3 sẽ ngưng cấp nước phục vụ người dân.

Theo rà soát, thống kê từ các địa phương, số lượng hộ dân có khả năng bị ảnh hưởng, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn năm 2022-2023 dự báo trên 10.000 hộ.

KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN THIẾU NƯỚC

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Đối với khu vực nông thôn, để đảm bảo cấp nước an toàn cho nhân dân kể cả đất liền và hải đảo, trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo cấp nước an toàn cho mùa khô 2022-2023, quyết tâm không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Căn cứ nhu cầu của người dân, cùng với khả năng cung cấp nước sinh hoạt của các trạm cấp nước, các hồ chứa do trung tâm quản lý, tình hình cấp nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn cơ bản ổn định”.

Trung tâm vừa tiến hành thổi rửa giếng khoan các trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác đảm bảo nguồn cung cấp nước. Đồng thời, khoan 3 giếng bổ sung nguồn Trạm cấp nước Đông Yên và Trạm cấp nước Thứ Bảy (huyện An Biên), trạm cấp nước Thủy Liễu (huyện Gò Quao).

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 6 công trình thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng để sớm đưa vào hoạt động phục vụ cấp nước cho 4.000 người dân tại các khu vực thiếu nước sinh hoạt.

Trung tâm cũng đang chuẩn bị phối hợp các địa phương cấp 1.171 bồn nhựa cho hộ dân sống phân tán xa khu dân cư, không thể kéo nước máy thuộc khu vực TP. Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Kiên Hải, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, U Minh Thượng.

Đối với các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang dự kiến có kế hoạch chở nước ngọt từ đất liền ra đảo để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Nhân viên Trạm cấp nước Nam Thái, huyện An Biên vận hành trạm bơm cấp nước sạch cho người dân.

Nhân viên Trạm cấp nước Nam Thái, huyện An Biên vận hành trạm bơm cấp nước sạch cho người dân.

Ông Âu Văn Tâm - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang (KIWACO) cho biết: “Là đơn vị được UBND tỉnh Kiên Giang phân công làm nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho các khu vực đô thị, trung tâm hành chính của tỉnh, KIWACO đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án chủ động, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa khô 2022-2023, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân”.

Để lấy nước được liên tục vào các hồ chứa cung cấp cho các nhà máy xử lý nước tại các khu vực trung tâm các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc, ngay từ đầu mùa khô, KIWACO đã chủ động phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn TP. Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành để ngăn mặn giữ ngọt kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cung cấp cho hồ Tà Tây.

Đồng thời, vận hành cống Ba Hòn, huyện Kiên Lương kết hợp đắp đập ngăn mặn kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương; vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho hồ chứa nước thô dung tích 1 triệu m3 của nhà máy nước Hà Tiên.

Bên cạnh việc phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành các cống để kịp thời lấy nước thô vào các hồ chứa, KIWACO cũng đề ra các giải pháp dự phòng ứng phó với các tình huống hạn, mặn gay gắt gây khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt của nhà máy.

Theo đó, đối với hệ thống cấp nước TP. Rạch Giá, nếu trường hợp hạn, mặn xảy ra, KIWACO không thu được nước vào hồ chứa, sau 3 ngày, KIWACO sẽ đưa các trạm xử lý nước ngầm vào hoạt động và thực hiện nhận nước từ Công ty Thạnh Lộc, Nhà máy nước Nam Rạch Giá. Với phương án này, KIWACO có thể duy trì cấp nước bình thường cho toàn thành phố trong 20 ngày, sau đó sẽ đưa vào sử dụng hệ thống cấp nước dự phòng công suất 33.000m3/ngày đêm.

Đối với hệ thống cấp nước Hà Tiên - Hòn Chông - Kiên Lương, để đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân, KIWACO đã đầu tư nâng cấp công suất nhà máy nước Kiên Lương với công suất trung bình khoảng 12.000m3/ngày đêm.

Tại khu vực TP. Hà Tiên, KIWACO đã đầu tư xây dựng 2 hồ chứa nước ngọt Đông Hà Tiên và Đông Hà Tiên 1 dung tích 1 triệu m3, công suất khoảng 12.000m3/ngày đêm. Theo tính toán trường hợp mặn xâm nhập sâu, KIWACO có thể duy trì cấp nước cho khu vực này khoảng 45 ngày.

Riêng đối với hệ thống cấp nước Phú Quốc, hiện tại mực nước hồ chứa Dương Đông vẫn cao, KIWACO vẫn thu được nước và đảm bảo công suất phát nước bình thường. Với nhu cầu sử dụng nước cao, KIWACO đang chuẩn bị đầu tư bổ sung thêm cụm xử lý có công suất 3.000m3/ngày đêm để cấp nước ổn định cho người dân TP. Phú Quốc liên tục và ổn định.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/chong-han-ngan-man-den-hen-nhung-dung-chu-quan!-bai-cuoi-san-sang-cac-phuong-an-cap-nuoc-13082.html