Sạt lở tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi

Tại ĐBSCL, mới qua hơn 1 tháng mùa mưa nhưng đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch... cuốn trôi nhiều công trình, nhà ở, vườn cây ăn trái. Nhiều địa phương phải công bố tình huống khẩn cấp để triển khai các biện pháp ứng phó.

Liên tiếp sạt lở

Từ giữa tháng 5-2024 đến nay, trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) xảy ra gần 20 vụ sụt lún, sạt lở đất, làm hơn chục căn nhà hư hỏng, trôi xuống kênh, rạch, nhiều diện tích rau màu bị thiệt hại. Bà Trần Thị Hạnh, nhà trên đường 965 (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) lo lắng nói: “Cứ mưa là con đường bị lún, sau đó sạt lở. Nhiều hộ dân ngủ dậy đã thấy vết lở ăn sâu vào sát nhà”.

Ông Nguyễn Văn Tí, ngụ huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho hay, vườn nhà ông có hơn 2ha chuối xiêm đến thời điểm cắt bán. Những ngày qua, do tuyến đường giao thông qua đất bị sạt lở một phần, xe tải không vào được, thương lái ép giá không mua, ông phải dùng xe máy vận chuyển chuối ra lộ lớn để bán cho vựa, mất thêm nhiều chi phí.

Những ngày gần đây, mưa lớn khiến khu vực đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 5, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhà dân bị nứt tường, nền hạ bị nghiêng. 10 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng nặng phải di dời đến nơi an toàn; 29 hộ dân khác bị ảnh hưởng nhẹ đang sống trong cảnh thấp thỏm, chờ địa phương có kế hoạch tìm chỗ di dời.

Tại tỉnh Long An, tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây (khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cũng vừa bị sạt lở nghiêm trọng; nhiều đoạn khác bị rạn nứt, có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Đoạn đê bao bị sạt lở có chiều dài khoảng 460m, sụt lún khoảng 0,5m và lấn sâu vào nhà dân từ 5-10m… Chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.

Đẩy nhanh các dự án kè bảo vệ

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục khảo sát, đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ các đoạn sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các huyện, thành phố: Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Phú Quốc với tổng chiều dài 38,5km, kinh phí khoảng 1.626 tỷ đồng.

Tỉnh Tiền Giang cũng đang đẩy nhanh dự án kè chống sạt lở ở cù lao Tân Long, thuộc Dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL. Công trình có chiều dài khoảng 700m, với tổng mức đầu tư khoảng 62 tỷ đồng. Hiện, tiến độ dự án đã đạt 83% và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7 tới đây. UBND tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai các dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng kinh phí 1.020 tỷ đồng.

 Đường về trung tâm xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau bị sạt lở. Ảnh: TẤN THÁI

Đường về trung tâm xã Đông Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau bị sạt lở. Ảnh: TẤN THÁI

Trước tình hình sạt lở kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị các sở, ngành phối hợp với UBND TP Bạc Liêu, UBND thị xã Giá Rai chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra, hỗ trợ kịp thời các hộ bị thiệt hại; vận động các hộ dân khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cũng đã ký quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây. Theo đó, giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp UBND huyện Thủ Thừa rà soát, cập nhật vành đai sạt lở; phối hợp đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình sạt lở, khẩn trương ổn định đời sống của các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.

THÀNH NHƠN - NGỌC PHÚC - TẤN THÁI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sat-lo-tiep-tuc-xay-ra-o-nhieu-noi-post747995.html