Chồng Hàn Quốc đơn phương ly hôn vợ Việt Nam, cần thực hiện các thủ tục gì?

Chồng Hàn Quốc muốn ly hôn vợ Việt Nam cần tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Bạn tôi là người Hàn Quốc muốn ly hôn với vợ là người Việt Nam, nhưng không thể biết được chính xác địa chỉ để Tòa án tống đạt hồ sơ. Do đó, bạn tôi không thể ly hôn được.

Nay bạn tôi muốn hồi hương và mang theo con chung về nước nhưng không thể làm thủ tục xuất cảnh cho đứa bé. Luật sư tư vấn giúp, giờ bạn tôi phải làm sao?

Luật sư NGUYỄN MINH TRÍ (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời:

Tình huống người chồng Hàn quốc muốn ly hôn, mang theo con chung về Hàn Quốc khi không biết chính xác địa chỉ của người vợ thì khá phức tạp vì liên quan đến ly hôn, quyền nuôi con và thủ tục xuất cảnh. Dưới đây là phương án mà người chồng Hàn Quốc cần thực hiện theo trình tự sau đây:

1. Thực hiện thông báo tìm kiếm người vợ mất liên lạc

Người chồng Hàn Quốc này nên thông báo tìm kiếm người vợ trên các phương tiện truyền thông (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet…) để tuân thủ quy định về việc tìm kiếm người mất liên lạc trước khi thực hiện thủ tục ly hôn. Điều này sẽ giúp ông tránh các rắc rối pháp lý về sau.

2. Về thủ tục ly hôn (ly hôn đơn phương)

Nếu sau khi thông báo tìm kiếm vợ mà vẫn không biết địa chỉ, ông ấy có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích, thực hiện thủ tục niêm yết theo quy định pháp luật Việt Nam.

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, trong trường hợp một bên không biết địa chỉ của bên kia, có thể tiến hành thủ tục ly hôn vắng mặt. Ông ấy cần nộp đơn ly hôn tại Tòa án nơi người vợ cư trú trước khi mất liên lạc. Tòa án sẽ tống đạt thông báo bằng cách niêm yết công khai tại nơi cư trú cuối cùng của vợ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiến hành phiên tòa xét xử vắng mặt.

3. Về quyền nuôi con

Bạn của bạn cần chứng minh rằng ông là người trực tiếp chăm sóc con và đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho bé (nếu chưa có quyết định của Tòa án về quyền nuôi con, ông không thể tự ý đưa con ra nước ngoài, ngược lại, nếu có quyết định của Tòa thì ông có thể xin cấp hộ chiếu cho bé và làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh).

Người này có thể chứng minh bằng cách:

Thứ nhất, thực hiện thủ tục tạm trú, tạm vắng cho đứa trẻ tại Việt Nam

Nếu đứa trẻ đang tạm trú tại Việt Nam, ông cần đăng ký với cơ quan công an địa phương về việc tạm trú, tạm vắng trước khi xuất cảnh. Điều này giúp ông cập nhật thông tin quản lý dân cư, quá trình sinh sống cùng ông và tránh rắc rối pháp lý về sau.

Thứ hai, mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho đứa trẻ

Đăng ký mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho đứa trẻ trước khi xuất cảnh. Nếu đứa trẻ đã tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, ông cần kiểm tra, cập nhật thông tin và làm thủ tục tất toán bảo hiểm trước khi xuất cảnh theo quy định của Cơ quan bảo hiểm.

Thứ ba, chứng minh đảm bảo tài chính và quyền lợi của đứa trẻ tại Hàn Quốc

Người này cần chứng minh rằng khả năng tài chính của ông đáp ứng đầy đủ việc nuôi dưỡng và chăm sóc đứa trẻ khi đứa trẻ sinh sống tại Hàn Quốc như: học phí, chi phí y tế, và các khoản chi phí khác nếu có. Đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi về giáo dục và chăm sóc sức khỏe tại Hàn Quốc cũng như đảm bảo mọi quyền lợi pháp lý của đứa trẻ sẽ được tuân thủ theo đúng quy định của cả hai nước.

Thứ tư, thông báo với các cơ quan giáo dục và y tế tại Việt Nam

Nếu đứa trẻ đang học tại Việt Nam, ông cần thông báo với trường học về việc chuyển trường và xuất cảnh. Đồng thời, ông cần làm thủ tục xin rút hồ sơ học tập và các giấy tờ liên quan khác.

Nếu đứa trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế, ông cần thông báo với bệnh viện hoặc phòng khám về việc chuyển điều trị ra nước ngoài. Đảm bảo rằng hồ sơ y tế của đứa trẻ được cập nhật và chuyển giao đầy đủ.

Thứ năm, hợp tác với cơ quan ngoại giao

- Liên hệ với Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam để được hỗ trợ và hướng dẫn thêm về các thủ tục liên quan đến việc xuất cảnh cho đứa trẻ. Họ có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý về các quy định nhập cảnh, y tế, giáo dục tại Hàn Quốc.

- Liên hệ với Cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam (Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại địa phương) trong trường hợp vẫn chưa rõ về thủ tục để được hướng dẫn chi tiết, chính xác hơn về thủ tục xuất cảnh cho đứa trẻ.

Thứ sáu, chứng nhận và công chứng giấy tờ

Tất cả giấy tờ cần thiết phải được dịch, công chứng, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Điều này giúp tránh rắc rối khi làm thủ tục tại cơ quan chức năng cả ở Việt Nam và Hàn Quốc.

 Luật sư Nguyễn Minh Trí thực hiện tư vấn cho bạn đọc tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÍNH

Luật sư Nguyễn Minh Trí thực hiện tư vấn cho bạn đọc tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÍNH

4. Thực hiện thủ tục để con được xuất cảnh

Để làm thủ tục xuất cảnh cho con, người cha Hàn Quốc cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh và quyền trẻ em, ông cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền nuôi dưỡng đứa trẻ sau khi ly hôn, bao gồm bản án ly hôn, giấy khai sinh của đứa trẻ, hộ chiếu của đứa trẻ….

Chuẩn bị hồ sơ xuất cảnh:

- Giấy khai sinh của đứa trẻ: Bản sao có chứng thực giấy khai sinh.

- Hộ chiếu của đứa trẻ: Nếu đứa trẻ chưa có hộ chiếu, ông cần nộp đơn xin cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
- Giấy tờ chứng minh quyền nuôi dưỡng: Bản án ly hôn và các quyết định của tòa án liên quan đến quyền trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ.
- Đơn xin xuất cảnh: Đơn xin phép xuất cảnh cho đứa trẻ, trong đó nêu rõ lý do và các thông tin cần thiết, đơn này phải được xác nhận bởi cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền.

- Kiểm tra và xác nhận giấy tờ liên quan: Trước khi nộp hồ sơ, ông cần kiểm tra kỹ lưỡng các giấy tờ để đảm bảo thông tin chính xác và hợp lệ. Các giấy tờ nên được dịch và công chứng (nếu cần) để tránh việc hồ sơ bị từ chối do thiếu thông tin hoặc sai sót.

Nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh:

- Ông nộp hồ sơ xuất cảnh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của Công an thành phố Hồ Chí Minh hoặc nơi cư trú của ông tại Việt Nam.

- Kiểm tra và xác nhận hồ sơ: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh sẽ kiểm tra và xác nhận các giấy tờ trong hồ sơ. Nếu cần thiết, họ sẽ yêu cầu bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ.

Làm thủ tục cấp hộ chiếu (nếu chưa có):

- Điền đơn xin cấp hộ chiếu cho đứa trẻ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

- Nộp kèm các giấy tờ liên quan như giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh quyền nuôi dưỡng và hộ chiếu của ông.

- Nộp lệ phí cấp hộ chiếu theo quy định.

Nhận hộ chiếu và giấy phép xuất cảnh:

Sau khi hồ sơ được duyệt, ông sẽ nhận được hộ chiếu và giấy phép xuất cảnh cho đứa bé. Hãy kiểm tra kỹ các thông tin trên hộ chiếu và giấy phép để đảm bảo tính chính xác.

Làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu:

- Khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay hoặc cửa khẩu, ông cần xuất trình hộ chiếu và giấy phép xuất cảnh của đứa trẻ cho các nhân viên kiểm tra xuất nhập cảnh.

- Các nhân viên sẽ kiểm tra và xác nhận thông tin trước khi cho phép đứa trẻ xuất cảnh.

Lưu ý:

- Trường hợp cần thiết, ông có thể yêu cầu Đại sứ (Lãnh sự) quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ về mặt pháp lý và làm thủ tục bảo hộ công dân.

- Đồng thời, ông cần xem xét kỹ hơn về tình trạng hôn nhân và quyền nuôi con để có hướng giải quyết phù hợp, hoặc ông có thể nhờ Luật sư trực tiếp làm việc với Tòa án Việt Nam.

CHÍNH NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chong-han-quoc-don-phuong-ly-hon-vo-viet-nam-can-thuc-hien-cac-thu-tuc-gi-post836773.html