Chống hạn vụ Xuân: Tìm giải pháp căn cơ lâu dài
Nhờ được bổ sung nguồn nước từ mưa lớn nên công tác chống hạn vụ Xuân 2021 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã hoàn thành theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để việc lấy nước gieo cấy vụ Xuân trong những năm tiếp theo ít bị phụ thuộc vào các hồ thủy điện.
Tổng lượng xả cao nhất trong 3 năm
Vụ Xuân 2021, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tổ chức gieo cấy 522.49ha lúa. Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường phát điện trước 3 đợt lấy nước từ 2 - 3 ngày để dâng mực nước hạ du sông Hồng. Ghi nhận thực tế cho thấy, tổng lượng xả trong 3 đợt của các hồ thủy điện là 5,14 tỷ m3. Dù vậy, so với các năm gần đây, tổng lượng xả cao hơn 2,46 tỷ m3 so với năm 2020; cao hơn 0,72 tỷ m3 so với năm 2019. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đợt 1 và đợt 2 đã được thực hiện theo đúng kế hoạch. Sau khi kết thúc đợt 2 lấy nước, từ ngày 8 - 10/2/2021, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có mưa, với tổng lượng cả đợt phổ biến từ 35 - 55mm. Các địa phương cũng tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước nên diện tích đủ nước tăng đáng kể. Nhờ đó sau 3 đợt chống hạn, hầu hết diện tích gieo cấy vụ Xuân trong khu vực đã được cấp đủ nước.
Sớm giải bài toán công trình thủy lợi
Hai năm gần nhất, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đều hoàn thành lấy nước theo đúng kế hoạch. Dù vậy điều này lại đến từ yếu tố tự nhiên; khu vực được bổ sung nguồn nước từ trời mưa. Xét tổng thể, công tác lấy nước vụ Xuân vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn xả từ các hồ thủy điện.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, công tác lấy nước vụ Xuân hiện còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng đang diễn biến phức tạp khiến nguồn nước không thuận lợi, ảnh hưởng đến hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.
Thực tế, trong toàn bộ 8 ngày lấy nước đợt 2, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã vận hành hết công suất phát điện, nhưng thời gian mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội cao hơn 2m chỉ đạt 21,9%. Mực nước sông thấp dẫn đến các công trình thủy lợi chưa được sửa chữa, nâng cấp không đủ khả năng hoạt động.
Trước thực tế này, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình để hạn chế việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn. Các địa phương tổ chức rà soát, ưu tiên bố trí nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình lấy nước chủ động không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Riêng đối với Hà Nội, cần triển khai khẩn cấp xây dựng trạm bơm dã chiến Liên Mạc, nâng cấp các trạm bơm dã chiến Phù Sa và Bá Giang.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, TP đang xem xét cải tạo, nâng cấp một số công trình lấy nước. Đồng thời, rà soát và có kế hoạch đầu tư các công trình thủy lợi để lấy nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Bộ TN&MT cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi quy định về vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng trong thời kỳ xả nước gia tăng theo hướng linh hoạt hơn để phù hợp với thực tế mực nước hạ du hệ thống sông bị hạ thấp, không bảo đảm dâng đạt mức +2,2m tại Trạm Thủy văn Hà Nội như quy định hiện hành.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chong-han-vu-xuan-tim-giai-phap-can-co-lau-dai-412172.html