Chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa phản ánh đúng thực tế

Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và các cục hải quan địa phương triển khai các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ từ nay đến cuối năm 2024.

Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lan tràn trên thị trường. Ảnh: Đỗ Doãn.

Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lan tràn trên thị trường. Ảnh: Đỗ Doãn.

Kỹ thuật hỗ trợ nhận diện hàng giả đang là thách thức không nhỏ

So với cùng kỳ năm 2023, công tác chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ đầu năm 2024 đến nay từng bước được kiểm soát, song tại một số địa phương chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên được chỉ ra là một số đơn vị hải quan địa phương chưa thực sự quan tâm dẫn đến chỉ đạo về chống buôn lậu hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan):

Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan):

Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng tiêu dùng; hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, sắt thép, phế liệu... Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website thương mại điện tử.

Kỹ năng cũng như phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ nhận diện hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ... đang là thách thức không nhỏ đối với công chức hải quan thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc bắt cập.

Một phần khác là việc phối hợp trong chống buôn lậu hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa hiệu quả và thực chất.

Công tác báo cáo theo quy định đối với các vụ việc liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại một số đơn vị hải quan địa phương vẫn chưa chính xác, đầy đủ, phần nào làm ảnh hưởng đến công tác đánh giá, dự báo.

Nắm chắc tình hình địa bàn

Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong những tháng cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan vừa phát đi chỉ đạo, yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu và các cục hải quan địa phương tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung về kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nửa đầu năm 2024.

Triển khai bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn tại địa bàn, trong đó tập trung vào lĩnh vực, địa bàn, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu trọng điểm như: kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu, quá cảnh, vận chuyển độc lâp... để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu; hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh theo các tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm.

Huy động tổng lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: TL.

Huy động tổng lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: TL.

Đồng thời, tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: quần áo, giày dép túi xách... giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định, linh kiện điện tử, đồ gia dụng; phụ tùng ô tô, xe máy, gỗ và các sản phẩm gỗ... để gia công, sản xuất xuất khẩu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, hình thành đường dây, ổ nhóm phức tạp, gây bức xúc để dư luận quan tâm.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, chỉ đạo công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn trọng điểm như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh...

Các cục hải quan địa phương chỉ đạo các chi cục, đội Kiểm soát hải quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu trong công tác tiếp nhận thông tin, trao đổi nghiệp vụ và xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chủ trì kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực trên, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục của pháp luật, không để kéo dài hoặc đùn đẩy, né tránh.

Tổng cục Hải quan cũng chấn chỉnh việc báo cáo để đảm bảo số liệu thống kê chính xác, kịp thời theo quy định; cập nhật những phương thức, thủ đoạn mới về buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm về sở hữu trí tuệ để phục vụ công tác dự báo, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan./.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chong-hang-gia-hang-xam-pham-so-huu-tri-tue-chua-phan-anh-dung-thuc-te-159555.html