Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, phòng chống ma túy và buôn lậu
Chiều 28/6, tại điểm cầu thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); phân giới cắm mốc; phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Đoàn công tác Chính phủ biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn vùng đã đóng góp rất lớn cho đất nước về an ninh lương thực và cho xuất khẩu nông sản. Cuộc sống của mỗi người dân tại từng địa phương đều tốt hơn. Tuy nhiên, toàn vùng còn khó khăn do đầu tư hạn chế, nhất là về hạ tầng giao thông. Đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động nặng nhất và đầu tiên của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Đối với việc gỡ thẻ vàng IUU, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương tăng cường phối hợp thực hiện với mục tiêu lớn nhất từ nay đến tháng 10/2023 không để tàu nào bị bắt ở nước ngoài do đánh bắt trái phép. Các địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất đội ngũ tàu đánh bắt hải sản, không cho tàu đánh bắt ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý một số vụ việc về vi phạm đánh bắt hải sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực, cố gắng sửa Nghị định 42/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản) xong trong tháng 7/2023.
Đặc biệt, các địa phương cần phải thực hiện 2 nhiệm vụ lâu dài theo sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là cần phải chuyển đổi nghề cho ngư dân và làm gia tăng nguồn lợi thủy sản bằng việc đẩy mạnh chăn nuôi, tái tạo nguồn lợi hải sản.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự quan tâm đến công tác phân giới cắm mốc. Về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết những tồn tại hiện nay gồm các vấn đề: phân bón giả gây bức xúc cho nông dân, buôn lậu qua biên giới và buôn lậu xăng dầu bằng đường biển.
Đối với vấn đề ma túy và công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng bày tỏ quan ngại về số bệnh nhân HIV/AIDS ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 30%).
Về công tác phòng, chống ma túy, hiện số người nghiện ma túy đang còn chênh lệch rất nhiều so với những con số báo cáo, đồng thời việc điều trị bằng thuốc Methadone chỉ có hiệu lực đối với người nghiện heroin, trong khi ngoài thị trường có đến 80% người nghiện dùng ma túy tổng hợp. Việc dùng thuốc Methadone chỉ phục vụ cho 20% số người nghiện. Do đó, Bộ Y tế cần tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế, cập nhật nhanh và giải quyết vấn đề này. Mặt khác, Bộ Y tế cần sửa đổi các quy định, thông tư theo hướng tạo thuận lợi cho việc điều chuyển có thời hạn một số nhân viên y tế về các trung tâm cai nghiện công tác để họ được hưởng phụ cấp, có cơ hội lên chức, tiếp tục đào tạo.
Phó Thủ tướng lưu ý ưu tiên cho Cần Thơ xây dựng cơ sở cai nghiện ngay trên địa bàn, bởi đây là trung tâm của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện điều trị bằng thuốc Methadone. Mặt khác, thành phố Cần Thơ cần lo đất và chuẩn bị bộ hồ sơ để khi có kinh phí sẽ triển khai thực hiện. Đối với các tỉnh lân cận, cũng cần chuẩn bị một khu đất ít nhất khoảng 10 ha nằm cạnh các trung tâm cai nghiện để hướng dẫn các em lao động sản xuất và làm kinh tế nông nghiệp…
Trước đó, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu cũng đã có buổi khảo sát tình hình điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ; Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ đặt tại thành phố Ngã Bảy và Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.