Chống khai thác IUU: Kinh nghiệm từ 5 tỉnh có tàu cá Bình Thuận lưu trú

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU vừa phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có chuyến công tác đến các tỉnh có tàu cá của tỉnh Bình Thuận đang lưu trú, hoạt động để gặp gỡ trực tiếp chủ tàu/thuyền trưởng/lao động nhằm tuyên truyền, vận động phòng, chống khai thác IUU, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đồng thời làm việc với cơ quan chức năng các tỉnh đề nghị tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra tàu cá Bình Thuận hoạt động, lưu trú tại các tỉnh.

Các tỉnh vẫn còn những khó khăn

2 đoàn công tác của Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Bình Thuận đã đến làm việc với 5 tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang. 5 tỉnh này đều là những địa phương có ký kết quy chế phối hợp với Bình Thuận, do đó công tác phối hợp trao đổi thông tin theo Quy chế phối hợp cũng như theo Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý tàu cá của các tỉnh hoạt động ngoài tỉnh đều được các tỉnh quan tâm thực hiện khá nghiêm túc. Lực lượng chức năng các tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát ngư dân Bình Thuận ra, vào cảng (cũng như tàu cá các tỉnh khác); đã xử lý nhiều tàu cá Bình Thuận không đủ điều kiện hành nghề, vi phạm quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Việc thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều tồn tại, bất cập (ảnh: N. Lân)

Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh này cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc về chống khai thác IUU, khắc phục khuyến nghị của EC. Tỷ lệ tàu cá đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS còn thấp, chưa hoàn thành theo quy định (100%). Việc mua, bán tàu cá không khai báo, không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan thẩm quyền, nhất là bán ra ngoài tỉnh vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát tàu cá. Tình trạng tàu cá bị mất kết nối VMS trên biển không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra. Quy định pháp luật để xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều vướng mắc; chưa có quy định cụ thể về sử dụng dữ liệu VMS để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính, làm giảm hiệu quả của hệ thống giám sát tàu cá trong quản lý, giám sát tàu cá hoạt động trên biển...

Về công tác phối hợp của các tỉnh trong việc quản lý tàu cá Bình Thuận đang hoạt động tại các tỉnh cũng mang tính tương đối. Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chỉ có tàu cá Bình Thuận vào cập cảng hoặc qua các Trạm Kiểm soát Biên phòng thì các cơ quan chức năng sở tại mới biết, kiểm tra, giám sát. Đối với tàu cá không cập cảng (bán sản phẩm và nhận dịch vụ qua tàu hậu cần) hoặc trốn tránh các Trạm Kiểm soát Biên phòng (nhiều cửa sông, cửa lạch không có Trạm Biên phòng), thì các cơ quan chức năng không thể nắm bắt và phối hợp kiểm tra, giám sát được. Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ, cần quan tâm nhất trong quản lý tàu cá Bình Thuận hoạt động tại các tỉnh bạn vì không thể biết tàu cá thực tế đang ở tỉnh nào, nếu tàu cá không lắp hoặc cố tình ngắt kết nối thiết bị VMS; nhất là nhóm tàu câu, lặn, thu mua thường xuyên hoạt động tại các tỉnh phía Nam.

Tình trạng tàu cá bị mất kết nối VMS trên biển không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra (ảnh: N. Lân)

Học tập kinh nghiệm từ các tỉnh

Do đó, để quản lý nhóm tàu này, Sở NN&PTNT đã tiến hành rà soát, thống kê, phân loại cụ thể, đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết và cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá Bình Thuận lưu trú, hoạt động khai thác ở các tỉnh phía Nam. Trên cơ sở danh sách rà soát, thống kê, có kế hoạch phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống khai thác IUU, buộc ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Thực hiện giám sát đặc biệt trên hệ thống giám sát tàu cá đối với tàu cá (có lắp VMS) hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa tỉnh với các tỉnh bạn, các lực lượng chức năng trên biển (cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư) để quản lý, kiểm soát tàu cá, ngư dân của tỉnh, đặc biệt là tàu cá hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh. Kiên quyết không cho xuất bến, xử lý nghiêm đối với chủ tàu, thuyền trưởng không chấp hành đầy đủ các quy định khi đi hoạt động trên biển.

Tăng cường công tác phối hợp để quản lý, kiểm soát tàu cá, ngư dân của tỉnh và tàu tỉnh bạn (ảnh: N. Lân)

Sau chuyến công tác, Bình Thuận nhận thấy tại các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, các lực lượng chức năng có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm IUU (riêng Bến Tre, 100% số vụ vi phạm bị xử lý, xử phạt). Một số tỉnh có chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình. Bên cạnh đó, đoàn công tác còn đề xuất nghiên cứu, học tập Cà Mau về ứng dụng số hóa trong quản lý đội tàu, nghĩa là ứng dụng bảng dữ liệu Excel online trên nền tảng Google Sheets để số hóa dữ liệu tàu cá phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát tàu cá của tỉnh. Phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá để đảm bảo khi tàu cá ra, vào cửa biển phải có sự kiểm soát của cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm Kiểm soát Biên phòng.

Qua khảo sát thực tế tại các tỉnh phía Nam, các tỉnh cho rằng những nội dung chính của Quy chế 208 về phối hợp trong quản lý tàu cá vẫn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, quá trình thực hiện gần 5 năm qua, hình thức trao đổi giữa các tỉnh chủ yếu là định kỳ thống kê, báo cáo; nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc chung chưa được trao đổi, thống nhất để giải quyết một cách đồng bộ, triệt để. Trước những yêu cầu quyết liệt trong công tác phối hợp phòng, chống khai thác IUU, các tỉnh đề nghị Bình Thuận (năm 2023, Bình Thuận là Nhóm trưởng theo luân phiên) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả, ưu, nhược điểm, rút kinh nghiệm công tác phối hợp giữa các tỉnh, qua đó bàn giải pháp tăng cường quản lý tàu cá qua lại hoạt động giữa các tỉnh, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chong-khai-thac-iuu-kinh-nghiem-tu-5-tinh-co-tau-ca-binh-thuan-luu-tru-110970.html