Chống khai thác khoáng sản trái phép: Quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, công an địa phương
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép lâu nay đã và đang ảnh hưởng môi trường sinh thái nghiêm trọng. Vấn nạn này không chỉ âm ỉ nhiều nơi trong tỉnh, mà còn bùng phát nóng lên ở khu vực huyện, thị phía nam tỉnh những tháng đầu năm nay, khiến người dân bức xúc. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trên đang nỗ lực lập lại trật tự lĩnh vực này…
Chống khai thác khoáng sản trái
Bài 1: Từ “đại công trường”…
Từ miền biển…
Từ phía ngoài quốc lộ 55 theo con đường liên thôn đi vào khu dân cư thôn 2, khu sản xuất trồng keo lá tràm xã Sơn Mỹ khoảng chừng 7 km, chúng tôi đã bắt gặp một khu vực rộng lớn đã bị khai thác đất, cát trái phép lâu nay để lại hố hầm chằng chịt. “Lòng chảo” này nằm giáp ranh giữa 2 xã Sơn Mỹ và Tân Xuân, huyện Hàm Tân, hiện rõ đất cát ngổn ngang bị cày xới bừa bãi đã ăn dần vào chân núi Đất, những dấu tích hoang tàn trước và mới đây thôi nhìn qua thật khủng khiếp. Có mặt trong buổi kiểm tra ở “điểm nóng” này, ông Phan Văn Đăng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bức xúc nói: “Cảnh hoang phế rộng lớn này như một đại công trường dùng máy móc khai thác đất cát lâu dài rồi, không thể nói không biết, chính quyền 2 địa phương giáp ranh chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả!”. Hiện trường để lại những hố hầm nham nhở, sâu không dưới 1m, loang lổ cả một khu vực rộng lớn mà những cánh rừng keo lá tràm đang lên xanh gần đó không thể nào che phủ được…
Cùng đứng quan sát cảnh tượng này, ông Trác Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân báo cáo nhanh với Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Khu vực bị khai thác cát trái phép này thuộc giáp ranh 2 xã, diện tích lên đến 4,3 ha, phần xã Tân Xuân chiếm 2,6 ha, xã Sơn Mỹ 1,7 ha. Ở đây thời điểm phát sinh khai thác đất cát trái phép từ năm 2018, 2019 thuộc địa bàn xã Sơn Mỹ rồi tạm lắng; sau đó lại tiếp tục diễn ra nóng bỏng ở địa bàn Tân Xuân giáp ranh vào những tháng đầu năm nay”… “Hiện trạng đã bị tác động có độ sâu từ 1 - 5 m trên diện tích rộng lớn, ước trên 120.000 m3 đất cát đã bị lấy đi trong những năm qua”, một cán bộ Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) nhận định. Cả một khu vực rộng lớn cạnh núi Đất giờ tan hoang, khô khốc giữa nắng trưa; vào mùa mưa lớn không giữ được nước nguồn tràn về gây nên xói lở nặng nề tuyến đường đất đỏ cấp phối liên xã Sơn Mỹ - Tân Xuân. Còn đoạn đường cát vào “lòng chảo” này nhão nhoẹt từ lâu; không ít đường giao thông nông thôn đất đỏ ở Sơn Mỹ cũng thường bị hư hỏng vào mùa mưa…
Đến miền núi, lòng hồ
Ngược lên 2 huyện miền núi Tánh Linh, Đức Linh, nơi có không ít vụ việc khai thác, vận chuyển đất cát trái phép ở trên bờ, dưới suối, hồ lâu nay. Chúng tôi đã có mặt ở một điểm giáp ranh của xã Gia Huynh (Tánh Linh) với xã Đông Hà (Đức Linh) và xã Xuân Thành (Xuân Lộc, Đồng Nai), các đoạn đường giao thông đất đỏ dẫn vào đây xuống cấp nặng nề từ lâu, bởi xe chở cát cày nát. Khu vực bị khai thác không lớn lắm đã bị đào những lớp đất bồi nền bên trên, để loang lổ cát bên dưới. Băng qua rừng cao su vào bên trong một đoạn, chúng tôi chứng kiến cảnh khai thác cát ở con suối Gia Huỳnh (ranh giới với huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) càng tồi tệ hơn. Các dãy đất lớn nằm ven suối cạnh rừng cao su là di chứng đãi cát dưới lòng suối để lại chưa lâu; lòng suối Gia Huỳnh cũng trở nên lở loét, nước đục ngầu, bởi các lớp cát trắng dưới lòng đã bị đãi lấy đi vô tội vạ, đất hai bên bờ sạt lở nhiều đoạn, nước suối càng trở nên hung dữ trước những trận mưa lớn. Người dân địa phương cho hay, một thời gian dài, khối lượng đất, cát trên bờ, dưới suối, các đối tượng ở Đồng Nai vận chuyển ban đêm bằng các loại xe tải lớn, nhỏ chạy giữa vườn cao su ra đường giao thông đất đỏ về hướng xã Đông Hà (Đức Linh) theo đường tỉnh ĐT.766 sang huyện Xuân Lộc, Đồng Nai tập kết mấy bãi cát bên ấy. Dấu vết còn lại các con đường dã chiến nhão nhoẹt dưới tán cây xanh ngát trong cánh rừng cao su, cách suối Gia Huỳnh không xa, dẫn về hướng Đức Linh…
Cũng ở trên địa bàn 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh, điểm nóng khai thác cát hồ Biển Lạc giáp ranh 2 địa phương này nhiều năm nay vẫn còn dai dẳng. Gần xế trưa, chúng tôi từ hướng huyện Đức Linh theo đường tỉnh ĐT.720 đến gần khu vực sản xuất gạch ngói xã Vũ Hòa, rẽ ra bờ hồ đã thấy ngay đống cát khối lượng lớn còn mới, tập kết ở đó chưa lâu. Phía dưới bờ hồ gần đó một chiếc tàu hành nghề hút cát đang nằm neo đậu, không thấy bóng người ở trên. Lác đác ven hồ vẫn còn những đống cát cũ sót lại, dân đãi cát chưa kịp chở đi… Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN & MT cho hay: “Trước đó, năm 2019 tại lòng hồ Biển Lạc có đến 42 ghe tàu hút cát hoạt động trái phép. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 3 trường hợp khai thác cát lậu ở lòng hồ này, gồm ông Bùi Ngọc Khang, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Biển Lạc, Công ty TNHH Sản xuất VLXD Gia Thịnh. Tiếp đó năm 2020, Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường, Công an tỉnh cũng đã kiểm tra, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý hành vi trên 2 ông Trần Trọng Sỹ, Phạm Ngọc Khương. Cùng đó, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh đã nhiều lần mời các chủ tàu hút cát viết cam kết không khai thác cát dưới lòng hồ; tuy nhiên hiện vẫn còn 10 tàu lén lút hoạt động ở khu vực lòng hồ rộng lớn này, đưa cát về các bãi tập kết thuộc địa bàn xã Vũ Hòa, Đức Linh”.
Trước đó, ở khu vực hẻo lánh gần núi Nhọn thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, các đối tượng khai thác cát trái phép thời gian dài, san bằng cả một vùng đất rộng rộng khoảng 5 sào, để lại hố hầm nham nhở. Con đường đất ở đây dẫn ra quốc lộ 1A cũng bị băm nát. Công an Hàm Thuận Nam, Tổ khoáng sản xã Tân Lập tăng cường kiểm tra ban đêm, xử phạt, tạm lắng khai thác cát khu vực nóng bỏng này...
Theo ông Đỗ Văn Thái - Phó Giám đốc Sở TN & MT, 6 tháng đầu năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở TN & MT chủ trì phối hợp Phòng Cảnh sát bảo vệ môi trường, cùng với các huyện kiểm tra, xử lý hơn 200 vụ khai thác, vận chuyển đất cát trái phép, xử phạt vi phạm hành chính, nộp tiền tương ứng tang vật vi phạm 4 tỷ đồng. Nổi rõ, UBND tỉnh chỉ đạo chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh tiến hành điều tra 2 vụ/2 đối tượng (ở Tân Lập, Hàm Thuận Nam; Sơn Mỹ, Hàm Tân) về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự. Nhiều vụ việc vi phạm trên đều hiện diện ở các huyện, thị: La Gi 45 vụ, Đức Linh 38 vụ, Tuy Phong 30 vụ, Hàm Tân 10 vụ, Tánh Linh 5 vụ, Hàm Thuận Nam 6 vụ, Bắc Bình 4 vụ, Hàm Thuận Bắc 4 vụ… Các con số này cho thấy tình trạng khai thác đất cát vẫn còn diễn ra nhiều nơi, chưa kể các vụ không bắt quả tang được!
Thụy Khanh