Chống ngập cục bộ trong mùa mưa bão

TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa mưa năm 2024. Những ngày qua, nhiều trận mưa lớn, kéo dài khiến cho nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập úng cục bộ.

Tại TP Thủ Đức, nhiều điểm trong hệ thống thoát nước bị quá tải làm cho nhiều hố ga bung nắp, nước trào lên khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Nhiều khu vực như đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)... tình trạng ngập cục bộ do mưa lớn thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân là do lượng mưa lớn đã vượt công suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước.

Bên cạnh đó, không ít người dân tùy tiện xả rác xuống hệ thống thoát nước làm cản trở, tắc nghẽn dòng chảy. Mặt khác, các điểm ngập thường là vùng trũng do quá trình đô thị hóa. Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp quyết liệt cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để chống ngập.

 Chiến sĩ dân quân trực cảnh báo điểm ngập nguy hiểm tại khu vực chợ Thủ Đức, TP Thủ Đức.

Chiến sĩ dân quân trực cảnh báo điểm ngập nguy hiểm tại khu vực chợ Thủ Đức, TP Thủ Đức.

Đại tá Trần Văn Quyết, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Thủ Đức cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi chủ động phối hợp với các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, không xả rác xuống đường và các kênh, rạch; đồng thời tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ nhân dân nạo vét, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thoát nước tại từng khu phố, gia đình. Đơn vị tổ chức lực lượng ứng trực tại những vị trí xung yếu để cảnh báo, hỗ trợ người dân khi xảy ra mưa lớn; đồng thời phối hợp tham mưu xây dựng khu vực cần sơ tán, di dời dân cũng như hỗ trợ cơ sở kinh tế nâng cấp, gia cố kho tàng, công trình xuống cấp, công trình ngầm khi có tình huống ngập sâu; góp phần bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Chủ động chống ngập, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, trồng hàng trăm nghìn cây xanh, bảo tồn những khu rừng để tăng cường không gian, môi trường thấm, thoát, trữ nước. Các đơn vị chức năng tăng cường liên kết, hợp tác khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ việc xóa, giảm ngập gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công trình thoát nước, công trình chống ngập.

Đặc biệt, thành phố ưu tiên tập trung rà soát, triển khai các dự án, công trình cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét, chỉnh trang, khơi thông các tuyến kênh, rạch tiêu thoát, trữ nước, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa bàn với nhau theo nguyên lý của dòng chảy, nhất là tại khu vực đô thị, khu dân cư mới; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; thực hiện tốt quy chế, giải pháp liên kết với các địa phương phía Nam về chống ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều chương trình hành động, công trình cụ thể. Nổi bật là đầu tư, cải tạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, công trình giảm ngập, như dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và triển khai 10 dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập với tổng kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng, như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức)...

Bài và ảnh: PHÚC NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chong-ngap-cuc-bo-trong-mua-mua-bao-793237