Chống oan sai đặt lên hàng đầu

'Chống oan sai là vấn đề chúng tôi đặt lên hàng đầu, nên 10 năm trở lại đây hầu như không để xảy ra vụ nào, rất tiếc là có 2 vụ nhưng là do lỗi vô ý...', ông Lê Trung Thành – Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh nêu tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp về kết quả công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh gần đây.

Chống oan sai đặt lên hàng đầu

Nhận trách nhiệm

Kể từ sau vụ án oan Huỳnh Văn Nén, trên địa bàn tỉnh có 4 vụ phải bồi thường nhà nước. Trong đó, có vụ án oan Nguyễn Huy Hòa ở Hàm Thuận Nam, bị can trong vụ án “Cố ý gây thương tích” và vụ bà Huỳnh Thị Tú Anh, bị can trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, vụ ông Nguyễn Huy Hòa đã được Viện KSND Hàm Thuận Nam bồi thường vào đầu năm qua. Với vụ bà Huỳnh Thị Tú Anh, sau khi không chấp nhận quyết định giải quyết bồi thường của Viện KSND TP. Phan Thiết, bà tiếp tục gửi đơn kiện đến Tòa án nhân dân TP.Phan Thiết, rồi lên phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh. Tháng 8/2019, tòa đã đưa ra xét xử vụ án dân sự “yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị khởi tố, truy tố, bắt giam oan, sai”, tuyên buộc Viện KSND thành phố bồi thường cho bà Anh với số tiền hơn 1 tỷ đồng vào năm 2019.

Ông Lê Trung Thành – Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh nói về nỗ lực chống oan sai tại buổi làm việc

Ông Lê Trung Thành – Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh nói về nỗ lực chống oan sai tại buổi làm việc

Đây là những vụ việc, các cơ quan tố tụng cảm thấy rất lấy làm tiếc vì đã nỗ lực làm việc để tránh oan sai nhưng vẫn xảy ra. Cả 2 vụ đều do lỗi vô ý của người tiến hành tố tụng. Ông Thành đại diện Công an tỉnh thẳng thắn nhận trách nhiệm và nhấn mạnh, dù 2 viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố đứng ra bồi thường nhà nước, nhưng Công an huyện Hàm Thuận Nam và Công an TP. Phan Thiết cũng phải nhận trách nhiệm liên quan đến hoạt động điều tra. Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc các đồng chí liên quan đến vụ việc.

Kiên quyết chống oan sai

Từ vụ oan sai Huỳnh Văn Nén, đến những vụ oan sai trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp phân tích nhìn nhận, rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn lực lượng cảnh sát điều tra. Kiên quyết phòng ngừa không để xảy ra oan sai thêm nữa, vì nếu để xảy ra sẽ tiếp tục làm mất lòng tin nhân dân. Theo đó, những lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ liên quan trực tiếp đến vụ việc mà chủ quan, không làm hết trách nhiệm sẽ bị kiểm điểm hoặc bị các hình thức xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, cơ quan chủ động phối hợp ban hành nhiều quy chế như quy chế giải quyết các vụ án hình sự với ngành viện kiểm sát và tòa án; quy chế hoạt động giữa đoàn luật sư với 3 ngành tố tụng cấp tỉnh...

Ông Thành cho biết: “3 ngành tố tụng đã quyết tâm cao trong phòng ngừa oan sai, nên 10 năm trở lại đây việc để xảy ra các vụ án oan sai là rất ít, nếu có do ngoài ý muốn vì áp lực các vụ việc ngày càng lớn. Đội ngũ làm công tác điều tra xử lý tội phạm còn thiếu, chất lượng chưa cao, hàng năm toàn ngành phải thụ lý gần 2.000 vụ. Tuy vậy, không vì thế mà để án oan tiếp tục xảy ra, chúng tôi luôn đề cao trách nhiệm này lên hàng đầu, hướng tới không để xảy ra oan sai”.

Sự quyết tâm của không chỉ ngành công an mà còn các ngành tòa án, viện kiểm sát là tất yếu, khi nhiều bộ luật có liên quan đến hoạt động của ngành đã sửa đổi, quy định rõ ràng trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Trình độ dân trí ngày càng cao, khi người ta cảm thấy bị oan là họ có quyền khiếu nại. Vì thế đòi hỏi những người làm trong ngành phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, nếu không tự hại chính mình.

Ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Bộ Tư pháp dẫn đầu đoàn công tác, đề nghị ngành công an thận trọng và dự báo tốt tình hình vì ngành công an, 1 trong 3 ngành tố tụng có nhiều rủi ro cao dẫn đến nguy cơ oan sai phải bồi thường nhà nước.

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/chong-oan-sai-dat-len-hang-dau-134054.html