Chống rác thải nhựa: Còn nhiều việc phải làm
Sau hơn 1 năm thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa (túi ny-lông, hộp nhựa, hộp xốp dùng một lần) trên phạm vi toàn quốc vào ngày 9-6-2019, Đồng Nai đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay để từng bước hạn chế dần rác thải nhựa. Tuy nhiên, để tiến đến năm 2025 cả nước không sử dụng rác thải nhựa như lời kêu gọi của Thủ tướng thì Đồng Nai vẫn còn nhiều việc phải làm.
Là một trong những tỉnh thuộc tốp 5 tỉnh, thành có dân số đông nhất cả nước, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày trên địa bàn tỉnh rất lớn. Thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, cụ thể, ý nghĩa nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa, tiến dần tới loại bỏ loại rác thải độc hại này ra khỏi đời sống.
* Nhiều cách làm hay, ý nghĩa
Một trong những nơi thường “cấp phát” lượng lớn túi ny-lông như các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích bước đầu cũng đã có nhiều nỗ lực thay đổi thói quen sử dụng túi ny-lông của khách hàng bằng những cách làm cụ thể, thiết thực hơn.
Điển hình như các hệ thống siêu thị BigC, Lotte tại Đồng Nai thường xuyên cung cấp các loại túi được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường cho khách hàng. Hay như MM Mega Market Biên Hòa, khách mua hàng không được cung cấp túi ny-lông đựng hàng. Phía siêu thị yêu cầu khách hàng phải mang theo túi đựng hoặc mua loại giỏ sử dụng được nhiều lần... Việc này nhằm khuyến cáo người mua hàng hạn chế sử dụng túi ny-lông.
Theo thông tin từ Sở TN-MT, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh thải ra khoảng 1,8 ngàn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng 60-90 tấn chất thải nhựa, túi ny-lông. Tỷ lệ chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức trên 40%, còn lại được thu gom, tái chế. Như vậy, tính ra mỗi ngày vẫn còn vài chục tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường hoặc xử lý bằng cách chôn lấp.
Tại Co.opmart Biên Hòa đã khuyến khích khách hàng mang theo túi đựng hàng, sử dụng lá chuối để gói rau. Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing của siêu thị này cho biết, chi phí của việc tìm kiếm nguồn cung cấp, xử lý lá chuối trước khi gói rau cao hơn khá nhiều so với sử dụng túi ny-lông, nhưng siêu thị vẫn nỗ lực thực hiện và không tăng giá đối với mặt hàng thực phẩm được gói bằng lá chuối. Sắp tới Co.opmart Biên Hòa sẽ đưa ra loại túi giấy để dùng đựng các sản phẩm may mặc hay mặt hàng khô.
Một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, cửa hàng trà sữa, quán cà phê cũng đã chuyển dần sử dụng hộp, ly, ống hút làm bằng nhựa sang các chất liệu khác như: giấy, tre, trúc, bột gạo... Cụ thể như hệ thống trà sữa Houjicha từ 3 năm nay đã chuyển hướng sang sử dụng ống hút tre thay ống hút nhựa; khuyến khích người uống mang theo ly thủy tinh, sứ hoặc sử dụng bình riêng để được giảm giá 10%. Hoặc hệ thống Z! Cafe cũng đã triển khai kế hoạch giảm bớt rác thải nhựa là đổi ly nhựa sang ly giấy, ly thủy tinh, ống hút nhựa sang ống hút giấy...
Để hạn chế rác thải nhựa, thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương tại Đồng Nai cũng đã nhân rộng thực hiện mô hình Đổi rác lấy quà nhằm khuyến khích người dân phân loại rác thải nhựa tại nguồn, góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Một trong những địa phương đi đầu và duy trì đều đặn cách làm này là H.Cẩm Mỹ.
Theo Phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ, đơn vị chủ trì triển khai mô hình này, để nhận được sự hưởng ứng của người dân, hằng tháng phòng đều phối hợp với các địa phương thông báo ngày, giờ tổ chức thu gom rác thải nhựa cho người dân biết; đồng thời tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa với môi trường; khuyến khích người dân thu gom rác thải nhựa tại nguồn. Nhờ vậy có rất đông người hưởng ứng chương trình này. Qua đó góp phần giảm khoảng 30% lượng rác thải nhựa trên địa bàn phải thu gom hằng tháng. Những loại rác thải nhựa thu gom được từ chương trình, đơn vị chuyển cho các cơ sở tái chế.
Ngoài ra, hoạt động hạn chế rác thải nhựa cũng đang được rất nhiều cơ quan nhà nước trong tỉnh hưởng ứng bằng việc sử dụng ly, tách bằng sứ hoặc bình thủy tinh để thay chai nước nhựa như ở: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Đài PT-TH Đồng Nai...
* Còn nhiều khó khăn
Theo nhận định của cơ quan chức năng, mặc dù Đồng Nai có nhiều cố gắng trong hạn chế rác thải nhựa nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi hoàn toàn thói quen sử dụng túi ny-lông, hộp nhựa của người dân cũng như cơ sở, sản xuất, kinh doanh. Rác thải nhựa vẫn còn nhiều trong môi trường. Một trong những nguyên nhân chính là sự tiện dụng của túi ny-lông, hộp nhựa khiến người tiêu dùng “không dễ” để từ bỏ thói quen này.
Bà Trần Thị Hương (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay tại các chợ, việc sử dụng túi ny-lông để đựng thực phẩm vẫn còn khá phổ biến. Mỗi ngày đi chợ về, bà phải vứt bỏ cả chục túi ny-lông. Dù có mua giỏ và hộp để đựng thực phẩm khi đi chợ nhưng mỗi khi đi làm về lại tranh thủ ghé chợ mua thức ăn nên đành phải đựng trong túi ny-lông cho tiện việc xách, treo móc trên xe.
Tại nhiều chuỗi cửa hàng trà sữa, quán cà phê việc sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa vẫn còn tràn lan. Đây chính là nguồn phát sinh rác thải nhựa rất lớn của TP.Biên Hòa. Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai được biết, một quán trà sữa trung bình bán được từ 300-500 ly/ngày. Những quán có thương hiệu nổi tiếng bán cả ngàn ly/ngày. Ngần ấy ly trà sữa được bán ra, đồng nghĩa cũng ngần ấy ly, nắp, muỗng, ống hút nhựa bị thải ra môi trường.
Giải thích về việc sử dụng ly nhựa, chủ một tiệm trà sữa lớn trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa) cho biết, lượng khách đến quán mỗi ngày rất lớn, nhất là những ngày lễ, Tết, cuối tuần. Nếu sử dụng ly thủy tinh hay gốm sứ thì phải sắm cả ngàn chiếc và phải tốn phí thuê người rửa ly, xếp ly. Chi phí để mua sắm ly thủy tinh, sành sứ hay ống hút tre, ống hút giấy cao hơn rất nhiều so với loại bằng nhựa, trong khi các tiệm trà sữa ngoài chất lượng còn phải cạnh tranh về giá cả. Đây cũng là “rào cản” lớn để loại hình kinh doanh đang rất thịnh hành này còn chưa mạnh dạn thay đổi thói quen dùng đồ nhựa.
Trong khi đó, công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vẫn còn nhiều khó khăn. Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh (Sở TN-MT), diện tích đất chôn lấp rác đang rất khan hiếm, vị trí dành cho các khu xử lý rác thải cũng khó khăn; nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để đầu tư các thiết bị phân loại, xử lý rác thải nhựa. Ngay cả việc phân loại rác thải tại nguồn, đề án đã được triển khai thí điểm từ năm 2008, sau hơn 10 năm thực hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả, giờ phải tái khởi động.
Nhiều năm làm công việc thu gom rác ở TP.Biên Hòa, ông Lê Văn Nô, công nhân vệ sinh Công ty CP Dịch vụ môi trường Sonadezi cho biết, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt thu gom hằng ngày vẫn là rác thải nhựa, trong đó rất nhiều túi ny-lông, ly, chai nhựa, hộp xốp...
“Trong lúc thu gom, chúng tôi cũng cố gắng nhặt các loại rác nhựa để bán ve chai, cũng là để giảm bớt lượng rác thải phải thu gom, xử lý, chôn lấp. Tuy nhiên, việc lựa, nhặt rất mất thời gian, nếu loại rác này được phân loại tại nguồn và đựng trong một túi riêng thì tốt biết mấy” - ông Nô nói.
Ngay cả đối với việc tái chế rác thải nhựa cũng đang gặp nhiều khó khăn. Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ môi trường Sonadezi Quách Ngọc Bửu cho biết, mỗi ngày Khu xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) tiếp nhận khoảng 800 tấn rác thải để xử lý, trong đó có khoảng 4-6% là rác thải nhựa (tương đương từ 35-40 tấn). Trong khi đó, mới chỉ có 50% lượng rác nhựa có thể tái chế, còn lại không tái chế được. Như vậy đồng nghĩa với việc có từ 17-20 tấn rác thải nhựa phải chôn lấp hoặc đốt mỗi ngày. Bà Bửu cho rằng, dù có nhiều nỗ lực để xử lý phần rác nhựa và túi ny-lông không tái chế được để giảm lượng rác chôn lấp, nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.