Chống rác thải nhựa: Không chỉ vận động, cần có chế tài
Tuần qua, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai đồng loạt phát động phong trào 'Chống rác thải nhựa' ở địa phương mình. Tại các buổi phát động, ngoài việc tuyên truyền về thực trạng cũng như hậu quả của 'ô nhiễm trắng', chính quyền các địa phương còn phát đi thông điệp: Hãy chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam xanh!
Trước đó, ngày 9-6-2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP. Hà Nội và Trung ương Đoàn tổ chức lễ ra quân toàn quốc phong trào “Chống rác thải nhựa”. Mục tiêu đặt ra đối với cả nước là đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi ni lông khó phân hủy dùng tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.
Kể từ khi được phát động trong phạm vi toàn quốc, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, phong trào đã lan tỏa rộng khắp trong các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp. Tại các cuộc họp, thay vì sử dụng chai nước nhựa dùng 1 lần, các cơ quan, đơn vị đã bắt đầu sử dụng chất liệu sứ hoặc thủy tinh. Các hội, đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ đã tích cực tuyên truyền hội viên sử dụng giỏ đi chợ thay cho túi ni lông sử dụng 1 lần. Một số siêu thị sử dụng bì giấy thay túi ni lông và có chương trình khuyến mãi đối với khách hàng sử dụng túi đựng thân thiện với môi trường…
Tuy phong trào “Chống rác thải nhựa” đã bắt đầu lan tỏa trong đời sống xã hội nhưng có cảm giác nó vẫn mới chỉ đang ở mức tuyên truyền, vận động, khơi gợi ý thức tự giác của mọi người là chính. Hiện nay, tại các trung tâm thương mại, chợ, hàng quán, việc sử dụng túi ni lông để chứa hàng hóa, thực phẩm vẫn phổ biến. Vào cửa hàng mua một cuốn sách, cô nhân viên vẫn không quên cho vào túi ni lông trước khi đưa cho khách. Nếu ra chợ mua thực phẩm cho một bữa cơm kiểu gì cũng được kèm theo 5-7 túi ni lông…
Hiện nay, trên thị trường, phần lớn bao bì hàng hóa đều được sản xuất bằng chất liệu ni lông hoặc nhựa khó phân hủy sử dụng 1 lần. Thực tế ấy cho thấy, vấn đề “ô nhiễm trắng” không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng mà thuộc về thói quen của nhà sản xuất hoặc phát sinh trong khâu lưu thông. Vì vậy, bên cạnh việc vận động chị em phụ nữ xách làn đi chợ thì bắt buộc phải có quy định cụ thể về danh mục bao bì hàng hóa. Theo đó, ngành chức năng nên ban hành danh mục những loại hàng hóa nào được phép sử dụng bao bì bằng ni lông hoặc nhựa khó phân hủy sử dụng 1 lần. Đối với những loại hàng hóa không có trong danh mục cho phép thì buộc phải sử dụng các loại vật liệu khác thân thiện với môi trường. Muốn làm được điều đó thì cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ khi nào có “cây gậy” pháp luật với đầy đủ chế tài trong tay thì lực lượng bảo vệ pháp luật về môi trường mới có cơ sở xử lý vi phạm và công cuộc “chống rác thải nhựa” mới đi vào thực chất.
Một trong những giải pháp cũng có tính căn cơ, lâu dài đó là xem bao bì bằng ni lông hoặc nhựa khó phân hủy sử dụng 1 lần là hàng hóa sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Nhà nước cần áp dụng cách tính thuế đặc biệt để hạn chế, tiến đến giảm thiểu loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường này.
Vận động mọi người chung tay hành động chống rác thải nhựa là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các cuộc vận động chỉ mang lại hiệu quả một phần. Trong khi đó, hậu quả do “ô nhiễm trắng” là hiện hữu và nhãn tiền. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, “ô nhiễm trắng” đã trở thành thảm họa đối với hành tinh chúng ta. Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã cam kết hưởng ứng phát động của Liên hợp quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Vì vậy, cùng với việc vận động, chúng ta cần có quy định pháp luật cụ thể để xử lý những hành vi vi phạm về vấn đề này.