Chồng rất yêu chiều vợ nhưng lại tỏ thái độ ra mặt với bố mẹ vợ, nhân việc 'túi hải sản' cô quyết 'trị chồng' triệt để chỉ bằng vài câu nói
Có lẽ sự nhẫn nhịn của mình đã lên đến đỉnh điểm, mình nhất quyết không thể im lặng thêm nữa nhưng không thể nói gay gắt được nên đành dùng 'tâm kế'.
Câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ của một người phụ nữ tên Dương chia sẻ trên mạng xã hội nhanh chóng khiến nhiều người chú ý và bàn tán.
“Mình và chồng kết hôn với nhau hơn 2 năm và có một cậu con trai kháu khỉnh. Chồng mình cũng chăm chỉ làm ăn không hay chơi bời tụ tập. Ngoài giờ làm thậm chí anh ấy còn về phụ mình trông con hoặc làm việc nhà. Nhà chồng mình cũng rất tạo điều kiện cho hai vợ chồng bằng cách cho ở riêng nên cuộc sống thực sự thoải mái. Tuy nhiên điều khiến mình suy nghĩ rất nhiều từ khi quen anh đó là anh không hề thích gia đình mình, anh còn nói rõ ràng rằng lấy mình vì thương mình ngày ấy có bầu chứ anh không thích bố mẹ vợ. Mà lí do cũng chỉ vì nhà mình khó khăn, bố mẹ không giúp gì cho mình về vật chất.
Mình cho rằng việc mình báo hiếu với bố mẹ là hoàn toàn không có gì sai nên trước khi cưới mình hay gửi tiền về cho gia đình, dù đó là tiền lương của mình nhưng anh cũng không hài lòng.
Anh ấy không hề tiếc gì với vợ con nhưng chỉ cần biết mình mang gì cho bố mẹ thì sẽ tỏ thái độ luôn, nhiều khi mình cảm thấy rất buồn vì gia đình mình không được tôn trọng. Bố mẹ mình biết vậy nên cũng biết ý tránh gặp anh. Khi mình sinh con dù nhà chỉ cách chưa đến 20km nhưng mẹ mình cũng ngại lên thăm cháu vì sợ chồng mình nhìn thấy sẽ không vui. Mình còn nhớ có lần mình và bố mẹ đang nói chuyện qua điện thoại thì chồng vào phòng đánh tiếng, mẹ mình nghe thấy cũng từ chối rồi tắt máy luôn.
Con nhỏ nên mình ở nhà bán hàng online vừa đỡ buồn, vừa kiếm thêm thu nhập dù kinh tế vợ chồng mình không thiếu thốn gì nhưng anh lại nghĩ rằng mình vất vả kiếm tiền là vì bố mẹ đẻ mình đòi hỏi.
Mình cũng hiểu rằng vì nhà chồng mình có điều kiện nên anh ấy chưa bao giờ phải lo cho gia đình, tình ích kỉ cũng từ đó mà ra hơn nữa lại so sánh giàu – nghèo giữa hai bên gia đình. Đỉnh điểm nhất là một lần sinh nhật em trai mình nên mình có đặt mua một ít hải sản gửi về nhà ngoại (em mình rất thích hải sản). Chỗ tiền đó chẳng đáng là bao nhưng khi vô tình thấy tin nhắn mình mua hàng và thanh toán, địa chỉ nhận là nhà bố mẹ mình thì anh nổi giận lôi đình.
Mình nhớ như in anh nói: 'Anh thà mời bạn bè, người ngoài gấp 2 -3 lần còn hơn gửi cái gì về nhà bố mẹ em. Em biết là anh không thích rồi cơ mà'. Hai vợ chồng mình to tiếng và đêm hôm ấy mình khóc rất nhiều vì tủi thân. Tất cả tình cảm bao năm qua từ ngày quen anh cũng không còn nguyên vẹn nữa.
Có lẽ sự nhẫn nhịn của mình đã lên đến đỉnh điểm, mình nhất quyết không thể im lặng thêm nữa nhưng không thể nói gay gắt được nên đành dùng “tâm kế”.
Trước tiên mình gửi con sang nhà ông bà nội trước để tạo không gian riêng cho hai vợ chồng. Vừa nghe thấy tiếng anh đi làm về mình lại nằm im trên giường ra vẻ mệt mỏi lắm, anh nấu ăn mang vào tận giường rồi dỗ dành mình. Anh xin lỗi vì hôm qua đã nặng lời với mình, sẵn cơ hội mình nói: 'Anh nói thương em nhưng anh sẵn sàng lớn tiếng chỉ vì vài chuyện không đáng. Em biết anh chê nhà em nghèo, bố mẹ không lo cho em được đầy đủ nên anh có cái nhìn thiếu thiện cảm.
Nhưng dù sao đấy cũng là gia đình của em, là người sinh ra vợ anh đấy. Người đặt gia đình sai chỗ thì tim cũng sẽ gửi ở bến đỗ sai người, em chưa bao giờ hối hận vì làm vợ của anh nhưng hôm qua thực sự anh làm em buồn lắm anh biết không. Anh không thay đổi thái độ với bố mẹ em thì hai đứa sẽ còn rất nhiều nữa những lần cãi vã, cả anh và em đều không vui.
Nếu không phải vì ngày bé em bị bệnh nặng bố mẹ phải bán nhà, bỏ việc để chạy chữa và chăm sóc cho em thì giờ cũng đâu phải gánh những khoản nợ nặng nề ấy'. Đây cũng là lần đầu tiên mình nói ra hết những suy nghĩ bao lâu nay, anh im lặng và ôm chầm lấy mình ân hận nói xin lỗi.
Cũng từ lần ấy anh bắt đầu tỏ ra thân thiện hơn, thường xuyên đưa mình sang nhà bố mẹ đẻ và chủ động hơn trong các mối quan hệ với nhà vợ”.
Theo dõi hết câu chuyện, ai cũng hiểu rằng bất cứ người bố người mẹ nào cũng đều thương yêu con mình và dùng tất cả những gì có được để bảo vệ con. Vậy thì nếu như người đàn ông nào thương mình thì hãy để anh ấy thương cả những nỗi vất vả mình đang gánh vác. Hãy sống với nhau có đủ vị tha, bao dung, có đủ kiên nhẫn, nhường nhịn để cùng nhau vun đắp tổ ấm. Bước vào cuộc sống gia đình, để có hạnh phúc bền lâu, tình yêu thôi chưa đủ. Ngoài chữ yêu, ta cần nhiều hơn một chữ thương. Bên chữ tình ta cần nhiều hơn một chữ nghĩa. Tình yêu là chiếm hữu, là ích kỷ, có thương nhau mới biết nhường nhịn nhau, mới biết chia sẻ và đồng cảm với nhau.