Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: 90% giao dịch đáng ngờ đi qua ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng với gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ.
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các giao dịch tài chính quốc tế ngày càng đa dạng... đã đặt ra nhiều thách thức cho từng quốc gia và hệ thống ngân hàng trong phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố", ông Nguyễn Văn Du - quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo "Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố" vừa qua.
Theo ông Nguyễn Văn Du, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền tài chính, kinh tế quốc gia nên phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm tất cả các biện pháp và hoạt động có thể được thực hiện để ngăn chặn tiền thu được một cách bất hợp pháp được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bất kể nguồn gốc nào. Do đó, công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng với mục tiêu hướng tới đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Tuân thủ quy trình nghiêm ngặt
Ông Thái Hòa Sơn, đại diện HSBC Việt Nam nhấn mạnh đến quy trình kiểm tra kiểm soát, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài việc thực hiện tốt mô hình ba tuyến phòng vệ, nhận diện và xử lý giao dịch đáng ngờ như nhiều ngân hàng đang áp dụng thì cần xây dựng quy trình đánh giá rủi ro và những biện pháp được áp dụng để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.
Báo cáo cho biết, khi tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố nhóm xây dựng báo cáo gặp khó khăn, vướng mắc vì thông tin, số liệu khó hoặc không thể thu thập được do tình hình quản lý ở Việt Nam, một số đơn vị, bộ, ngành thống kê số liệu theo các tiêu chí hoặc phương thức khác với các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia...
Do đó thiếu các số liệu liên quan đến những vi phạm hình sự của các tổ chức tài chính khác vì việc lưu trữ thông tin chủ yếu tập trung vào kết quả điều tra các vụ án thay vì phân chia vi phạm theo lĩnh vực.
Kết quả báo cáo cho thấy, sau khi xem xét xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, tiền và tài sản do phạm tội tạo ra và nguy cơ các lĩnh vực trong nền kinh tế bị lạm dụng vào rửa tiền, đã đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền mức trung bình.
Còn sau khi xem xét mức độ dễ tổn thương quốc gia và mức độ dễ tổn thương về rửa tiền của các ngành, lĩnh vực đã đưa ra kết luận mức độ dễ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao... Báo cáo đã căn cứ vào biểu đồ đánh giá rủi ro quốc gia, trên cơ sở đó đã đưa ra kết luận rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao.
Cụ thể, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam có nguy cơ rửa tiền cao; công ty kinh doanh kiều hối có nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình cao; lĩnh vực chứng khoán có nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình; lĩnh vực bảo hiểm ở mức trung bình thấp và các lĩnh vực khác như cầm đồ, luật sư, kim loại quý, kế toán... có nguy cơ rửa tiền thấp.
Những hoạt động thường rửa tiền qua ngân hàng
Ông Phạm Gia Bảo, Phó cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý trong nguy cơ rửa tiền là lĩnh vực ngân hàng với gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền.
Nhìn vào những vụ điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu của Cục Phòng chống rửa tiền có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, loại tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn và tội đánh bạc và trốn thuế.
Thông thường, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.
Liên quan đến tài trợ khủng bố, báo cáo đánh giá nguy cơ về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp và mức độ tổn thương về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp.
Đánh giá về các tội phạm nguồn trong nước, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền. Theo đó các tội như tham ô tài sản, ma túy tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền cao; các loại tội phạm như tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tội trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền trung bình cao...
Ngày 17/11/2009 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2009/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng Nhà nước, tín dụng cổ phần, tín dụng hợp tác, tín dụng liên doanh, tín dụng 100% vốn nước ngoài… thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam trong các giao dịch tiền tệ hay tài sản khác.
Theo đó, NHNN quy định các tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền với nội dung phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức rủi ro về rửa tiền trong các hoạt động.
Cụ thể như các chính sách chấp nhận khách hàng; Quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; Quy định về những giao dịch phải báo cáo; Quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; Quy định về lưu giữ và bảo mật thông tin; Quy định về sự hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền và trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Mỗi tổ chức báo cáo phải bố trí một thành viên là người phụ trách phòng, chống rửa tiền và đăng ký với Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng kèm các thông tin chi tiết như tên, địa chỉ trụ sở làm việc, số điện thoại, số fax, địa chỉ hòm thư điện tử (email) để liên lạc khi cần thiết và phải báo cáo kịp thời bằng văn bản cho tổ chức này khi thay đổi người phụ trách.
Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp, nội dung, biện pháp phải nhận biết khách hàng để bảo đảm sự hiểu biết đầy đủ về khách hàng trong suốt thời gian thiết lập mối quan hệ với khách hàng, từ đó tổ chức báo cáo tự phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền (cao, trung bình, thấp).
Các giao dịch tiền mặt thông thường có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên và giao dịch tiền gửi tiết kiệm có tổng giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên do một khách hàng là cá nhân thực hiện sẽ không phải báo cáo số dư trên tài khoản tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt để mua đồng Việt Nam bằng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt đồng Việt Nam để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp hoặc rút tiền mặt. Trường hợp khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản của người khác hoặc nộp tiền mặt để chuyển tiền (trường hợp khách hàng không có tài khoản), tổ chức báo cáo phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng hoặc các giấy tờ khác có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp, đáng tin cậy và lưu lại họ, tên, địa chỉ, số điện thoại … và bản sao các tài liệu này.
Tổ chức báo cáo phải rà soát, sàng lọc các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Ngoài các dấu hiệu giao dịch đáng ngờ được quy định, các Tổ chức báo cáo cần xem xét các giao dịch đáng ngờ như: số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan của khách hàng không thể kết nối được hoặc không có số máy này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch.
Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn với tổng giá trị một lần đổi từ 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) trở lên. Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi một cá nhân hay tổ chức liên quan đến hoạt động bất hợp pháp mà thông tin đại chúng đã đăng tải…
Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, tổ chức báo cáo phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo Mẫu số 04 đính kèm Thông tư này. Trong trường hợp cần thiết, Tổ chức báo cáo có thể báo cáo bằng các phương tiện fax hoặc qua điện thoại, nhưng ngay sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản….