Chống sách giả thế nào?
Mới đây, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách First News - Trí Việt cho biết công ty đã phát hiện trang bán hàng online của các công ty lớn đang góp phần tiêu thụ sách giả của First News - Trí Việt và của nhiều NXB khác.
Sách giả tràn lan
Công ty sách First News- Trí Việt là đơn vị xuất bản đầu tiên tại Việt Nam mua bản quyền xuất bản nước ngoài từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng ngay từ thời điểm đó First News - Trí Việt đã phải chiến đấu với nạn sách giả, phải cùng với cơ quan chức năng tham gia nhiều vụ phá án, bắt và tạm giữ nhiều vụ in giả sách của First News - Trí Việt. Theo ông Nguyễn Văn Phước, hiện nay sách giả đã lan rộng ra khắp cả nước với những trùm tổ chức in sách giả, số lượng in lên đến cả trăm ngàn bản. Chỉ tính riêng First News-Trí Việt với hơn 1.000 đầu sách đã kiểm tra có tới 686 cuốn bị in giả, trong đó có những cuốn bị in giả tới trên 5 lần như: Quẳng Gánh Lo Đi, trọn bộ Hạt Giống Tâm Hồn, trọn bộ Hành trình về Phương Đông 10 cuốn của Dịch giả Nguyên Phong, Dám Nghĩ Lớn, Đi tìm Lẽ Sống, Làm Điều Quan Trọng, Không Bao giờ là Thất bại, Bảy Thói quen cho Bạn Trẻ Thành đạt, Bí mật Tư duy Triệu phú, Nghĩ Giàu Làm Giàu - Cách Nghĩ để Thành công, Khác biệt hay là Chết, Khám phá Sức mạnh Phi thường trong Bạn... Đặc biệt bộ Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie phát hiện 16 phiên bản sách giả khác nhau…
Không chỉ First News-Trí Việt mà nhiều NXB khác cũng phải đối mặt với nạn sách giả. NXB Trẻ, đơn vị hàng đầu trong ngành phát hành sách tại Việt Nam từng kiện một NXB khác vì làm sách giả do NXB Trẻ đã mua bản quyền. Tuy nhiên sau hơn 1 năm đi kiện mà không giải quyết được vấn đề, NXB Trẻ đành chọn cách thương lượng với bên bị kiện, yêu cầu bên bị kiện chi trả toàn bộ chi phí luật sư cũng như đền bù 01 đồng xu coi như nhận lỗi.
NXB Giáo dục cũng nhiều lần phải lên tiếng vì sách giáo khoa bị in lậu, Nhà sách Phương Nam từng “lên bờ xuống ruộng” vì sách giả.
“Điều đáng buồn nhất là mấy lần First News-Trí Việt khởi kiện các đơn vị in sách giả, nhưng kết quả không được giải quyết cụ thể. Thậm chí có vụ chúng tôi còn bị tòa tuyên án thua cuộc, phải đóng án phí cho vụ in sách giả mà chúng tôi đã phát hiện và khởi kiện”- Ông Phước cho biết.
Cần xử nghiêm
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hiện nay dù các biện pháp chế tài với sách giả đã đủ nhưng dường như nạn in sách giả ngày càng phát triển. Thiệt hại của nạn sách giả dường như không dừng lại ở mức thiệt hại về kinh tế cho người làm sách chân chính, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xuất bản, uy tín của những người làm sách Việt Nam với thế giới. “Muốn khắc phục, muốn chấm dứt nạn sách giả, cách tốt nhất chúng ta phải đấu tranh bằng luật pháp. Bây giờ, phải phạt tiền thật nặng theo đúng luật, thậm chí phạt tù. Luật Hình sự đã cho phép các đơn vị làm sách khởi kiện và tố giác các đơn vị làm sách giả vào tù. Do vậy, chúng ta phải tìm đúng chỗ để đấu tranh đến cùng. Đó là nhà in, là nơi sản xuất sách giả”- Ông Lê Hoàng chỉ rõ.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, quy định về hoạt động Thương mại điện tử (TMĐT) nêu rõ trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ, sàn TMĐT phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng sai phạm. Về phía quản lý thị trường, cần phối hợp với ngành văn hóa, có biện pháp phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ in ấn sách lậu. “Tuy nhiên điều khó hiện nay là các gian bán hàng online thường có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện xử lý. Nếu xử lý gian hàng này, họ lại lập gian hàng khác mà các trang mạng không thể kiểm soát nổi”- Vị này cho biết thêm.
Ông Nguyễn Huy Toàn, nguyên Phó Giám đốc First News- Người tham gia nhiều vụ xử lý sách lậu cho rằng, hiện nay các quy định khá chồng chéo. Sách là hàng giả, thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương, quá trình in sách thuộc Bộ Văn hóa, nội dung sai phạm thuộc Bộ Công an. “Trong bối cảnh hiện nay văn hóa đang xuống cấp, sách là cứu cánh cho xã hội. Nhưng nạn sách giả đang là mối nguy hại lớn. Người mua sách giả nhiều coi như mặc nhiên chấp nhận sách lậu, nghĩa là chấp nhận thói ăn cắp tri thức, chấp nhận những cuốn sách sai lệch về nội dung, yếu kém về hình thức. Điều đó nguy hiểm hơn rất nhiều”, ông Toàn nói.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hiện nay dù các biện pháp chế tài với sách giả đã đủ nhưng dường như nạn in sách giả ngày càng phát triển. Thiệt hại của nạn sách giả dường như không dừng lại ở mức thiệt hại về kinh tế cho người làm sách chân chính, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành xuất bản, uy tín của những người làm sách Việt Nam với thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Phước: “Chất lượng sách lậu in rất xấu và có rất nhiều sai sót về nội dung cũng như hình thức. Nhiều bạn đọc khi mua phải sách giả đã gọi điện cho chúng tôi, chê trách chúng tôi làm sách ẩu, sách kém chất lượng. Nhưng họ không biết đó là sách giả. Chúng tôi không thể chịu được khi thấy bạn đọc thân yêu của mình tiếp tục bị lừa dối trắng trợn bởi các công ty làm giả, vô lương tâm như vậy”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chong-sach-gia-the-nao-1430917.tpo