Chống sạt lở khu vực cửa biển Thuận An

Việc nắm được tình hình sạt lở và bồi tụ tại khu vực cửa biển Thuận An là cơ sở để đề xuất các giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng mất đất ven biển, phục vụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, lâu dài.

 Các ngành chức năng kiểm tra sạt lở bờ biển thời gian qua

Các ngành chức năng kiểm tra sạt lở bờ biển thời gian qua

Nhiều biến động

Nghiên cứu mới đây về tình hình sạt lở và sử dụng đất tại khu vực cửa biển Thuận An (phường Thuận An, xã Hải Dương, TP. Huế và xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) của nhóm nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản do PGS.TS. Nguyễn Hữu Ngữ, Trưởng khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế làm trưởng nhóm cho thấy, bờ biển Thừa Thiên Huế có 33 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 30km. Trung bình cứ 4km lại có một đoạn bị sạt lở. Tốc độ sạt lở lấn sâu vào bờ trung bình khoảng 15m/năm.

Riêng tại cửa biển Thuận An trong giai đoạn từ năm 1994 - 2024, sau khoảng 30 năm, khu vực cửa biển Thuận An đã bị mất đi khoảng 16ha đất phía bờ xã Hải Dương. Bờ biển xâm thực vào khoảng 100 - 200m, tùy từng đoạn, với tốc độ trung bình khoảng 5m/năm.

Trong khi đó, những khu vực sát với cửa biển, từ bờ biển Phú Thuận đến Hải Dương đã có hiện tượng bồi tụ trở lại, sau giai đoạn sạt lở mạnh từ năm 1994 - 2018. Cụ thể, tốc độ lấn ra biển tại những đoạn bờ có công trình bảo vệ trong khoảng 5 năm qua dao động từ 5 - 10m/năm. Có đoạn bờ lấn ra biển xa nhất đạt khoảng 200m so với năm 1994. Tổng diện tích bồi tụ ở đoạn bờ biển xã Hải Dương là 36,4ha và ở bờ biển phường Thuận An là 32,5ha. Dù đã có sự bồi tụ, nhưng đối với rừng phòng hộ ở khu vực trên ngày càng mất đi. So với diện tích năm 2005, hiện nay, khu vực quanh cửa biển Thuận An đã mất 30,2ha rừng phòng hộ ven biển. Cụ thể, tại Thuận An mất 9,7ha, Hải Dương mất 6,6ha và Phú Thuận mất 13,9ha.

Từ những kết quả nghiên cứu trong 30 năm qua, nhóm nghiên cứu đã có những đánh giá toàn diện. Đặc điểm biến động của đường bờ biển từ Phú Thuận đến Hải Dương trong giai đoạn 2008 - 2014 khác với các giai đoạn 1994 – 2008 (giai đoạn trước) và 2014 – 2024 (giai đoạn sau). Trong khoảng 6 năm từ 2008 – 2014, giai đoạn này triển khai nhiều công trình đê kè phá sóng, chống sạt lở. Vì vậy, giai đoạn 2014 - 2024, sau khi hoàn thiện các công trình, đường bờ có xu hướng ổn định hơn so với những giai đoạn trước đó.

Theo nhóm nghiên cứu, qua nghiên cứu, cơ bản tìm thấy quy luật của sạt lở và bồi tụ của khu vực cửa biển Thuận An. Trong giai đoạn 1994 – 2008, diện tích bị sạt lở lớn hơn nhiều so với diện tích được bồi tụ. Sang giai đoạn 2008 – 2014, diện tích được bồi tụ nhiều vị trí và lớn hơn diện tích bị sạt lở. Trong giai đoạn 2014 – 2024, diện tích được bồi tụ dù vẫn lớn hơn so với diện tích bị sạt lở, song tỷ lệ đã ít hơn so với giai đoạn 2008 – 2014. Do đó, có thể dự đoán tương lai sạt lở tại khu vực này có nguy cơ tăng cao hơn so với bồi tụ. Hiện nay, cầu vượt cửa biển Thuận An đang dần hoàn thiện, mở ra cơ hội phát triển mới cho khu vực quanh cửa biển. Việc chống sạt lở tiếp tục là thách lớn đối với các địa phương.

Đề xuất nhiều giải pháp

GS. Hirai Yukihiro, Đại học Komazawa, Nhật Bản phân tích, nguyên nhân dẫn đến sạt lở tại khu vực cửa biển Thuận An là do kết cấu bờ biển có độ gắn kết kém, không chống đỡ được tác động của sóng và dòng chảy lớn. Dạng bờ thoáng, kết hợp với sự gia tăng bão, lũ làm tăng cường độ, áp lực sóng. Sự thiếu hụt bồi tích và nguồn bồi tích ở khu bờ do sự mất cân bằng bùn cát khi vận chuyển dòng bồi tích dọc bờ. Các công trình xây dựng thượng nguồn sông làm giảm lượng bùn cát vận chuyển về bồi đắp cửa biển. Sự thay đổi dòng chảy sóng do sự xuất hiện của các công trình chống sạt lở dẫn đến sạt lở cục bộ tại một số địa điểm…

Từ thực tế sạt lở và đánh giá các nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đề xuất hai nhóm giải pháp công trình và phi công trình để hạn chế sạt lở trong thời gian đến. Quan trọng là nhóm triển khai các công trình. Cần xây dựng đê chắn sóng từ ngoài bờ và song song với đường bờ dạng đê nhô hoặc đê ngầm. Tiếp tục xây dựng hệ thống đê mỏ hàn hình chữ T nhằm ngăn dòng bùn cát dọc bờ và giảm sóng. Đầu tư các công trình chống lũ chính vụ, lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ muộn nhằm ổn định tăng khả năng thoát lũ các cửa sông. Nâng cấp hệ thống đê bao ngăn mặn chống lũ đã có. Trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc để giảm tốc độ dòng chảy của lũ và chống xói mòn. Trồng rừng ngập mặn chống sóng, trồng rừng phòng hộ giữ cát ở phía ngoài bãi biển.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Ngữ, thời gian qua, những công trình chống sạt lở đã góp phần giảm mức độ sạt lở tại địa điểm đặt công trình; giúp tăng bồi đắp ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân chính gây sạt lở mạnh ở khu vực lân cận không có công trình; vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn về tác dụng của các công trình chống sạt lở; có những đầu tư để đưa ra giải pháp mang tính toàn diện hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở bờ biển về quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ và không theo định kỳ. Xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát sạt lở theo từng địa bàn cụ thể. Tất cả các thông tin về sạt lở phải được cập nhật thường xuyên, được phân tích, đánh giá tổng hợp để cảnh báo kịp thời. Chính quyền địa phương cũng cần thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết diện tích sạt lở, bồi tụ hàng năm tại địa phương để phục vụ tốt hơn việc nghiên cứu sạt lở; từ đó, đề ra các giải pháp phù hợp trong công tác quy hoạch sử dụng đất trong tương lai.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/chong-sat-lo-khu-vuc-cua-bien-thuan-an-143736.html