Chống tái mù chữ ở vùng cao

Cô giáo đứng trên bục giảng giơ bức tranh vẽ quả đu đủ hỏi đây là quả gì? Cả lớp đồng thanh 'lu tan'. Còn đây là cây rau gì - cô giơ tiếp bức tranh vẽ cây rau cải, đám trẻ lại cùng nói 'lua dua'... Cô giáo cười tươi: Các em nói đúng rồi, nhưng ở nhà thì có thể nói thế, đến trường học thì phải nói như trong sách Tiếng Việt các em đã học chứ. Nào, Vương Văn Tài nhớ lại cho cô và các bạn trong lớp? Cậu bé gãi đầu: 'chi pâu.., em quyên ròi! - (không biết..., em quên rồi)'. Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ phòng, chống dịch COVID-19 của cô và trò lớp 1, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ) bắt đầu như thế.

Thầy giáo Trần Văn Đức gửi bài tập về cho học sinh nghỉ học thông qua các bạn cùng khu dân cư.

Thầy giáo Trần Văn Đức gửi bài tập về cho học sinh nghỉ học thông qua các bạn cùng khu dân cư.

Ngược núi… tìm trò

Trước ngày trở lại trường học, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng đã phân công nhau ngược núi, đến từng cụm dân cư để thông báo trực tiếp cho phụ huynh và học sinh trở lại lớp học đúng thời gian quy định. Chúng tôi cùng cô Đinh Thị Thủy - Hiệu trưởng và thầy Trần Văn Đức lên điểm dân cư rừng Bằng (xóm Liên Phương) cách trường hơn 4km mới gặp được 3 học trò lớp 1, lớp 2 và lớp 4. Mệt vì quãng đường leo núi trơn trượt sau những trận mưa đầu Hè, nhưng ai nấy đều rất vui vì cô trò sau hơn 2 tháng mới gặp lại. Thầy Đức hỏi mãi một ông cụ già trong nhà về phụ huynh các em đi đâu và còn 3 học trò nữa cùng trú tại điểm rừng này đi đâu? nhưng chỉ nhận được câu trả lời “chi pâu” và nụ cười gượng gạo. Hỏi cô học trò lớp 4 tên Sinh thì được em cho biết: Bố mẹ đi lên rừng từ sáng, tối mới về, còn các bạn khác đi chăn bò, theo bố mẹ vào rừng... Sau khi giao bài tập ôn lại kiến thức cho từng em, các thầy, cô giáo không quên viết mấy nét chữ to lên giấy hẹn “Đúng 7 giờ 15 phút ngày 4/5/2020, học sinh có mặt tại trường đi học” và dặn từng em thông báo cho các bạn trong xóm biết.

Chúng tôi trở về trường khi mặt trời đã khuất dần sau núi, đúng lúc thầy Nguyễn Quang Phú, cô Lường Thị Kim Oanh cũng vừa “hạ sơn” từ bản Tèn trở về. Cô Oanh báo cáo nhanh: “Tôi đi từ sáng, thông tầm luôn. May trời không mưa nên đến được 3 xóm và gặp gần đủ 20 học trò củả lớp 1 tôi chủ nhiệm. Học trò lớp 1 nhớ cô, nhớ lớp nhưng... các em đã quên nhiều chữ lắm rồi. Gần 3 tháng không có bất cứ kênh thông tin nào để dạy và học trực tuyến được, điện thoại di động thì… theo phụ huynh lên rừng. Chúng tôi lo lắng nhất là học sinh lớp 1, vì các em mới làm quen với trường lớp được một học kỳ, tiếng Việt nhiều em chưa sõi, nên rất khó chuyển tải thông tin thời khóa biểu, kế hoạch học tập. Còn phụ huynh thì đa số đi làm ăn vài ngày mới về nhà, nên rất khó liên lạc”.

Đúng 8 giờ ngày 4-5, ngày đầu tiên trở lại lớp kể từ Tết Nguyên đán đến nay, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng mới vào tiết học. Cô Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng cho biết: “Đặc điểm ở vùng cao sương tan muộn, nên buổi sáng cũng bắt đầu muộn hơn so với vùng thấp - Nói vậy, nhưng giờ giấc vẫn đảm bảo theo quy định. Đấy là ngày thời tiết đẹp, chứ mùa Đông, ngày mưa thì nhiều học sinh đến muộn do nhà xa trường lớp, lại cách trở bởi núi rừng, sông suối... Vì vậy, thầy, cô cũng cố đợi trò đến lớp đông đủ mới dạy học. Ngày trở lại học sau kỳ nghỉ dài, cả 3 điểm trường vẫn vắng 30 em. Tan học, mỗi điểm trường còn hàng chục em ở lại đợi phụ huynh đón. Muộn, nên các thầy cô giáo nấu mì tôm, mua thêm trứng cho các em ăn và nghỉ tại lớp, đợi gia đình”.

Lại bắt đầu từ những chữ A, B

Khác với các trường miền xuôi, khi học sinh đến trường thầy, cô giáo thường sẽ giảng bài mới ngay, nhưng với học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số mới đến lớp học, việc đầu tiên là giáo viên phải theo dõi sát các hành vi, năng lực, sở thích của các em, phân loại rồi mới bắt đầu dạy chữ theo cách cho các em làm quen. Cô giáo Nguyễn Thị Mai có gần chục năm “cắm bản” chia sẻ: “Trong hoạt động chuyên môn, ban đầu, chúng tôi phải hạn chế nói. Vì học sinh lớp 1 vùng dân tộc thiểu số hầu như chưa nghe, chưa nói sõi tiếng Việt, nên giáo viên nói nhiều, sẽ trở thành… độc thoại. Phương pháp tốt nhất là để các em làm quen và phát huy năng lực ngôn ngữ tiếng Việt, tự trao đổi bằng tiếng Việt theo chủ đề”. Cô Mai phân vân: "Theo phân phối chương trình, học sinh mới qua học kỳ I, các em lớp 1 chưa đọc thông, viết thạo, chưa học xong phần vần và mới tập ghép vần. Khi nghỉ kéo dài, nhiều học sinh không có điều kiện học trực tuyến sẽ quay lại học a, b, c như ban đầu. Vì vậy, với giáo viên vùng cao, bên cạnh nhiệm vụ dạy học theo chương trình thì còn nhiệm vụ nữa là chống tái mù chữ".

Cô Đinh Thị Thủy - Hiệu trưởng cho biết thêm: Với hơn 300 học sinh thì 90% là người dân tộc thiểu số, trong đó hơn 60% là dân tộc Mông ở trên núi cao, hẻo lánh và có đến hơn 250 em thuộc diện hộ nghèo. Trong thời gian nghỉ học, trường thực hiện dạy trực tuyến, hướng dẫn học trên truyền hình, in bài và giao đến tận nhà cho học sinh. Nhưng chỉ có 20% là được học được, số còn lại gần như không tiếp cận với sách vở. Nhiều giáo viên khi giao bài đến cho học sinh tại bản, đã tranh thủ ôn lại kiến thức cho các em. Buổi học đầu tiên sau đợt nghỉ phòng chống dịch, qua kiểm tra nhanh, chỉ có 40% học sinh nhớ bài cũ. Học sinh lớp 1 tại điểm trường chính có 20 em thì 8 em gần như trở lại học a-b-c từ đầu. Trường tiến hành phân loại và chia nhóm lớp bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh các lớp để kịp chương trình. Phương pháp tổ chức dạy học là vậy, nhưng trước mắt là những khó khăn trong việc luyện phát âm, nghe, nói sõi tiếng Việt với học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, nhất là học sinh lớp 1. Thực tế các em trở về gia đình gần 3 tháng chỉ sử dụng tiếng dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày, chắc chắn phản xạ học đánh vần môn Tiếng Việt sẽ chậm lại.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/chong-tai-mu-chu-o-vung-cao-271028-100.html