Chống tái trồng cây thuốc phiện cần sự tham gia tích cực của người dân
ĐBP - Hiện nay, tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra tại địa bàn vùng sâu, khu vực giáp ranh tại một số huyện như: Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa... Từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và phá nhổ 1.479m2 và 196 cây thuốc phiện; nhiều nhất là huyện Nậm Pồ: 885m2; Mường Nhé: 308m2; Tuần Giáo: 250m2... Cơ quan chức năng đã tham mưu lập hồ sơ, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 5 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước 15,5 triệu đồng.
Người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo nộp phiếu tố giác tội phạm.
Ðiển hình là ngày 15/3, Công an huyện Nậm Pồ phối hợp với Ðồn Biên phòng Si Pha Phìn, Công an xã Phìn Hồ phá nhổ 485m2 cây thuốc phiện phát hiện trồng xen kẽ với rau cải trên 2 mảnh vườn của nhà ông Lý Dùng Péo và ông Giàng Lao Táo, đều trú tại bản Ðề Pua, xã Phìn Hồ. Qua điều tra, xác minh các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên nghe lời người ngoài trồng cây thuốc phiện để làm thuốc phục vụ gia đình. Công an huyện Nậm Pồ đã lập biên bản và đang hoàn thiện thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Ðại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Với vai trò là cơ quan nòng cốt, hàng năm Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, công văn thực hiện chương trình phòng, chống ma túy; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Ðồng thời, tăng cường phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây chứa chất ma túy trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xác định tuyên truyền là khâu then chốt, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới. Cùng với đó là chủ động huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực ngành quản lý hỗ trợ cho các xã, vùng trọng điểm có nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma túy; hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Năm 2020, Công an tỉnh đã phối hợp với Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Ðiện Biên Phủ đăng 880 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và ma túy; tổ chức tập huấn công tác nghiệp vụ phòng, chống ma túy cho 280 cán bộ công an xã, phường, thị trấn. Tại cơ sở, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy cho 180 người trên địa bàn xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên); tổ chức 58 buổi tuyên truyền tác hại của ma túy cho 822 lượt người tại các địa bàn phức tạp về ma túy; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh lựa chọn 35 vụ án điểm về ma túy đưa ra xét xử lưu động phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tội phạm ma túy và răn đe đối tượng có ý định phạm tội.
Tại địa bàn vùng cao hẻo lánh, vào đầu các niên vụ trồng cây thuốc phiện, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai lực lượng xuống cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Ðồng thời, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy và tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn. Ðặc biệt là phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn. Trong đó, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng và tái trồng cây thuốc phiện như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, tổ chức phá nhổ, tiêu hủy tang vật. Ngoài ra, lực lượng Công an từ tỉnh xuống cơ sở cũng tiến hành rà soát, thống kê số người nghiện ma túy, đối tượng tù tha để quản lý, theo dõi mọi hoạt động, ngăn chặn kịp thời không để các đối tượng gieo trồng cây thuốc phiện.
Do thói quen hút, sử dụng thuốc phiện để làm thuốc giảm đau, chữa bệnh nên một số người dân vùng cao vẫn lén lút trồng; đối tượng trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng; địa bàn tái trồng chủ yếu là các khu rừng già, khe núi, khu vực hẻo lánh ít người qua lại. Vì vậy, để phòng chống hiệu quả cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và người dân.