Chống táo bón cho trẻ: Đi tìm nguyên nhân

Tình trạng táo bón lâu ngày sẽ gây hại cho đường tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Trẻ táo bón lâu ngày sẽ gây hại tới sức khỏe. Ảnh minh họa: ITN

Trẻ táo bón lâu ngày sẽ gây hại tới sức khỏe. Ảnh minh họa: ITN

Trẻ em bị táo bón thường quấy khóc, biếng ăn, chậm lớn. Người lớn bị táo bón lâu ngày dễ phát triển bệnh trĩ, nứt hậu môn… Ở học sinh, nhiều thói quen không tốt dễ gây ra táo bón, trong đó có nhịn đi vệ sinh ở trường kéo dài.

Táo bón ở trẻ em

Theo chuyên gia, cần hiểu rõ về táo bón để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm.

Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật. Từ trước đến nay, có rất nhiều định nghĩa về táo bón khác nhau, nhưng thông thường ở người lớn, đó là việc không đi đại tiện quá 3 ngày. Ở trẻ em, một tuần không thể đi đại tiện 3 lần thì được coi là táo bón.

Những người dễ mắc táo bón là trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, nhóm người này cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hơn để giảm nguy cơ mắc bệnh. Các triệu chứng táo bón ở mỗi đối tượng, độ tuổi có thể khác nhau nhưng thường có các đặc điểm chung là đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, với trẻ, táo bón đặc biệt thường xảy ra vào 3 thời điểm là trẻ bắt đầu ăn dặm; trong suốt thời gian tập ngồi bô/bàn cầu; sau khi bắt đầu đi học.

Thời điểm trẻ bắt đầu chuyển dần từ sữa mẹ sang tập với thức ăn đặc được gọi là giai đoạn ăn dặm. Thông thường khi trẻ đủ 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu bước vào việc ăn dặm vì sữa mẹ không còn đủ dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển, trẻ cần kết hợp giữa bú mẹ, uống sữa công thức và ăn thực phẩm khác.

Trong khi đó, chế độ ăn dặm có nhiều thức ăn đặc, giàu chất béo, thiếu chất xơ, trẻ không được bổ sung nhiều nước trong giai đoạn này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ.

Đồng thời, thói quen đi đại tiện của trẻ bị thay đổi khi mẹ cho trẻ tập ngồi bô hoặc ngồi bồn cầu cũng khiến trẻ bị táo bón. Có những trẻ sẽ nhịn đi ngoài vì không muốn hoặc không quen ngồi bô khiến phân không được đẩy ra ngoài, dần tích tụ lại và trở nên cứng khô gây táo bón. Trẻ bị táo bón càng sợ đi ngoài hơn nên tình trạng táo bón kéo dài lâu hơn, nếu không khắc phục sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, thời điểm trẻ bắt đầu đi học, thay đổi từ môi trường học tập và chỗ đi vệ sinh cũng khiến trẻ dễ bị táo bón. Nhiều trẻ cho biết do nhà vệ sinh ở trường không sạch sẽ hoặc nhiều bạn bè xung quanh nên không tránh khỏi việc trẻ ngại ngùng, cố nhịn đại tiện ở trường để về nhà mới đi. Thói quen xấu này dẫn tới táo bón nặng nề hơn.

Theo bác sĩ Hằng, nhịn vệ sinh là một trong những vấn đề khá phổ biến ở trẻ, đặc biệt trẻ đang ở độ tuổi đến trường, tuy nhiên, vẫn còn có cha mẹ nghĩ táo bón có thể tự khỏi mà không cần điều trị hay can thiệp. Bởi chính sự chủ quan và thiếu các thông tin về tình trạng này có thể gây cho trẻ những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Ngoài việc tăng cường rau quả thì vận động giúp hệ tiêu hóa thúc đẩy hoạt động hạn chế táo bón. Ảnh minh họa: ITN

Ngoài việc tăng cường rau quả thì vận động giúp hệ tiêu hóa thúc đẩy hoạt động hạn chế táo bón. Ảnh minh họa: ITN

Biến chứng nguy hại từ táo bón

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng đưa ra thông tin về biến chứng của táo bón ở trẻ em. Tình trạng trĩ là biến chứng khá nghiêm trọng ở những trẻ đã bị táo bón lâu ngày. Nguyên nhân là do phân ứ đọng quá lâu trong trực tràng, dẫn đến việc cản trở sự lưu thông, tuần hoàn máu. Kết hợp với việc đi đại tiện rặn quá sức có thể khiến cho các tĩnh mạch tại hậu môn căng và hình thành các búi trĩ.

Nứt hậu môn: Với biểu hiện của sự tích tụ phân lâu ngày trong trực tràng, khi đó sẽ khiến cho phân tạo thành một khối khá rắn chắc và đặc ở trực tràng. Như vậy, khi trẻ đi đại tiện sẽ rất khó để đẩy và tống phân ra bên ngoài. Hầu hết, các trẻ đều cố gắng rặn để có thể đi được nhưng càng rặn mạnh thì càng dễ làm cho hậu môn của trẻ dễ bị nứt rách và đau rát.

Nhiễm nấm, vi khuẩn: Vị trí ở trực tràng, hậu môn thường tồn tại khá nhiều các loại vi khuẩn. Khi phân to và cứng làm tổn thương đến trực tràng, hậu môn và dễ tạo thành vết nứt rách khi đi đại tiện. Nếu trẻ không được vệ sinh sạch sẽ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vết nứt nhiễm trùng. Trong trường hợp không được phát hiện và xử trí kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến áp xe hậu môn. Quá trình điều trị sau đó khá phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ.

Tình trạng giãn đại tràng: Trẻ không được điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến táo bón có thể khiến giãn đại tràng, giảm cảm nhận của trực tràng và gây mất phản xạ muốn đi vệ sinh. Như vậy không chỉ làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng, mà còn khiến trẻ gặp thêm các bệnh lý khác.

Suy dinh dưỡng: Trẻ bị táo bón kéo dài hoặc thường xuyên tái phát sẽ có cảm giác bị đầy bụng, không thèm ăn, dẫn đến bỏ bữa. Về lâu dài, cơ thể trẻ sẽ không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, dẫn đến sụt cân, ảnh hưởng đến cả thể chất và trí tuệ. Hậu quả là trẻ có thể phát triển không đồng đều và kém thông minh so với các bạn cùng trang lứa.

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần: Một số chất độc có trong phân như phenol, indol… được tạo ra sau quá trình tiêu hóa sẽ bị phân hủy nhờ các vi khuẩn yếm khí. Tuy nhiên, khi tích tụ quá lâu trong ruột mà không được phân hủy, các chất này sẽ được hấp thu vào máu, lan rộng đến các cơ quan bộ phận trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng nhiễm độc mãn tính.

Hậu quả là gây những kích thích tác động xấu lên cơ quan thần kinh, tinh thần và trí não khiến trẻ thường xuyên khó chịu, bực bội, không nghe lời. Một số trường hợp nhiễm độc mãn tính làm da trẻ xanh xao hơn, da tím tái, móng tay nhợt nhạt…

Viêm ruột thừa: Tình trạng táo bón kéo dài sẽ làm cho ruột già suy yếu và bị giãn ra, dẫn đến nguy cơ thủng ruột. Một số trường hợp táo bón làm tăng áp lực bên trong ruột khiến trẻ có nguy cơ bị viêm ruột thừa.

“Khi trẻ bị táo bón cha mẹ cần xác định được nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phương thức điều trị phù hợp. Trong trường hợp táo bón kéo dài, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn… cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị phù hợp”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ táo bón để điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: ITN

Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ táo bón để điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: ITN

Điều chỉnh thói quen

Ngoài nguyên nhân mắc các bệnh lý về tiêu hóa, thì táo bón chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, ít vận động hoặc căng thẳng, stress quá mức. Theo đó, ngoài việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thì người bệnh nên duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Lan Phương (Khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, cần hạn chế ăn các thực phẩm không lành mạnh giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát.

Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần. Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress. Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện. Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày.

Ngoài ra, đối với trẻ uống sữa bột, việc ngừng hoặc đổi loại sữa trẻ đang uống hiện tại có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón. Tăng cường chất xơ bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, vận động thường xuyên.

Cũng theo bác sĩ Lê Lan Phương, đa số người bệnh táo bón có thể tự điều trị tại nhà, song nếu gặp phải các tình trạng sau bạn cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị như táo bón kèm theo co thắt và đau bụng dữ dội; táo bón kéo dài 2 tuần không khỏi mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp chữa trị khác nhau tại nhà; trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ quấy khóc nhiều, bỏ bú, sụt cân nhanh…

Cha mẹ cũng cần lưu ý để chia sẻ với con trong trường hợp trẻ nhịn vệ sinh ở trường. Đây là tình trạng không hiếm gặp hiện nay do vấn đề vệ sinh trường học. Nên hướng trẻ đi vệ sinh trong khung giờ nhất định ở nhà để tạo thành thói quen, và giải thích giúp con hiểu tác hại nếu nhịn tiểu.

Để giúp trẻ có thói quen đi cầu theo quy luật tự nhiên của cơ thể, bác sĩ Lan Phương khuyến cáo trước khi cho trẻ đến trường phụ huynh cần tập cho bé thói quen tự đi vệ sinh. Bởi khi đi nhà trẻ, bé thường có tâm lý lo lắng, sợ cô giáo, đây có thể là nguyên nhân trẻ không dám lên tiếng xin cô nên nhịn.

Do đó, phụ huynh và giáo viên cần chủ động làm công tác tư tưởng, khuyến khích trẻ tự tin thực hiện thói quen vệ sinh, giải thích cho trẻ biết rằng cô giáo sẵn sàng hỗ trợ và cho bé đi cầu như cha mẹ ở nhà.

Theo số liệu thống kê của Đại học Y Dược TPHCM, tại Việt Nam, cứ 3 người thì có 1 người mắc bệnh táo bón, 59% số bệnh nhân bị táo bón là do những nguyên nhân chủ quan trong ăn uống, sinh hoạt. Riêng những năm gần đây, tình trạng này gặp nhiều ở độ tuổi từ 25 - 35, đặc biệt là đối tượng dân văn phòng đang ngày càng tăng mạnh. Tình trạng táo bón thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn khi thay đổi chế độ ăn uống cũng như thói quen đi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu người bệnh thường xuyên bị táo bón hoặc bị táo bón kéo dài thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như đại tràng, suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể… và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chong-tao-bon-cho-tre-di-tim-nguyen-nhan-post654273.html