Chống tha hóa quyền lực
Quyền lực có xu hướng tha hóa. Nhìn lại các triều đại phong kiến Việt Nam, hầu hết lúc đầu được nhân dân ủng hộ, nhưng sau đó thì bị tha hóa bởi quyền lực rồi sụp đổ. Nhà Ngô, nhà Đinh, Tiền Lê mỗi triều đại chỉ tồn tại trong vòng 15 - 30 năm. Nhà Lý, nhà Trần cầm quyền trên dưới 200 năm mỗi triều đại; nhưng cuối cùng cũng bị tha hóa mà kết thúc.
Nhà Hậu Lê (Lê sơ) mặc dù lúc đầu được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, đứng lên làm khởi nghĩa Lam Sơn, thắng giặc Minh hung bạo, nhưng khi lên cầm quyền rồi lại tha hóa, giết các trung thần, tồn tại chưa được trăm năm. Nhà Tây Sơn chiến công oanh liệt, lẫy lừng, nhưng sau khi Quang Trung mất thì tha hóa, tham nhũng và sụp đổ, tồn tại chỉ có 24 năm…
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù phải lo trăm công nghìn việc, nhưng vẫn canh cánh nỗi bận tâm Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, dễ sa vào tha hóa. Nên chỉ 15 ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Người viết một bức thư gửi các đồng chí một tỉnh - cũng là gửi cán bộ đảng viên cả nước, nhắc “Đề phòng hủ hóa”. Trước khi đi xa, Người để lại Di chúc cũng vẫn niềm canh cánh ấy “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm cao độ để phòng chống tha hóa quyền lực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hơn 70 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý và 7 tổ chức Đảng bị xử lý kỷ luật. Đó là tổn thất đau xót, nhưng không thể không làm.
Để chống tha hóa quyền lực, Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái, ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, Kết luận về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Đại hội Đảng bộ các cấp đang đến gần. Mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần nhận diện rõ và phòng tránh bệnh này, giữ cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững niềm tin của nhân dân vào Đảng.