Chống thất thu hiệu quả từ truy vết giao dịch

Ngoài việc chủ động phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn nâng cao hiệu quả quản lý thuế lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là truy vết thông tin giao dịch qua mạng, qua tài khoản ngân hàng…, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực này.

Tập trung vào 6 nhóm đầu mối chính

Theo thống kê của cơ quan thuế, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 20.480 trang web có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), 572 trang web cung cấp trang TMĐT. Ngoài ra, thành phố cũng có 35,7% số doanh nghiệp (DN) đã xây dựng trang web độc lập với các tính năng đa dạng, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến.

Thực tế này cho thấy, hoạt động TMĐT đang phát triển nhanh trên phạm vi rộng, trở thành phương thức kinh doanh mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập liên quan đến chất lượng, xuất xứ hàng hóa và thất thu thuế. Đó là việc nhiều người bán hàng không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý nhà nước, không công khai hoặc công khai không chính xác tài khoản giao dịch và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn...

Hướng dẫn đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐỖ DOÃN

Cùng với đó, một số DN nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động kinh doanh cũng rất sôi động nhưng ngành Thuế không thu được thuế, vì hàng hóa giao dịch qua đường chuyển phát nhanh. Trước thực trạng này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã giao các cơ quan chức năng trên địa bàn như thuế, hải quan, quản lý thị trường, ngân hàng nhà nước, sở thông tin và truyền thông…, phối hợp chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT.

Triển khai chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh đã xác định 6 nhóm đối tượng đầu mối để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu ngân sách trong lĩnh vực TMĐT. Đó là nhóm các DN chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT; nhóm DN giao nhận, cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa đến tay người mua có nhận ủy quyền thu hộ tiền bán hàng (COD); nhóm các DN hoạt động trung gian thanh toán; công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam (MCN); các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua dịch vụ chuyển phát (cung cấp hàng hóa xuyên biên giới); tổ chức, cá nhân cư trú trong nước cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số) có phát sinh thu nhập từ Google, Apple, Youtube, Facebook, Netflix…

Chủ động phối hợp truy vết để gia tăng hiệu quả quản lý thuế

Chia sẻ về các biện pháp chống thất thu, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước hết cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tự giác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định. Riêng về các biện pháp truy vết thông tin giao dịch thông qua 6 nhóm đầu mối này, cơ quan thuế đã có các biện pháp đấu tranh, hoặc phối hợp truy vết thông tin.

Cụ thể, đối với nhóm DN là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, cơ quan thuế sẽ yêu cầu các sàn này phải có quy định các đối tượng tham gia thực hiện lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và thông tin cho cơ quan thuế các tổ chức, cá nhân không lập hóa đơn theo từng quý, đồng thời lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế các sàn này.

Đối với nhóm COD, cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ chế cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT có ủy quyền thu hộ tiền bán hàng cho cơ quan thuế quản lý. Thời hạn cung cấp là 6 tháng/lần. Đối với nhóm các DN hoạt động trung gian thanh toán, cơ quan thuế sẽ căn cứ dữ liệu thu thập được từ các đơn vị này, sau đó đem đối chiếu với doanh thu kê khai nộp thuế để xử lý truy thu và xử phạt theo quy định với các trường hợp vi phạm. Đối với các MCN, cơ quan thuế sẽ kiểm tra đối chiếu thông tin theo đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, từ đó khai thác thêm các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các tổ chức nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế, xử lý truy thu thuế.

“Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ rà soát và bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra các DN cung cấp hàng hóa xuyên biên giới, có kết hợp đối chiếu với dữ liệu do cơ quan hải quan cung cấp để có biện pháp quản lý thu thuế hiệu quả các đối tượng này. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để có được dữ liệu các khoản thu nhập phát sinh từ nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong nước do cung cấp dịch vụ cho Google, Apple, Youtube, Facebook hay Netflix… , để xử lý truy thu thuế theo quy định. Dự kiến, các loại thông tin dữ liệu này sẽ được các ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp theo định kỳ…” - đại diện lãnh đạo Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay.

Sở Công thương sẽ cung cấp dữ liệu cho cơ quan thuế

Tại buổi làm việc mới đây của lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh với các sở, ngành trên địa bàn về chống thất thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử, ông Lê Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương

TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND thành phố nên giao Cục Thuế chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu chung của thành phố, để thống nhất, chia sẻ thông tin, kết nối thông tin nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu về thuế. Sở Công thương sẽ rà soát, cung cấp toàn bộ thông tin về các trang web và ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn cho Cục Thuế thành phố để phối hợp thực hiện công tác quản lý thuế.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chong-that-thu-hieu-qua-tu-truy-vet-giao-dich-106016.html