Chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ khách quốc tế tại TP. Nha Trang
Ngành Du lịch Nha Trang đã có bước phát triển đáng kể cả về chất và lượng. Sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ khách quốc tế trên địa bàn Thành phố đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Mặc dù đóng vai trò quan trọng, song hoạt động của các cơ sở kinh doanh này hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế, gây khó khăn cho công tác quản lý và chống thất thu thuế. Từ khảo sát thực tiễn, bài viết đề xuất giải pháp quản lý, giám sát kê khai, kiểm tra thuế lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Nha Trang, góp phần chống thất thu thuế, tăng thu ngân sách nhà nước.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ du khách quốc tế tại TP. Nha Trang
Du lịch Khánh Hòa nổi tiếng với thành phố biển Nha Trang và đây cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Ngành du lịch Nha Trang đã có bước phát triển đáng kể cả về chất và lượng. Cơ sở kinh doanh du lịch phát triển mạnh theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn. Trên địa bàn TP. Nha Trang, nhiều trung tâm thương mại của các nhà bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước như Metro Cash & Carry, Coop Mart, Big C... đi vào hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và du khách. Các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại ngày càng phát triển, nhiều khách sạn tư nhân đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách quốc tế.
Sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ khách quốc tế trên địa bàn TP. Nha Trang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần đáng kể trong việc tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN); giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao vị thế cạnh tranh của địa phương và đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ du khách quốc tế trên địa bàn TP. Nha Trang còn tồn tại nhiều hạn chế, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế (QLT), cụ thể như sau:
- Một số công ty kinh doanh phục vụ du lịch có hành vi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân, tên, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép; sử dụng người nước ngoài dưới danh nghĩa trưởng đoàn để đón, hướng dẫn khách tham quan, không có thẻ hướng dẫn viên lữ hành quốc tế, không có giấy phép lao động theo quy định.
- Một số khách sạn ký hợp đồng bán phòng trọn gói cả năm cho đối tác nước ngoài là công ty du lịch quốc tế hoặc các trang mạng đặt phòng quốc tế. Các trường hợp này phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định. Mặt khác, hiện tượng người nước ngoài núp bóng thuê các tổ chức, cá nhân Việt Nam đứng tên để kinh doanh trái phép hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn… và thực hiện hành vi trốn thuế cũng diễn ra phổ biến.
- Nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện đúng quy định bán hàng phải xuất hóa đơn. Việc khách hàng không lấy hóa đơn cũng góp phần tiếp tay cho tình trạng trốn thuế của các cơ sở kinh doanh.
- Nhiều cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch kê khai thiếu doanh thu của gói dịch vụ và doanh thu ăn uống tại các điểm vui chơi, hoặc lập đơn giá tour du lịch không đúng thực tế; hạch toán lỗ chi phí phòng khách sạn đối với những ngày khách mua sắm tự do.
- Qua đối chiếu các giao dịch trên tài khoản ngân hàng của DN, cơ quan thuế phát hiện một số giao dịch về dòng tiền phát sinh giả như: DN thanh toán công nợ cho các đối tác cung cấp dịch vụ như phòng khách sạn, vé tắm bùn, vé tham quan, song không hạch toán vào sổ kế toán.
- Cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch không lập hóa đơn, không kê khai các khoản thanh toán qua máy chấp nhận thẻ (POS). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyên phục vụ khách nước ngoài chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, không thanh toán qua ngân hàng đối với các khoản chi phí có giá trị thanh toán trên 20 triệu đồng.
Thực trạng này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác QLT, làm thất thu NSNN, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các hộ kinh doanh, DN trên địa bàn.
Thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP. Nha Trang
Lượng du khách quốc tế đến tham quan, du lịch tại TP. Nha Trang ngày càng tăng, đây là tín hiệu khởi sắc đối với ngành Du lịch Khánh Hòa, tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi cần phải có biện pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ khách quốc tế trên địa bàn Tỉnh. Khảo sát cho thấy, thời gian qua, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã chú trọng triển khai công tác quản lý và kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ khách quốc tế; Kịp thời phối hợp với các cơ quan ban ngành trong QLT; đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế; Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ khách quốc tế...
Trong năm 2018, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật thuế đối với 60 DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, qua kiểm tra, rà soát, đơn vị đã truy thu và phạt qua kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế bình quân 165 triệu đồng/cuộc kiểm tra; đồng thời, điều chỉnh thuế của 50 hộ kinh doanh bán hàng cho khách nước ngoài, doanh thu tăng 21 tỷ đồng, tương ứng số thuế điều chỉnh tăng 345 triệu đồng, tổng số thuế qua khảo sát tăng 131% so với ban đầu.
Một số hành vi vi phạm phổ biến đã được cơ quan thuế phát hiện thông qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Nha Trang gồm:
- Các cơ sở kinh doanh thường không xuất hóa đơn kê khai thuế đúng theo doanh thu thực tế phát sinh, kê khai thiếu doanh thu do bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thấp hơn giá niêm yết, bán hàng không xuất hóa đơn.
- Đa số các giao dịch thanh toán đều sử dụng tiền mặt, khó khăn đối với cơ quan quản lý trong việc kiểm tra dòng tiền.
- Sử dụng tài khoản cá nhân của chủ cơ sở kinh doanh để giao dịch, thanh toán.
- Các cơ sở kinh doanh nhập kho hàng hóa với nhiều mã hàng khác nha. Mỗi mã hàng có một giá vốn cụ thể, nhưng khi xuất bán lại ghi chung một giá bán cho nhiều mã hàng khác nhau, dẫn đến xác định doanh thu bán hàng không chính xác.
- Kê khai khống chi phí tiền lương nhân công, các khoản chi phí không hợp lý, các khoản chi không phục vụ kinh doanh.
- Phân bổ chi phí khấu hao tài sản cố định, công cụ dụng cụ không đúng quy định.
- DN lắp đặt POS tại cơ sở kinh doanh nhưng chủ tài khoản thanh toán của máy POS lại đứng tên cá nhân. Lợi dụng điều này, DN không ghi nhận doanh thu trên sổ sách kế toán đối với số tiền khách hàng thanh toán bằng thẻ qua POS, không xuất hóa đơn và kê khai thuế đối với khoản doanh thu trên...
Thực tế cho thấy, có khá nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục khách quốc tế trên địa bàn TP. Nha Trang hiện nay, cụ thể:
- Các hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch đang diễn ra hết sức sôi động và phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm, gian lận về thuế, dẫn đến thất thu NSNN. Cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, xử lý và chấn chỉnh sai phạm về thuế đối với các DN du lịch.
- Khó khăn trong công tác QLT đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú. Số thu thuế trong thực tế chưa tương xứng với tốc độ phát triển của hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh lưu trú không kê khai đầy đủ số lượng khách lưu trú, kê khai giá phòng thấp hơn giá thực tế, bỏ ngoài sổ sách các khoản thu như: Phụ thu ở thêm người, nước uống, giặt ủi… và khách hàng thường không lấy hóa đơn sau khi sử dụng dịch vụ. Việc làm này đã tiếp tay cho các DN không lập hóa đơn, kê khai thiếu doanh thu khi bán hàng hóa dịch vụ; gây nhiều khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định được tình hình kinh doanh, giao dịch thực tế của DN...
- Các cơ sở kinh doanh thường cố tình kê khai không đúng doanh thu thực tế phát sinh, bỏ ngoài sổ sách chi phí nguyên vật liệu để chi phí phù hợp với doanh thu; kê khai tăng chi phí của các mặt hàng có hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ để giảm thuế GTGT phải nộp...
Đề xuất, khuyến nghị
Trên cơ sở đánh giá thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP. Nha Trang, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai nộp thuế: Cơ quan thuế trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai nộp thuế, liên tục cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh; Phân tích hồ sơ khai thuế và báo cáo tài chính tại trụ sở cơ quan thuế để xác định các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Những nội dung cần lưu ý gồm: Kết quả kinh doanh lỗ hoặc tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu không cao so với quy mô hoạt động; Số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau cao, số thuế phát sinh phải nộp không tương ứng với doanh thu; Gửi thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin phục vụ cho công tác đối chiếu với số liệu kê khai; Đối chiếu số liệu giải trình với số liệu đã kê khai, đề xuất kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với những cơ sở kinh doanh cố tình không giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc giải trình có số liệu chênh lệch, rủi ro cao về thuế; Xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, chấn chỉnh việc kê khai theo đúng thực tế phát sinh...
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ thực hiện chính sách pháp luật thuế đối với các cơ sở kinh doanh tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ khách quốc tế trên địa bàn. Cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến các quy định mới về chính sách pháp luật về thuế kịp thời giúp các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch nắm bắt và thực hiện tốt những quy định về thuế; Phát huy tính hiệu quả “đường dây nóng” của ngành Thuế; Xử lý kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân và khách du lịch về các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch có các vấn đề vi phạm.
Trong năm 2018, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật thuế 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, qua kiểm tra, rà soát, đơn vị đã truy thu và phạt qua kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế bình quân 165 triệu đồng/cuộc kiểm tra; đồng thời, điều chỉnh thuế của 50 hộ kinh doanh bán hàng cho khách nước ngoài, doanh thu tăng 21 tỷ đồng, tương ứng số thuế điều chỉnh tăng 345 triệu đồng, tổng số thuế qua khảo sát tăng 131% so với ban đầu.
Thứ ba, thực hiện phân tích dữ liệu của DN theo từng ngành nghề kinh doanh, chú trọng công tác khai thác, thu thập thông tin, dữ liệu. Theo đó, các đội kiểm tra thuế cần thường xuyên rà soát ngành nghề kinh doanh thực tế của DN được phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện việc phân tích dữ liệu của DN được phân công quản lý theo từng ngành nghề kinh doanh cụ thể.
Cơ quan thuế cũng cần chú trọng công tác khai thác, thu thập thông tin, dữ liệu mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầu vào, đầu ra của các DN, cá nhân tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố như: Lữ hành - lưu trú - đi lại - ăn uống - mua sắm - vui chơi giải trí... Từ đó, làm cơ sở phục vụ công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng chống các hành vi gian lận về thuế của các tổ chức, DN, hộ cá nhân kinh doanh.
Thứ tư, tăng cường công tác QLT đối với các hộ, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, dịch vụ tại địa bàn: Các đội quản lý thuế xã phường thường xuyên rà soát ngành nghề kinh doanh thực tế của hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn; Rà soát kịp thời các cơ sở kinh doanh mới thành lập để hạn chế tình trạng sót hộ; Giám sát chặt chẽ tình hình biến động về quy mô, ngành nghề, doanh thu mức thuế của hộ kinh doanh; Tiến hành thu thập thông tin liên quan, đề xuất ấn định kịp thời đối với các hộ mở rộng quy mô ngành nghề kinh doanh hoặc có mức tăng doanh thu đột biến trên 50% theo quy định.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai công tác QLT trên địa bàn. Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã tham mưu đề xuất Cục Thuế Khánh Hòa có văn bản kiến nghị UBND Tỉnh phối hợp Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, viễn thông… để có biện pháp quản lý đối với hoạt động thanh toán qua POS, ví điện tử Alipay, Wechat pay, ví điện tử... Đồng thời, yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn thông tin kịp thời đến cơ quan thuế khi phát hiện có giao dịch đáng ngờ; cung cấp thông tin về giao dịch qua ngân hàng của DN và cá nhân chủ DN để cơ quan thuế có cơ sở xử lý các vi phạm theo quy định.
Thứ sáu, tăng cường tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và người nộp thuế, qua đó kịp thời trang bị, cập nhật những chính sách thuế mới, nâng cao trình độ nghiệp cho cán bộ công chức trong công tác QLT; đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật thuế để các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của việc thực hiện kê khai thuế theo quy định.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Khánh Hòa (2016), Báo cáo tình hình công tác quản lý nhà nước về hoạt động lữ hành quốc tế và các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
2. UBND TP. Nha Trang (2018), Quyết định ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế trên địa bàn TP. Nha Trang;
3. Sở Du lịch Khánh Hòa (2019), Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa;
4. Chi cục Thuế TP. Nha Trang (2018), Kết quả kiểm tra chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp trên địa bàn TP. Nha Trang;
5. Dương Thị Thanh Huyền (2015), Gia tăng chi tiêu của du khách quốc tế đến Khánh Hòa;
6. Anastasia Soldatova (2010), “ Consumption expenditure of Russian tourists in Imatra”;
7. Các website: dulichvietnam.com.vn, dantri.com.vn.