Chống thất thu thuế theo chuyên đề, lĩnh vực trọng điểm

Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung chống thất thu thuế, đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản…

Chống thất thu thuế từ hóa đơn điện tử

Chống thất thu thuế từ hóa đơn điện tử

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng Trần Phương cho biết, 10 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế trong nước có những khó khăn, thách thức khi lạm phát, tỷ giá, lãi suất, giá vàng diễn biến khó lường… Tuy nhiên, với sự chủ động tích cực của cơ quan thuế, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thu ngân sách trên địa bàn do cơ quan thuế quản lý thu 10 tháng đầu năm 2024, đến ngày 4/11/2024 tổng thu ngân sách đạt 10.877,8 tỷ đồng, bằng 76,87% dự toán địa phương, bằng 104,4% so với cùng kỳ.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nói riêng, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố xây dựng chuyên đề chống thất thu thuế. Qua thời gian triển khai, các chuyên đề chống thất thu thuế đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Các đề án chống thất thu thuế đã phát huy hiệu quả, những điểm đáng ghi nhận là công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai đề án chống thất thu. Nhìn từ góc độ của ngành Thuế đây là kết quả tích cực cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc phối hợp liên ngành trong công tác chống thất thu ngân sách. Nhiệm vụ của ngành Thuế là thu đủ và thu đúng nhưng phải có dữ liệu, có đối chiếu từ các sở, ngành. Thời gian tới, cơ quan thuế tiếp tục tăng cường các giải pháp, phối hợp liên ngành trong chống thất thu ngân sách.

Đối với công tác chống thất thu thuế, Cục Thuế tỉnh thường xuyên rà soát đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ các thông tin của cơ quan Công an, Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân cung cấp, từ đó chuyển thành các gói dữ liệu rủi ro cao về hóa đơn để triển khai rà soát toàn ngành, xác minh và xử lý kịp thời theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan thuế. Trong đó, nổi bật là các hoạt động thu thuế thương mại điện tử, chống gian lận hóa đơn điện tử, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế…

Ngành Thuế đã tập trung quản lý thuế, quản lý đối tượng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử. Cục Thuế đã thực hiện và phối hợp với các sàn thương mại điện tử, ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian vận chuyển… để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Như đối với quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, tổng số doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử thuộc diện rà soát, quản lý trên địa bàn là 106 đơn vị. Tổng doanh thu lũy kế đến thời điểm báo cáo là 3.048,9 tỷ đồng. Tổng số thuế phải nộp là 106,8 tỷ đồng; trong đó thuế giá trị gia tăng là 16,5 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 70,1 tỷ đồng, thuế khác là 20,2 tỷ đồng. Số thuế đã nộp là 103,1 tỷ đồng; còn phải nộp 3,8 tỷ đồng. Tổng số cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thuộc diện rà soát, quản lý trên địa bàn là 452 trường hợp. Tổng doanh thu lũy kế đến thời điểm báo cáo là 67,3 tỷ đồng. Tổng số thuế phải nộp là 1,9 tỷ đồng; trong đó thuế giá trị gia tăng là 1,3 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 399 triệu đồng, thuế khác là 249 triệu đồng. Số thuế đã nộp là 1,9 tỷ đồng.

Còn công tác quản lý các khoản thu từ đất, thực hiện giải quyết hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất theo đề xuất của các Chi cục Thuế và đề nghị của doanh nghiệp, giải quyết hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo Quyết định 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lũy kế đến 31/8/2024 là 442 hồ sơ, với số tiền 179,3 tỷ đồng. Đến tháng 9/2024, Cục Thuế đã ban hành 727 thông báo tiền thuê đất phải nộp.

Ngoài ra, Cục Thuế Lâm Đồng cũng tiếp tục quản lý chặt chẽ đối tượng, đặc biệt là các trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, phòng, chống gian lận hóa đơn điện tử. Theo đó, định kỳ 2 lần trong tháng Cục Thuế mời người đại diện pháp luật, kế toán trưởng của các doanh nghiệp, người nộp thuế mới thành lập, mới chuyển đến trên địa bàn lên làm việc với mục tiêu vừa hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách thuế, vừa nắm bắt tình hình, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp có dấu hiệu rủi ro mua bán hóa đơn trên địa bàn.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng Trần Phương cũng cho biết, thời gian qua, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng, ban, Chi cục Thuế trực thuộc triển khai 3 nhóm giải pháp trọng tâm: Giám sát kê khai, thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, thu hồi nợ thuế; phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan bám sát theo các đề án chống thất thu ngân sách đã đề ra từ đầu năm để tiếp tục thực hiện tốt.

Triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Quyết định của Bộ Tài chính, UBND tỉnh về thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; các chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh và Tổng cục Thuế về thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; phát động phong trào thi đua, đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách, tăng cường quản lý thu thuế, chống thất thu và nợ đọng thuế. Phấn đấu năm 2024 thu ngân sách đạt 14.150 tỷ đồng, đạt 100% dự toán được giao.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202411/chong-that-thu-thue-theo-chuyen-de-linh-vuc-trong-diem-aec35c4/