Chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm (bài cuối)
Chống thất thu thuế trên các lĩnh vực trọng điểm (Bài 1)

Bài 2: Thất thu thuế trong khai thác khoáng sản - trách nhiệm không chỉ riêng ngành Thuế

Trong những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong lĩnh vực này lại chưa tương ứng với thực tiễn hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chưa kê khai trung thực trữ lượng hàng hóa bán ra, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nhằm tăng cường quản lý thuế trong khai thác khoáng sản, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án “Chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản” và đây là bước đi căn cơ, sự vào cuộc đồng bộ để khắc phục các “lỗ hổng” còn tồn tại trong lĩnh vực này.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Di Linh

Hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Di Linh

CÒN NHIỀU “LỖ HỔNG” THẤT THU

Thu thuế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, trốn thuế, hủy hoại môi trường, nhưng việc quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay chỉ thực hiện được đối với các cơ sở có địa điểm cố định. Việc thu thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cá nhân trực tiếp khai thác cát, sỏi, đất, đá hầu như chưa quản lý được do địa bàn rộng, khai thác chủ yếu bằng thủ công, địa điểm không cố định, dẫn đến tình trạng không kê khai hoặc kê khai thiếu số lượng.

Tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh đã quản lý thu thuế 222 người nộp thuế, tương ứng với 273 giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đối với khai thác tài nguyên nước, có 143 người nộp thuế, tương ứng với 178 giấy phép; trong đó, khai thác tài nguyên nước dưới đất có 107 người nộp thuế (tương ứng 123 giấy phép); khai thác nước mặt có 36 người nộp thuế (tương ứng 55 giấy phép). Đối với khai thác tài nguyên khoáng sản, có 79 người nộp thuế, tương ứng với 95 giấy phép. Kết quả thu nộp vào NSNN từ năm 2015 - 2020 trên 6.322 tỷ đồng. Trong đó, thu thuế phí gần 6 ngàn tỷ đồng, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 249 tỷ đồng, tiền cấp quyền tài nguyên nước là gần 179 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những tồn tại được phân tích cụ thể đó là: Một số tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản chưa chấp hành tốt việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 và điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng việc chấn chỉnh chấp hành pháp luật về lắp đặt camera giám sát, trạm cân và lập sổ sách, chứng từ trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên khoáng sản kê khai sản lượng thực tế khai thác thấp hơn trữ lượng được cấp phép, khai thác vượt trữ lượng, kê khai loại sản phẩm tài nguyên khai thác không đúng theo giấy phép được cấp, không đúng loại sản phẩm xác định trong dự án đầu tư... Một số doanh nghiệp thành lập công ty con nhằm mục đích khai thác tài nguyên khoáng sản nguyên khai là đá sau nổ mìn, đá bloca, cao lanh chưa rây... sau đó bán ra cho tổ chức (cũng là công ty con hoặc là đơn vị thành viên trong cùng một công ty) nhằm kê khai sản lượng tài nguyên khai thác không đúng loại tài nguyên sản phẩm theo thiết kế dự án và kê khai giá tính thuế GTGT, TNDN thấp hơn so với giá tính thuế tài nguyên UBND tỉnh quy định. Tình trạng mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa không theo giá trị giao dịch trên thị trường, thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, thực tế phát sinh. Sử dụng chứng từ, hóa đơn không hợp pháp; các hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa chứng từ đầu vào, hợp thức hóa tài nguyên khoáng sản khai thác trái phép, nhất là việc mua, bán, kinh doanh đá, cát, sỏi lòng sông, đất san lấp mặt bằng, đá chẻ…

Đơn cử tại huyện Di Linh, ông Nguyễn Văn Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Di Linh chia sẻ: Thuế tài nguyên cũng chiếm phần quan trọng trong tổng thu toàn huyện hàng năm. Để chống thất thu thuế tài nguyên, đơn vị đã kiểm tra và phối hợp giám sát chặt chẽ nhưng chắc chắn việc thất thu ngoài con số các doanh nghiệp tự khai báo là khó tránh khỏi. Hiện huyện quản lý 5 đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản, tổng số thuế kê khai 9 tháng đầu năm 2021 là 950 triệu, trong đó thuế tài nguyên thu 763 triệu và phí bảo vệ môi trường thu 187 triệu. Tình trạng nợ đọng vẫn diễn ra, hiện nợ 1,7 tỷ đồng đối với 4 đơn vị.

Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Tình trạng thất thu NSNN trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan do chính sách pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai còn bất cập. Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện hết chức năng, còn buông lỏng quản lý, không thông báo kịp thời về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Ý thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp còn kém, nhất là trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng bộ, chặt chẽ. Việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản chưa quyết liệt và xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Số lượng vi phạm nhiều, việc xử lý còn ít, chưa đủ sức răn đe.

CẦN SỰ VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

Thực tế công tác hậu kiểm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Bản thân ngành Thuế không có chức năng, không đủ lực lượng và thời gian để có thể giám sát từng xe vận chuyển của doanh nghiệp. Các ngành khác cũng khó mà giám sát tuyệt đối được việc thực hiện các phương án vận chuyển đã được phê duyệt. Bởi lẽ, việc hậu kiểm từng doanh nghiệp, từng phương án vận chuyển và kiểm tra từng hóa đơn là gần như không thể. Mặc dù các chi cục thuế đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để giám sát việc khai thác mỏ của doanh nghiệp nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Để tăng cường khâu hậu kiểm, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu ngành Thuế cần phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương và Công an để kiểm tra, giám sát trên cơ sở căn cứ vào sản lượng sử dụng vật liệu nổ của doanh nghiệp tiêu thụ. Tại nội dung triển khai, UBND tỉnh cũng đã quy định rõ trách nhiệm của mỗi sở, ngành trong phối hợp chống thất thu thuế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Điều đó thể hiện sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, để đề án triển khai có hiệu quả.

Riêng đối với ngành Thuế, ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo đề án UBND tỉnh vừa ban hành, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thông qua hồ sơ kê khai thuế của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế như: Sổ sách, kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu để làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế; đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, có các giải pháp hữu hiệu trong việc thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ khoáng sản (đá, cát, đất, sỏi, đất sét, cao lanh…); phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ khoáng sản, xử lý nghiêm tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào, nhất là việc sử dụng, mua bán, kinh doanh cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, đá chẻ, cao lanh… Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố đối chiếu khai thác thông tin dữ liệu camera, trạm cân được lắp đặt tại tổ chức, cá nhân thông qua phân tích xác định rủi ro để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông; vật liệu xây dựng; vật liệu san lấp mặt bằng; đất, đá...

Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép; phối hợp trong việc đôn đốc thu nộp, cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ, nợ đọng tiền thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Phối hợp với cơ quan Công thương về số lượng sử dụng vật liệu nổ của các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản để có cơ sở đối chiếu, xác định sản lượng khai thác (thời gian trước ngày 10 của tháng đầu quý sau) và thông tin đến Sở Công thương về sản lượng kê khai tính thuế để quản lý đối chiếu định mức, sử dụng vật liệu nổ theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu định kỳ hàng tháng, hàng quý, năm thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường về sản lượng kê khai tính thuế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tổ chức, cá nhân kê khai thuế, phí nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản; khai thác vượt công suất; kê khai không đúng sản phẩm xác định trong dự án đầu tư… để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm quy định.

Chống thất thu ngân sách từ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh không chỉ là trách nhiệm của ngành Thuế mà rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp có liên quan. Với các biện pháp quyết liệt mà tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành tại Đề án Chống thất thu thuế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, hy vọng trong thời gian tới, các giải pháp trên sẽ phù hợp với yêu cầu quản lý, tạo sự thống nhất trong các chính sách thu thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản, góp phần tạo nguồn thu NSNN. Qua đó, Từng bước ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.

(CÒN NỮA)

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/chong-that-thu-thue-tren-cac-linh-vuc-trong-diem-bai-2-3082822/