Chống thâu tóm doanh nghiệp thời đại dịch

Theo tờ Times of India, ngày 18-4, Ấn Độ đã thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này, bằng việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế các nước có chung đường biên giới thừa cơ thâu tóm các doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Các công ty may mặc Ấn Độ nằm trong danh sách các ngành hạn chế FDI từ Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Các công ty may mặc Ấn Độ nằm trong danh sách các ngành hạn chế FDI từ Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Chặn từ trứng nước

Theo quy định sửa đổi, hoạt động FDI từ các nước láng giềng vào các công ty Ấn Độ phải được Chính phủ Ấn Độ phê chuẩn. Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với tất cả quốc gia có chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ. Việc chuyển quyền sở hữu các công ty Ấn Độ bắt nguồn từ hoạt động FDI của các nước láng giềng sẽ phải được New Delhi phê duyệt.

Ông Atul Pandey, đối tác tại Công ty Luật Khaitan & Co, đánh giá: “Bước đi này nhằm mang lại một biện pháp kiểm soát sự thâu tóm từ Trung Quốc, do Bắc Kinh đang đầu tư và mua lại các công ty trên khắp thế giới. Chính phủ Ấn Độ sẽ đánh giá đầu tư của Trung Quốc trên cơ sở từng trường hợp cụ thể”. Trước đó, tin tức cho hay Cơ quan Quản lý thị trường Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) đang theo dõi hoạt động giao dịch vốn ở nước này của các công ty và ngân hàng Trung Quốc. Những giao dịch như vậy đã bị đặt vào tầm ngắm trong bối cảnh giá cổ phiếu của các công ty đang sụt giảm do ảnh hưởng kinh tế của Covid-19.

Ấn Độ đã mở hầu hết các lĩnh vực FDI thông qua lộ trình tự động, nhưng vẫn hạn chế hoặc cấm ở một số lĩnh vực nhất định như quốc phòng, vũ trụ và năng lượng nguyên tử. Ngay cả trước khi sửa đổi, các khoản đầu tư trực tiếp từ Bangladesh và Pakistan đã phải đặt dưới sự giám sát của New Delhi. Bằng cách mở rộng hạn chế này đến tất cả quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ, chính phủ hiện đã loại trừ các khoản đầu tư từ Trung Quốc, trực tiếp hoặc thay thế, mà không cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Giám sát nghiêm ngặt

Trên thế giới, giao dịch của các công ty và tổ chức Trung Quốc thời gian qua cũng bị giám sát nghiêm ngặt vì các tài sản được mua lại ở mức định giá thấp. Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng đã áp đặt hạn chế đối với các công ty Trung Quốc muốn mua tài sản. Tại EU, 4 nền kinh tế lớn nhất châu lục gồm Pháp, Đức, Anh và Italy đã tiến hành các biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ tài sản của mình trước hoạt động thâu tóm của Trung Quốc thông qua FDI.

Berlin rất cảnh giác trước FDI của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi một nhà máy của Trung Quốc có tên là Midea mua lại công ty robot của Đức cách đây không lâu. Việc nội các của bà Merkel gần đây quyết định phong tỏa việc bán Mental Spinning (chuyên sản xuất thiết bị kim loại kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp vũ trụ và năng lượng) gửi một thông điệp rằng Đức sẽ xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược.

Trong khi sàng lọc các FDI là một hiện tượng mới ở Đức, thì Paris đã thông qua luật này từ lâu. Chính phủ được quyền xem xét kỹ lưỡng và có quyền phủ quyết một số khoản FDI nhất định, nhất là liên quan đến lĩnh vực quốc phòng. Cơ chế sàng lọc đầu tư được mở rộng, bao gồm từ trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, robot đến dữ liệu lớn, chất bán dẫn và khoa học không gian.

Luật mới ở Anh cũng tăng cường khả năng của chính phủ ngăn chặn các khoản FDI vào các ngành công nghiệp nhạy cảm. Phạm vi luật bao gồm các khoản đầu tư vào sở hữu trí tuệ hoặc mua cổ phần. Số lượng các giao dịch chịu sự kiểm tra của chính phủ dự kiến sẽ vào khoảng 50 giao dịch/năm. Italy cũng đã mở rộng hệ thống kiểm soát FDI đối với các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh để chính phủ có thể kiểm soát các loại công nghệ cao. Hiện Chính phủ Italy có thể phủ quyết những giao dịch trong các ngành công nghiệp này hay đưa ra điều kiện cho tất cả bên tham gia đầu tư.

VIỆT ANH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chong-thau-tom-doanh-nghiep-thoi-dai-dich-658126.html